Banner trang chủ

Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong Phong trào chống rác thải nhựa

05/04/2021

     Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Cùng chung nỗ lực đó, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2019.

     Tại Lễ ra quân toàn quốc Phong trào chống rác thải nhựa tại Hà Nội với sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp đã triển khai nhiều các hoạt động hưởng ứng, tích cực, lan tỏa Phong trào tới rộng khắp trên cả nước. Đặc biệt, Bộ TN&MT, đơn vị đầu mối của Phong trào đã trình và tham mưu cho Chính phủ đề xuất những phương án, chương trình, ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, tổ chức các sự kiện ra quân, hành động ý nghĩa, thiết thực, cụ thể nhằm hiện thức hoá mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa một lần. Đồng thời với việc xây dựng các quy định, các cơ chế hành lang, chính sách nhằm khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới công nghệ, gắn với nguyên liệu xanh, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để giảm thiểu việc sử dụng rác thải nhựa một lần và các loại túi ni lông khó phân hủy, đưa vấn đề được thực hiện từ gốc tới ngọn, thay đổi hành vi, nhận thức của người tiêu dùng.

Lễ ký Biên bản hợp tác giữa Bộ TN&MT và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, ngày 11/9/2019, tại Hà Nội

    Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong các hoạt động của Phong trào chống rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã sử dụng nước thay thế bằng bình đựng thuỷ tinh và chai nước lon nhôm có thể tuần hoàn, tái chế cao; Hạn chế, sử dụng phông bạt, trong các chương trình tổ chức sự kiện; Phát động các hoạt động thi đua, mô hình văn phòng xanh, thân thiện với môi trường; chỉ đạo yêu cầu các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần. Đồng thời, Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Hiện Bộ đã ban hành Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg. Kế hoạch nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg; huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ TN&MT trong các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa từ chính sách, pháp luật cho đến các hoạt động, việc làm cụ thể. Kế hoạch yêu cầu, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể thuộc Bộ TN&MT với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả; Có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết đánh giá những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp thực hiện, bảo đảm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch; Đề cao trách nhiệm, vai trò và nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch.

    Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã thành lập tổ công tác thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa theo mô hình hợp tác công tư; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội ban hành, trong đó đã mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, vận hành sản xuất sử dụng công nghệ tốt nhất, công tác thu gom, quản lý, tái chế chất thải cần phải được thực hiện triệt để…

     Gần đây nhất, với vai trò và trách nhiệm của mình, ngày 9/3/2021, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1069/BTNMT-TTTNMT gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 về việc sẽ đồng hành cùng Ban tổ chức tổ chức một kỳ Đại hội thể thao “Không rác thải nhựa”. Với việc năm 2021 Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Đại hội thể thao khu vực, để tổ chức thành công, nỗ lực thực hiện các mục tiêu và cam kết của Thủ tướng Chính phủ về việc Giảm thiểu rác thải nhựa, Bộ TN&MT sẽ phối hợp thực hiện, triển khai các phương án nhằm hạn chế, giảm thiểu, không sử dụng đồ nhựa một lần, túi ni lôntg khó phân hủy trong các cuộc họp, khu vực tập luyện, tổ chức các trận thi đấu, khu vực ăn nghỉ của vận động viên, đại biểu, phóng viên báo chí và trong các hoạt động khác khi Đại hội diễn ra. Nếu thực hiện tốt được điều này, đây sẽ là một trong những hoạt động sự kiện cấp quốc gia, tầm vóc khu vực lần đầu tiên trên thế giới hướng tới mục tiêu “Không rác thải nhựa” thể hiện được sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong nỗ lực toàn cầu giảm thiểu rác thải nhựa.

     Có thể nói, sau hơn 1 năm thực hiện Phong trào Chống rác thải nhựa, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tác hại của túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần được đẩy mạnh; vận động, khuyến khích cơ quan, đơn vị không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đại hội cũng như các hoạt động thường nhật; thay thế sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: không sử dụng nước uống đóng chai tại các cuộc họp mà thay thế bằng chai, lọ, cốc thuỷ tinh; hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong mua sắm văn phòng phẩm; hỗ trợ cấp phát thùng rác để tổ chức phân loại rác thải nhựa tái chế ngay tại đơn vị. Đặc biệt, Bộ TN&MT đã ký biên bản hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) nhằm hợp tác thúc đẩy mục tiêu giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. PRO Vietnam được thành lập với mục tiêu chung là đẩy mạnh thu gom tái chế bao bì nhằm cải thiện môi trường. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau nhưng cùng hợp tác, nỗ lực mới mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam. Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk nổi tiếng, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation. Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

     Bên cạnh đó, PRO Vietnam cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Liên minh này cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng and Recycle - tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.

     Ngoài PRO Vietnam, Liên minh chống rác thải nhựa cũng đã được thành lập từ năm 2018 (hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn) với các cam kết, nỗ lực của các tổ chức chính trị, bộ, ban, ngành trên cả nước trong việc giảm thiểu rác thải nhựa như: Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Vietnam Airlines, Vietjet, BigC, Samsung, An Phát, Nestle, Toyota, Unilever, Ball, Tổng hợp II, Minh Phát, GreenTrip VN… Các tổ chức đơn vị này đã và đang nỗ lực cùng Bộ trong các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về phong trào; nêu gương thực hiện ngay trong đơn vị, tích cực triển khai đổi mới công nghệ, dùng nguyên liệu nhựa sinh học trong sản xuất, đưa ra các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng chất thải, giúp đưa các thông điệp tới sâu rộng người dân trên cả nước.

    Tuy nhiên, do tập quán, thói quen và sự tiện lợi của các sản phẩm nhựa dùng một lần nên việc thay đổi nhận thức, hành động trong công tác phòng chống rác thải nhựa còn chậm; bên cạnh đó các dịnh vụ cung cấp các sản phẩm thay thế còn ít, giá thành cao gây trở ngại về mặt tài chính dẫn tới khó khăn cho việc thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc triển khai phong trào chống rác thải nhựa ở mức độ khuyến khích, tuyên truyền, chưa có tính chất bắt buộc nên gây khó khăn trong quá trình triển khai. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hướng dẫn mới chỉ tập trung vào việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, chưa có giải pháp trong việc hạn chế sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cũng như người tiêu dùng trong việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm thân thiện môi trường còn khá cao so với túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần do chưa có những chính sách hỗ trợ giá, thuế và ưu đãi đối vưới hoạt động sản xuất các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…

     Để Phong trào chống rác thải nhựa trong thời gian tới đạt hiệu quả, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tác hại của rác thải nhựa; mở rộng các hình thức tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, giám sát giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phòng chống rác thải nhựa; phát huy tiềm năng của các tổ chức xã hội theo hướng chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch BVMT; xây dựng và duy trì mô hình, kế hoạch, phong trào chống rác thải nhựa đã phát động hoặc triển khai; khai thác tối đa các hình thức truyền thông hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng…

ThS. Phạm Hồng Quân

Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2021)

Ý kiến của bạn