Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

31/05/2021

     Ngày 27/5, Bộ TN&MT phối hợp với Đại Sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của EU và góp ý nội dung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020.

Các đại biểu tham dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến

    EPR là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. ERP được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.

     Luật BVMT năm 2020 đưa ra nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR với việc yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải. Dự kiến 6 nhóm ngành hang là đối tượng của cơ chế EPR gồm: Pin và ắc quy; điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì.

     Các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo đều có ý kiến đồng thuận với sự cần thiết quy định và áp dụng trên thực tế đối với cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Các chuyên gia thảo luận về các sản phẩm, bao bì thuộc diện thu hồi, tái chế; trách nhiệm của các nhà sản xuất nhỏ; mức chi phí thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất.

     Theo chia sẻ của các chuyên gia EU thì vai trò của các bên trong hệ thống, đặc biệt là vai trò của nhà nước trong việc giám sát, vận hành hệ thống. Các chuyên gia cho rằng cần thiết phải thiết lập cơ chế để bảo đảm sự cân bằng giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong kiểm soát và vận hành hệ thống EPR, vì nhà sản xuất không thể tự giám sát được; tuy nhiên, cũng không thể để toàn bộ gánh nặng này lên vai của Chính phủ. Vì vậy, các quốc gia Châu Âu thiết lập cơ chế phối hợp công tư như clearing house (một tổ chức tư nhân độc lập) để giám sát hệ thống EPR, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiểm soát hệ thống EPR thông qua Clearing house, tương tự như Văn phòng EPR Việt Nam trong dự thảo Nghị định. Chính phủ có thể thuê kiểm toán độc lập để xác định mức độ chính xác của báo cáo thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

     Minh bạch và thực hiện trách nhiệm tái chế được các chuyên gia đưa ra với các biện pháp nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong quản lý cũng như những mảng tối trong thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và công chúng, bảo đảm sự vận hành và phát triển lành mạnh của hệ thống EPR.

     Về hạ tầng thu gom, tái chế được các chuyên gia nhấn mạnh là yếu tố rất quan trọng để thực hiện EPR, việc tổ chức thu gom và chi trả cho thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom phải được chia sẻ thông qua hợp tác công tư giữa chính quyền địa phương và các PRO và các nhà sản xuất, nhập khẩu.

     Theo đại diện của Bộ TN&MT, dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn