Banner trang chủ

Cập nhật nghiên cứu và giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí

08/09/2020

     Ngày 7/9/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí (CLKK) - cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật các kết quả nghiên cứu về CLKK tại một số đô thị lớn tại Việt Nam và các giải pháp cải thiện CLKK.

     Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức và đại diện World Bank; Live&Learn cùng các nhà khoa học đến từ các trường Đại học: Bách khoa Hà Nội, Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Khoa học tự nhiên; chuyên gia thuộc Viện Khí tượng Phần Lan; Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống ứng dụng.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Thời gian qua, tình trạng chất lượng môi trường không khí suy giảm ở một số địa phương trên cả nước đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa, cùng với số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng nhanh. Để cải thiện chất lượng không khí, nhiều chính sách pháp luật về BVMT không khí đã được ban hành, các trạm quan trắc đã được xây dựng, cung cấp những thông tin chính thống về CLKK.

     Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày kết quả 2 Dự án nghiên cứu về quản lý CLKK do World Bank hỗ trợ, bao gồm: Xác định thành phần nguồn phát thải khu vực Hà Nội năm 2019 - 2020; Tỷ lệ đóng góp của các nguồn ngoài Hà Nội và Ứng dụng mô hình GAINS tại Việt Nam và một số nội dung nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước như: Cập nhật kết quả nghiên cứu về ONKK ở Hà Nội; Tích hợp các nghiên cứu vào trong quy trình Xây dựng kế hoạch không khí sạch cho một số tỉnh thành phía Nam; Một số kết quả nghiên cứu về nồng độ Black Carbon ở Việt Nam; Các chính sách quản lý ÔNKK và giải pháp cải thiện CLKK trong nước và kinh nghiệm thế giới…

     Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá về hiện trạng, xác định các nguồn thải và những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Theo đó, nghiên cứu của Viện Khí tượng Phần Lan đã xác định thành phần bụi PM2.5 ở Hà Nội là các bon hữu cơ bắt nguồn từ quá trình đốt cháy. Tuy nhiên, nồng độ kim loại nặng cũng cao, đặc biệt ở khu vực giao thông, và làm gia tăng các tác động nghịch về sức khỏe của bụi mịn. Bên cạnh đó, chuyên gia của Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng cũng giới thiệu những hỗ trợ của Mô hình GAINS giúp nhà nước xác định các chính sách hiệu quả về mặt chi phí và biện pháp kỹ thuật  về quản lý CLKK ở nước ta.

     Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý CLKK như: Cần kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về CLKK; Tăng cường nguồn lực cho quản lý CLKK; Thực hiện kiểm kê khí thải, kiểm soát nguồn thải do ngành, địa  phương quản lý (nguồn công nghiệp, giao thông, KCN, CCN, làng nghề, sinh hoạt…); Xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc CLKK xung quanh và trong nhà; Thông tin kịp thời về hiện trạng CLKK…

 

Châu Loan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn