Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Thành phố Cần Thơ cụ thể hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP vào cuộc sống

21/11/2022

    Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế; có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương. Trong định hướng phát triển, Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm, động lực phát triển vùng ÐBSCL. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng, hạ tầng cơ sở phục vụ yêu cầu phát triển được quan tâm đầu tư, tạo những điểm nhấn phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong vùng, Cần Thơ đang phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khó dự báo, thể hiện rõ nét qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường, cùng với đó là các hiện tượng triều cường, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, môi trường và hệ sinh thái...

Sở TN&MT TP. Cần Thơ tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 5/6) năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái đất”

    Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BĐKH, là một bước đột phá lớn, là kim chỉ nam định hình sự phát triển của vùng với tầm nhìn dài hạn. Theo đó, từng địa phương định hướng đúng tiềm năng lợi thế của mình, thực hiện liên kết với địa phương khác để phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng. Đối với Cần Thơ, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai quán triệt và tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động số 84/KH-UBND ngày 9/5/2018, trong đó, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm tính khoa học, khả thi; chú trọng công tác đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện, nhất là về quản lý tài nguyên nước, ứng phó với ngập lụt, xâm nhập mặn và sạt lở đang là những vấn đề trọng tâm của thành phố. Quá trình cụ thể hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP đưa vào cuộc sống đã có nhiều kết quả tích cực, trong đó phải kể đến công tác truyền thông cũng góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP tại TP. Cần Thơ. Thông qua các lớp tập huấn được triển khai tại 5 quận, huyện (Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Phong Điền), hơn 500 đại biểu tham dự đã được phổ biến Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2015 - 2030, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và Kế hoạch số 170/KH-UBND thực hiện thỏa thuận Pari về BĐKH.

    Cùng với đó, hàng năm, thành phố đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6; Phối hợp với Liên hiệp Hội Phụ nữ thành phố tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường dành cho đối tượng là hội viên hội phụ nữ trên địa bàn thành phố; Phối hợp hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường cho hội viên Hội Cựu chiến binh; Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ phụ trách tại các phòng TN&MT quận, huyện và cán bộ phụ trách quản lý môi trường cấp xã, phường; Tập huấn, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất của địa phương. Trong mỗi hoạt động, các cơ quan, đơn vị chức năng luôn dành một phần nội dung để tuyên truyền về việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và Kế hoạch số 84/KH-UBND.

    Trong lĩnh vực Công Thương, việc phổ biến Nghị quyết số 120/NQ- CP và Kế hoạch số 84/KH-UBND đã được lồng ghép vào hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch số 1283/KH-SCT ngày 7/6/2021 của Sở Công Thương tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực công thương trên địa bàn TP. Cần Thơ; Kế hoạch số 3033/KH-SCT ngày 7/10/2021 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021.

    Đặc biệt, vừa qua, TP. Cần Thơ được đề xuất tham gia Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế (One Planet City Challenge - OPCC) - một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết Chương trình OPCC 2021 - 2022, vinh dự trở thành thành phố duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia vào Chiến dịch TÔI YÊU THÀNH PHỐ cùng 74 thành phố khác đến từ hơn 30 quốc gia trên toàn cầu. Mục tiêu của Chiến dịch là hướng tới tìm kiếm và hỗ trợ các thành phố trên toàn cầu phát triển thịnh vượng nhưng vẫn tôn trọng các giới hạn sinh thái của vùng hiện có, đây cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết số 120/NQ-CP mà Chính phủ đã ban hành. Chiến dịch kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ đối với kế hoạch phát triển đô thị bền vững của thành phố bằng cách bỏ phiếu cho các thành phố đã được vào vòng chung kết của Chương trình OPCC mà họ yêu thích, trong đó có TP. Cần Thơ. Để hưởng ứng Chiến dịch, thành phố đã phát động kêu gọi sự hưởng ứng của toàn bộ người dân cùng đồng lòng cho sứ mệnh xây dựng một TP. Cần Thơ xanh bền vững thông qua đường dẫn https://welovecities.org/vi/can-tho/ do Trung tâm phát triển Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.

    Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, từ khi Nghị quyết được ban hành, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP thông qua các hội nghị, hội thảo lớn của ngành khoa học. Bên cạnh đó, cũng phối hợp các Sở, ngành để đẩy mạnh tập trung tuyên truyền về sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm gắn liền với công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước; việc chuyển đổi mô hình phát triển phải đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người, quy luật tự nhiên, kế thừa các thành tựu, giá trị nhân văn, kinh nghiệm truyền thống; chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm phát huy lợi thế của địa phương.

    Ngoài ra, thông qua các trang tin điện tử và các ấn phẩm thông tin Khoa học công nghệ như:  Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ (sokhcn.cantho.gov.vn) và Trang thông tin khoa học và công nghệ (trithuckhoahoc.vn) được thường xuyên cập nhật với hơn 1.000 tin/ bài với nội dung tập trung tuyên truyền về sự tác động của BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm… Các thông tin đăng tải được cung cấp kịp thời nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về tác động của BĐKH, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá, phổ biến nhân rộng các mô hình hiệu quả, sáng kiến thích ứng với BĐKH. Trong đó, một số mô hình giúp Cần Thơ phát triển bền vững thích ứng với BĐKH đã và đang được quảng bá, nhân rộng như: Dự án thí điểm “Hệ thống thu gom tự động rác thải nổi trên sông Cần Thơ” do Tổ chức Làm sạch biển (TOC) - Hà Lan tài trợ; Dự án “Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai do BĐKH gây ra và tăng cường mạng lưới quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn tại TP. Cần Thơ” do Quỹ Hợp tác Mê Công - Hàn Quốc (MKCF) tài trợ; Đề án “Phát triển du lịch phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ” giai đoạn 2021 - 2025…

Hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông Cần Thơ tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do hiện nay chưa có nguồn kinh phí cụ thể phân bổ cho công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP nên các Sở, ngành tổ chức lồng ghép vào các hoạt động khác theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ với nội dung phổ biến chỉ mang tính chung chung, chưa được tổ chức triển khai đồng bộ, chuyên sâu nên các thông tin về tư liệu, hình ảnh của hoạt động truyền thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP không nhiều. Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức để lồng ghép hoạt động truyền thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và Nghị quyết số 13-NQ/TW vào các hoạt động truyền thông khác của các Sở, ngành thành phố theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ…

Phương Tâm

Ý kiến của bạn