Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Chia sẻ kinh nghiệm đề cử và quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar ở Việt Nam

02/12/2021

    Ngày 30/11/2021, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đề cử và quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ), khu Ramsar ở Việt Nam.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho biết, kể từ khi khởi xướng, mạng lưới khu DTSQ và khu Ramsar đã được phát triển rộng khắp trên toàn thế giới, đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Với hơn 20 năm tham gia mạng lưới khu DTSQ thế giới, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc mở rộng mạng lưới khu DTSQ và khu Ramsar tại nước nhà. Đến nay, chúng ta đã được công nhận 11 khu DTSQ thế giới và 9 khu Ramsar, đây là những khu vực có giá trị bảo tồn ĐDSH cao, có sự ủng hộ chính trị của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các cam kết đối với quốc tế và có nhiều sáng kiến, đóng góp cho công tác bảo tồn ĐDSH. Các khu vực này cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của quốc tế cũng như quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Việc công nhận các khu DTSQ có ý nghĩa lớn với quốc gia, đó là hỗ trợ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các Công ước, cam kết quốc tế. Với các địa phương, khu DTSQ giúp bảo tồn dự trữ sinh học và phát triển bền vững, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường sự hợp tác và sự tham gia, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục...

    Tại Hội thảo, TS. Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đã trình bày quy trình và hồ sơ đề cử khu Ramsar. Theo Công văn số 1822/TCMT-BTĐDSH của Tổng cục Môi trường, quy trình xây dựng hồ sơ, đề cử khu Ramsar và khu Vườn Di sản ASEAN gồm 11 bước. Trong đó, để trở thành khu Ramsar cần đảm bảo những tiêu chí nhất định. Đó là một vùng đất ngập nước được cho là có tầm quan trọng quốc tế nếu có chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên có trong vùng địa lý sinh học đặc biệt;  nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa; nuôi dưỡng quần thể các loài động thực vật có tầm quan trọng đối với việc duy trì tính ĐDSH của một khu vực địa lý đặc biệt… Hiện trình tự thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước đang được thực hiện theo Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT quy định chi tiết nội dung thực hiện điểm c. khoản 1, Điều 31, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng)

    Đối với việc xây dựng hồ sơ và quy trình đề cử khu DTSQ, ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên, các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu DTSQ ở Việt Nam cho hay, quy trình đề cử khu DTSQ gồm 6 bước: Đánh giá khu vực tiềm năng; thông qua chủ trương đề cử công nhận khu DTSQ; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử khu DTSQ; thẩm định, thông qua Hồ sơ đề cử; nộp hồ sơ và tổ chức đón nhận danh hiệu. Để thực hiện các công việc này có thể huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn vốn ODA, nguồn lực xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác…

    Để được công nhận, khu DTSQ phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Hệ thống sinh thái đại diện cho địa sinh học của các khu vực (bao gồm các mức độ can thiệp của con người); có tầm quan trọng cho bảo tồn ĐDSH; cung cấp cơ hội để khám phá và chứng minh phương pháp tiếp cận bền vững; có diện tích phù hợp để phục vụ 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển (bảo tồn, phát triển và hỗ trợ); có các phân vùng thích hợp, gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp bên ngoài; có cơ cấu tổ chức và đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan; cần chuẩn bị: cơ chế quản lý, các chính sách và kế hoạch quản lý; cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chính sách và kế hoạch, các chương trình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo.

    Theo ông Cung Đức Hân, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại - UNESCO, Bộ Ngoại giao, hiện nay các bộ, ngành liên quan đang dần hoàn thiện các quy trình để trình hồ sơ đề cử và quy trình này ngày càng chặt chẽ, tiến tới quy trình chuẩn trong việc xây dựng hồ sơ. Tuy nhiên, môt điều rất quan trọng cần phải lưu ý là sau khi hoàn thiện và nộp hồ sơ cho UNESCO, chúng ta phải đẩy mạnh vận động thông qua hồ sơ. Các hoạt động truyền thông để nhận được sự tham gia của các bên liên quan ở tất cả các giai đoạn của quá trình đề cử là rất cần thiết.

    Chuyên gia về bảo tồn ĐDSH Nguyễn Văn Chiêm cho biết, hiện nay Việt Nam có 34 khu DTSQ mang các danh hiệu quốc tế, khu vực, trong đó có 9 khu Ramsar, 11 khu DTSQ, 14 khu Di sản ASEAN. Điều này cho thấy sự cỗ gắng rất lớn của các cơ quan làm công tác bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay các khu bảo tồn mang danh hiệu quốc tế đang tồn tại sự mất cân đối giữa “sinh” và “dưỡng”. Cụ thể, chúng ta có nhiều khu được đề xuất lên và được công nhận nhưng việc quản lý, duy trì nó chưa được thực sự chú trọng. Nếu không khắc phục được điều này thì dù có thêm nhiều khu nữa, việc tận dụng được hết lợi ích cũng rất khó. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa đề cập nhiều đến việc khai thác hiệu quả giá trị các khu này để có nguồn lực tái đầu tư cho công tác quản lý và duy trì các khu được công nhận. Đây là những vấn đề cần sớm có giải pháp khắc phục.

    TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn chia sẻ, theo định hướng chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích việc đề cử và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả những khu vực được công nhận các danh hiệu quốc tế. Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn việc đề cử và tổ chức quản lý khu KDTSQ, khu Ramsar tại Việt Nam.

Nam Việt

Ý kiến của bạn