Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Cơ chế điều chỉnh các-bon từ Điều 6 Thoả thuận Paris

30/05/2024

    Ngày 30/5/2024, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Cuộc họp kỹ thuật về cơ chế các-bon từ Điều 6 của Thoả thuận Paris và cơ hội cho Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan để chuẩn bị phát triển các dự án theo các cơ chế mới.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại Cuộc họp

    Phát biểu tại Cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013… Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới và là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM ta đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

    Tại Việt Nam, theo Luật BVMT năm 2020, thị trường các-bon được coi là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cục thể hoá một số điều tại Luật BVMT năm 2020, qua đó, xác định mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

    Theo ông Nguyễn Thành Công, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), hiện nay, Việt Nam đang có 254 dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và 11 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA) với tổng lượng KNK giảm nhẹ khoảng 140 triệu tấn CO2; 14 dự án theo cơ chế tín chỉ chung CJM với tiềm năng giảm phát thải đạt gần 16,000 tấn CO2/năm; 20 dự án GS phát hành gần 3,270,444 tín chỉ; 17 dự án VCS với tổng lượng tín chỉ là 603,41… Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng và kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường các-bon quốc tế.

Quang cảnh Cuộc họp

    Bên cạnh việc theo dõi các quy định về trao đổi tín chỉ các-bon trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật và nắm rõ các cơ chế liên quan tới thị trường các-bon quốc tế nói chung và các nội dung được đề cập tại Điều 6 Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ông Axel Michaelow, chuyên gia của Perspectives Climate Group chia sẻ, Điều 6.4 của Thoả thuận Paris có yêu cầu phải bao quát toàn bộ các chính sách và cách thức tiếp cận cẩn trọng nhằm tránh những hạn chế mức phát thải, các công nghệ hoặc hoạt động sử dụng nhiều các-bon. Đồng thời, giảm rủi ro về việc giảm phát thải không lâu dài và các tác động tiêu cực tới môi trường.

    Ngoài ra, các Dự án (PA), Chương trình Hoạt động (PoA) và các hoạt động dự án thành phần (CPA) có thể chuyển đổi sang PACM, tuy nhiên, cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn: đã đăng kí theo tiêu chuẩn CDM, được Ban điều hành CDM chấp nhận để đăng ký hoặc gia hạn thời gian tín dụng trên cơ sở tạm thời… Trong đó, thời hạn tín chỉ được tính từ tháng 1/2021. Các dự án CDM chuyển tiếp tạo ra ITMO kích hoạt các điều chỉnh tương ứng nếu chính phủ chủ nhà cấp phép A6.4ER cho dự án. Do vậy, ông Axel Michaelow khuyến nghị, Việt Nam cần xác định các loại hoạt động đủ điều kiện và yêu cầu về phương pháp, ngày kết thúc giai đoạn tín chỉ và hoạt động chuyển tiếp; Phê duyệt hoặc từ chối yêu cầu chuyển đổi thông qua trang web UNFCCC trước ngày 31/12/2025 để bảo đảm phù hợp với mục tiêu NDC được đề ra trước đó.

    Điều 6.4  Thỏa thuận Paris thiết lập một cơ cấu chức năng để thực hiện thị trường các-bon quốc tế và làm rõ cách chính phủ các nước nên hạch toán tín chỉ carbon trong các mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO₂ quốc gia, trong khi đó, Điều 6.2 quy định rõ cách tính chuyển nhượng tín chỉ carbon. Các quốc gia có thể sử dụng “các kết quả giảm thiểu được chuyển giao quốc tế” (ITMO) - các mức giảm phát thải được giao dịch do một bên tạo ra - đối với các đóng góp được xác định trên phạm vi quốc gia của bên mua, trong đó, yêu cầu bảo đảm tính toàn vẹn về môi trường, giảm rủi ro không lâu dài trong một số giai đoạn của NDC đồng thời, bảo đảm phủ hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của nước sở tại…

    Tại Cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ về các vấn đề liên quan tới văn bản hướng dẫn xây dựng và triển khai các hoạt động theo cơ chế quy định tại điều 6 Thoả thuận Paris; tiềm năng của các dự án các-bon theo cơ chế điều 6.4; cơ hội tham gia thị trường các-bon của lĩnh vực LULUCF…

Phùng Quyên - Bảo Bình

Ý kiến của bạn