Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Vai trò của truyền thông trong thay đổi hành vi về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

21/07/2022

    Nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp về thay đổi hành vi tiêu dùng nhựa thông minh, bền vững, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống, ngày 21/7/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) và Báo điện tử VTC News tổ chức Chương trình Tập huấn năm 2022 với chủ đề “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”.

    Phát biểu tại buổi Tập huấn, ông Lưu Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “Báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển. Tháng 3/2022, tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2), các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, đánh dấu một trong những hành động môi trường tham vọng nhất của thế giới kể từ Nghị định thư Montreal, nhấn mạnh vào loại bỏ sản xuất các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội tích cực hưởng ứng, tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới. Để các thông điệp này đến với người dân, hơn lúc nào hết cần có vai trò của cơ quan bao chí truyền thông thông qua các tin bài điều tra, phản ánh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay, từ đó giúp nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Toàn cảnh buổi Tập huấn

    Tham dự Tập huấn, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đến rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương; các chuyên gia, giảng viên chuyên ngành về truyền thông đã tập trung trao đổi, thảo luận về: Vai trò của Việt Nam trong tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển của Việt Nam và hướng tới công cụ rang buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa; xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững; thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Áp dụng các nguyên tắc thị trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về luật BVMT 2020 và về Cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất… Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương cần thay đổi tư duy về chất thải, coi chất thải là tài nguyên, đồng thời, cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp, cá nhân xả rác thải ra môi trường. Về phía các cơ quan báo chí, cần có những bài viết chuyên sâu, bên cạnh việc phản ánh đầy đủ thực trạng, tác hại của việc xả rác thải nhựa ra đại dương, cần phản ảnh kịp thời những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Song song với đó, tập trung những tuyến bài tuyên truyền những địa phương có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong giảm ô nhiễm nhựa đại dương để nhân rộng, đồng thời lên án những nơi chưa làm tốt, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt kịp thời để có kế hoạch giúp địa phương khắc phục.

    Cũng tại buổi Tập huấn, các phóng viên đã chia sẻ phương pháp khai thác thông tin, những tình huống, cách thức xử lý, bài học thực tiễn thường gặp, giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp trong việc truyền thông, góp phần thay đổi hành vi của người dân, doanh nghiệp về giảm thiểu rác thải nhựa.

Gia Linh

 

Ý kiến của bạn