Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Quốc hội thảo luận toàn thể về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

23/06/2020

     Ngày 18/6/2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển, Quốc hội đã thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật BVMT (sửa đổi).

     Luật BVMT số 55/2014/QH13 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 16 Chương, 186 Điều, quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động BVMT; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

     Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

 

Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật BVMT (sửa đổi) chiều ngày 18/6

     Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội cho biết, nội dung của Dự thảo Luật mà Chính phủ trình đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức BVMT. Do vậy, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác BVMT.

    ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thời gian qua, nước ta đang đối diện với nhiều sự cố môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thực tế ấy đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật BVMT. Đại biểu nêu rõ, trong Dự thảo Luật lần này, có 13 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi với nhiều quy định mới tiến bộ hơn trước. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, những chính sách mới này để thực hiện đều cần có ngân sách và nhân lực phát sinh. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này để Quốc hội có sơ sở xem xét kỹ lưỡng.

     Các đại biểu cũng đánh giá cao Ban soạn thảo đã có cách tiếp cận mới, đưa thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho BVMT, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá các bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải các bon, bảo vệ tầng ôzôn... Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn… Đồng thời, các ĐBQH cũng trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong nội dung của Dự án Luật BVMT (sửa đổi) như: Đánh giá tác động môi trường; nội dung thanh tra, kiểm tra trong BVMT; BVMT nước; bảo vệ đa đạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; các quy định sử dụng công nghệ, thuế, phí BVMT, nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng đầu tư, kinh phí cho nội dung môi trường để đảm bảo 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường…

     Phát biểu tiếp thu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với những ý kiến tâm huyết, được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện Dự án Luật để khi bộ Luật này ban hành thì phải mang tính khả thi, đảm bảo được tính thống nhất giữa bộ luật này với các bộ luật khác; quy định rõ nguyên tắc đó là một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp, khi có vấn đề về môi trường xảy ra sẽ xác định được đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

     Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các ĐBQH tại phiên họp đã được tổng hợp đầy đủ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, các cơ quan có liên quan sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận thêm về Dự án Luật này.

 

Hồng Nhung

 

 

 

Ý kiến của bạn