Banner trang chủ

Trường Tiểu học Ngọc Sơn - Mô hình điểm trong công tác bảo vệ môi trường tại Bắc Giang

06/09/2021

     Giáo dục nâng cao ý thức BVMT là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục tại các nhà trường, thực hiện mục tiêu giáo dục con người toàn diện. Hoạt động giáo dục BVMT đã góp phần nâng cao ý thức BVMT cho đội ngũ cán bộ giáo viên, các em học sinh, đồng thời tạo hiệu ứng cho toàn cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề này, trong nhiều năm qua, trường Tiểu học Ngọc Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang), vừa tập trung thi đua Dạy tốt - Học tốt, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác BVMT và xây dựng nhà trường theo hướng Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện và An toàn. Nhờ đó, vừa qua, trường Tiểu học Ngọc Sơn đã được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Giải thưởng môi trường tỉnh năm 2021. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường.

Bà Phạm Thị Hoàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Sơn

PV: Nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, cũng như ý thức của các em học sinh trong công tác BVMT, những năm qua, trường đã triển khai những hoạt động gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hoàn: Trường Tiểu học Ngọc Sơn được thành lập từ năm 1957. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích nổi bật và toàn diện, trường Tiểu học Ngọc Sơn đã khẳng định được niềm tin và chất lượng trong xã hội, được đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Trường đã tạo lập được vị trí trong sự nghiệp giáo dục của huyện Hiệp Hòa nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung. Nhà trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 12/2018, 8 năm gần đây liên tục đạt Tập thể xuất sắc, 2 năm đạt Giải thưởng môi trường cấp tỉnh, 3 năm được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm học 2019-2020, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Những phần thưởng cao quý này là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp trồng người cũng như sự nghiệp BVMT của nhà trường. Hiện tại, trường có tổng số 54 cán bộ giáo viên, nhân viên, 31 lớp, với 1.150 học sinh.

    Có được thành tích trên là nhờ nhà trường đã triển khai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, đến việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường trong công tác tuyên truyền BVMT để nâng cao ý thức tự giác của con người là một vấn đề cốt lõi. Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động BVMT thiết thực với các sự kiện môi trường như: Ngày Trái đất (22/4), Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày chủ nhật xanh…

    Hàng tháng, ngoài kế hoạch chỉ đạo về chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường còn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, truyền thông và tổ chức các hoạt động BVMT tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh để cùng thực hiện. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn thể, tổ chức trong việc tuyên truyền, giáo dục các nội dung về BVMT. Nhằm tích hợp giảng dạy các nội dung giáo dục BVMT trong các giờ chính khóa, nhà trường tổ chức tập huấn và trang bị tài liệu cho giáo viên; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về BVMT như Ngày hội vệ sinh trường học, Thi vẽ tranh về các hoạt động BVMT, nói không với rác thải nhựa, Chúng em chung tay BVMT… Nội dung chủ yếu trong hoạt động BVMT là đảm bảo trường, lớp Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn và Thân thiện. Đó cũng là một trong 5 nội dung để duy trì xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

    Cùng với đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể tích cực hưởng ứng phong trào thi đua làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan… Đặc biệt là hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi giáo viên, lớp học nhận trồng, chăm sóc ít nhất một cây xanh. Tại các góc lớp, hành lang, khu vực nhà xe… được trang bị thùng đựng rác giúp học sinh hình thành thói quen để rác đúng nơi quy định. Tất cả giấy vụn, vở đã qua sử dụng đều được thu gom tại lớp, cuối học kỳ bán lấy tiền ủng hộ quỹ giúp đỡ bạn nghèo hoặc mua cây xanh trang trí lớp học. Khu đất trống sau dãy lớp học được cải tạo làm khu vườn trải nghiệm lao động sản xuất cho học sinh. Vườn rau xanh tốt, đủ các loại rau xanh, hàng ngày được các em chăm sóc thường xuyên... Khu vườn “3 trong 1” này là không gian tổ chức giờ học trải nghiệm lao động thực tế thông qua hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh, giáo dục ý thức BVMT, đồng thời tạo cảnh quan sư phạm nhà trường xanh, sạch, đẹp và thân thiện.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, trường đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 gì để đảm bảo môi trường cho các em học sinh khi tới lớp?

Bà Phạm Thị Hoàn: Qua 4 đợt dịch bùng phát và trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, nhà trường đã triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên, tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ y tế, nhất là Thông điệp 5K và các nội dung trong cuốn “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học”; phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng dịch ở trường cũng như ở nhà; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn khuôn viên trường lớp, luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát.

    Đặc biệt, nhà trường đã trang bị đầy đủ các thiết bị y tế, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, nước sát khuẩn…; Đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ; Tăng cường ứng dụng CNTT, cài đặt ứng dụng An toàn Covid… Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà trường đã cho tạm dừng hoạt động ăn bán trú của học sinh để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được an toàn.

PV: Được biết, trường Tiểu học Ngọc Sơn đã được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Giải thưởng môi tường tỉnh năm 2021, vậy trường đã làm gì để đạt được những tiêu chí trong Giải thưởng?

Bà Phạm Thị Hoàn: Giáo dục về BVMT là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của nhà trường và tập thể đội ngũ cán bộ,  giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường phải thấy được trách nhiệm đối với việc BVMT, có những biện pháp giáo dục học sinh thường xuyên, tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục cao và có sức thu hút học sinh tham gia một cách tự nguyện, thích thú. Do đó, nhà trường đã tập trung vào các hoạt động như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục BVMT, gắn việc giáo dục môi trường với việc tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực”; xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện và an toàn; đưa giáo dục BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học; trang bị hệ thống tài liệu giảng dạy, học tập về giáo dục BVMT. Tăng cường phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội, Hội… trong và ngoài nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và sinh động nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động về giáo dục môi trường, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả của các đội tuyên truyền măng non về vệ sinh môi trường.

     Để các em học sinh có hứng thú với công tác BVMT, nhà trường khuyến khích, động viên các em tham gia thi tìm hiểu về môi trường dưới các hình thức bài viết, tranh vẽ…; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hình thành cho các em những thói quen tốt, kỹ năng sống liên quan đến BVMT; hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên về giáo dục môi trường nhằm nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường trong các giờ học. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về giáo dục môi trường, coi đó như một hoạt động chuyên môn. Chú trọng việc nêu gương và nhân rộng điển hình những tập thể lớp, cá nhân có những sáng kiến hay, cách làm tốt, hiệu quả trong công tác giáo dục BVMT. Mỗi cán bộ giáo viên, học sinh là những tuyên truyền viên trong BVMT, do đó đã có sự lan tỏa trong cộng đồng, tạo ra phong trào rộng khắp trên địa bàn.

PV: Trong thời gian tới, trường có kế hoạch gì để vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid 19, vừa giữ vững danh hiệu Giải thưởng môi trường tỉnh?

Bà Phạm Thị Hoàn: Để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, vừa giữ vững danh hiệu giải thưởng, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch và các giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện mới. Trước hết, nhà trường sẽ tập trung thực hiện tốt các yêu cầu, biện pháp về phòng chống dịch, đó là cơ sở để duy trì tốt công tác BVMT; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh trong công tác phòng chống dịch, cũng như công tác BVMT; Thường xuyên xây dựng môi trường sư phạm luôn xanh, sạch, đẹp, thân thiện và an toàn.

     Đồng thời, nhà trường sẽ phối hợp với các đoàn thể, tổ chức các hoạt động BVMT linh hoạt, phù hợp với thực tế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và công tác phòng chống dịch; Lồng ghép các nội dung giáo dục BVMT, phòng chống dịch trong các giờ học chính khóa, tăng cường rèn kỹ năng sống cho học sinh… để tiếp tục có sự lan tỏa tốt trong cộng đồng.

PV: Theo bà, để nâng cao ý thức BVMT cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước và nhân rộng các điển hình làm tốt, các trường học cần có giải pháp gì?

Bà Phạm Thị Hoàn: Trường học là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục BVMT. Nếu học sinh đến trường đã có ý thức về BVMT thì sẽ tạo sức lan tỏa cho toàn cộng đồng cùng tham gia. Mỗi nhà trường cần đưa giáo dục BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học; xây dựng kế hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc thực hiện công tác tuyên truyền, đến việc tổ chức các hoạt động thiết thực về BVMT, thu hút các em học sinh tham gia tích cực, tự nguyện; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực”, mô hình “ Trường học xanh”. Các trường cũng cần lồng ghép các nội dung giáo dục BVMT trong các giờ học chính khóa, ngoại khoá phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương; tăng cường phối hợp, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nhà trường; đầu tư kinh phí tu bổ cảnh quan sư phạm luôn xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện; tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực trong hoạt động BVMT trong dịp sơ kết, tổng kết, để nhân rộng các điển hình tiêu biểu…

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)

Ý kiến của bạn