Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả

09/12/2021

     Thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông Hương những năm gần đây được khắc phục. Chất lượng nước biển ven bờ của tỉnh khá tốt với hầu hết giá trị đo đạc các thông số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn. Một số khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề, chất lượng môi trường có giảm nhưng các giá trị quan trắc vẫn trong giới hạn cho phép. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn và vùng đầm phá ngày càng tăng lên; mức độ che phủ rừng ngày càng tăng, thuộc nhóm đầu của các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường cục bộ gần đây có chiều hướng tăng; đó là vấn đề rác thải khu vực nông thôn, nước thải chưa qua xử lý ở các làng nghề, cụm công nghiệp và đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; nuôi tôm công nghiệp...); vấn đề môi trường của các cơ sở nằm trong khu dân cư do quy hoạch đô thị hóa phát triển nhanh chóng; đa dạng sinh học có chiều hướng suy giảm. Bên cạnh đó công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Tất các những vấn đề trên đã gây tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống của nhân dân, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của địa phương.

    Để giảm ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác BVMT; tập trung cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu môi trường, trong đó hoàn thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về BVMT để tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ TN&MT; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi trường gồm hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tại các đô thị, xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng được tỉnh rất coi trọng. Ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua, nhằm góp phần đưa Luật đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch là đảm bảo các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật BVMT năm 2020 như công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác BVMT; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trong phạm vi toàn tỉnh; Xây dựng lộ trình thực hiện và xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; kiện toàn bộ máy tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý môi trường; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh.

    Về nội dung thực hiện: Tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT; Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường bằng nhiều hình thức đến từng tổ chức, cá nhân đặc biệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý môi trường các cấp để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống; Nghiên cứu các nội dung đổi mới quan trọng của Luật BVMT năm 2020, các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành của Luật để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở TN&MT và các báo, đài địa phương; Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật. UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đảm bảo đúng quy định của Luật và phù hợp với thực tế của địa phương. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các cấp tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT thuộc thuộc thẩm quyền UBND tỉnh và HĐND tỉnh; rà soát kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành trước đây cho phù hợp với Luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương…

    Trong thời gian tới, để Luật BVMT năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế và các đơn vị chức năng, UBND các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật với nội dung tài liệu của Bộ TN&MT cung cấp và sau khi được Bộ tập huấn bằng các hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu rõ, thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, rà soát các văn bản pháp luật sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật; Bộ TN&MT ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành. Sau đó, xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật theo nội dung như: Quyết định thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh; Lộ trình di dời cư dân sinh sống ra khỏi cụm công nghiệp; Quy định khuyến khích, tổ chức xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình BVMT tại khu sản xuất, kinh doanh tập trung; Quy định trách nhiệm quản lý chất thải trên địa bàn…

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn