Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Bộ TN&MT: Ban hành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

23/08/2021

    Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, ngày 20/8/2021, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1633/QĐ-BTNMT kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP.

 Hội thảo "Chuyển giao và phát triển công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" do Bộ TN&MT tổ chức ngày 6/8/2020

    Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP; Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025. Kế hoạch được thực hiện đến năm 2025, làm căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 56- KL/TW, Nghị quyết số 24-NQ-TW và Nghị quyết 06/NQ-CP.

    Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu:

    Về ứng phó với biến đổi khí hậu: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai thực 2 hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; Hướng tới giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

    Đối với BVMT: Xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn. 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng chất thải được thu gom; 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Đồng thời, bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Cùng với đó, góp phần bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%; 13 khu đất ngập nước Ramsar, 12 khu dự trữ sinh quyển được thành lập và công nhận; Tăng diện tích các khu đất ngập nước quan trọng được bảo vệ; có ít nhất 10 loài nguy cấp được đưa vào chương trình bảo vệ.

    Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước; Nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT; Đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.

    Đối với vấn đề BVMT: Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn