Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Sự im lặng của những chiếc bẫy dây

04/01/2021

     Bẫy dây đang góp phần vào cuộc khủng hoảng tuyệt chủng động vật hoang dã (ĐVHD), đồng thời tác động tới các hệ sinh thái hỗ trợ cuộc sống của con người trên khắp Đông Nam Á. Bẫy dây đã và đang làm ảnh hưởng tới hơn 700 loài động vật có vú trong khu vực, bao gồm các loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao như hổ, voi châu Á, tê giác Sumatra, sao la và trâu rừng…

     Đa dạng sinh học của Đông Nam Á bị đe dọa

     Đông Nam Á là một trong những khu vực giàu sinh vật nhất trên Trái đất. Hàng năm, có hàng trăm loài mới được phát hiện, trong đó có hơn 2.600 loài mới được phát hiện chỉ tính riêng ở khu vực sông Mê Kông mở rộng kể từ năm 1997. Từ loài săn mồi nổi tiếng và mang tính biểu tượng nhất thế giới là hổ đến những loài ít được biết đến như cầy vằn, Đông Nam Á được coi là ngôi nhà của các loài ĐVHD.

     Tuy nhiên, khu vực này cũng đang có sự thay đổi nhanh chóng. Dân số đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980 - từ 357 triệu người năm 1980 lên khoảng 668 triệu vào năm 2020. Các nền kinh tế và trung tâm đô thị cũng phát triển nhanh chóng, thúc đẩy sự mở rộng của kết cấu hạ tầng, khai thác gỗ, khai thác mỏ và công nghiệp đồn điền. Những xu hướng này đã làm tăng khả năng tiếp cận của con người đến những nơi hoang dã và góp phần làm giảm đáng kể ĐVHD trong khu vực. Sự sụt giảm này được đẩy nhanh bởi việc tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD trong khu vực, đặc biệt là thịt ĐVHD, làm vật nuôi, làm thuốc hoặc trang trí. Ngày nay, tại Đông Nam Á có nhiều loài bị đe dọa, ở hầu hết các nhóm loài, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào có thể so sánh được.

     Việc sử dụng ngày càng nhiều và rộng rãi các loại bẫy dây, cùng với sự mất mát và suy thoái môi trường sống là nguyên nhân chính khiến Đông Nam Á đang trong thời điểm suy giảm nghiêm trọng ĐVHD. Nhiều vùng trong khu vực cũng đang trải qua một sự cố tương tự “khủng hoảng bẫy dây”, thậm chí ngay cả những khu bảo tồn, một lượng lớn bẫy dây cũng được giăng. Việc đặt bẫy dây có thể bắt tất cả các loài động vật không may sa vào, bẫy dây được giăng trên cạn, chúng tàn phá tương tự lưới trôi đã tàn phá đa dạng sinh học nước ngọt và biển. Bẫy dây đã và đang làm ảnh hưởng tới hơn 700 loài động vật có vú trong khu vực, bao gồm các loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao như hổ, voi châu Á, tê giác Sumatra, sao la và trâu rừng… Cuộc khủng hoảng bẫy dây không chỉ đe dọa động vật mà còn đe dọa cả khả năng hoạt động của các hệ sinh thái theo cách hỗ trợ tốt nhất cho cuộc sống con người và hạnh phúc của các thế hệ tương lai của Đông Nam Á.

     Cuộc khủng hoảng bẫy dây

     Bẫy dây là bẫy động vật có các mũi neo (thường làm từ dây cáp, dây nylon hoặc dây thừng) được đặt để bẫy động vật qua cổ, thân hoặc chân. Bẫy dây là một trong những kỹ thuật săn bắt đơn giản nhưng hiệu quả nhất được thực hiện ở châu Á. Bẫy dây không chọn loài mà chúng bẫy, nên bẫy dây trở thành một phương pháp săn bắn bừa bãi. Bất cứ thứ gì và mọi thứ trên nền rừng, từ rùa cạn đến voi, đều dễ bị tổn thương. Bẫy dây được sử dụng để bắt nhiều loài khác nhau nên chúng tiếp tục được đặt ngay cả sau khi loài có giá trị thương mại nhất trở nên khan hiếm trong một khu vực nhất định. Hiện nay, bẫy dây vẫn tiếp tục loại bỏ các cá thể khỏi quần thể, do đó ngăn cản sự phục hồi tự nhiên của các loài bị khai thác quá mức.

Loài lợn rừng dính bẫy dây ở khu vực Trung Trường Sơn

     Do công sức và chi phí đặt bẫy dây đều quá thấp (đặc biệt đối với bẫy dây nylon hoặc dây), nên khó có thể ngăn cản những kẻ săn bắn trộm đặt chúng. Thực tế, rất nhiều bẫy dây đã được giăng ra và không bao giờ được kiểm tra, nên một số lượng đáng kể động vật sa bẫy dây bị thối rữa. Bẫy dây được coi là một trong những phương tiện săn bắn cơ bản nhất, vì động vật đôi khi có thể mệt mỏi trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần trong bẫy trước khi chết vì bị thương, mất nước hoặc vì đói. Ngay cả khi một con vật thoát khỏi bẫy dây, nó thường sẽ bị chết sau đó do nhiễm trùng do vết thương gây ra, hoặc chết đói do vết thương làm hạn chế khả năng đi lại, kiếm ăn hoặc săn mồi của nó.

     Nguy hiểm hơn, gần đây đã có bằng chứng về việc sử dụng bẫy dây điện để săn động vật móng guốc. Những thiết bị gia dụng gây chết người này có thể được làm bằng cách kết nối cáp dây với pin đặt trên mặt đất, qua bộ biến tần hoặc bằng cách gắn cáp dây trực tiếp vào đường dây điện. Những dây cáp này sau đó có thể được đặt trên mặt đất dài hàng trăm mét, thậm chí còn được sử dụng để cấp điện cho các hố nước và hố muối. Mặc dù thường được làm từ các vật liệu tương tự như bẫy dây “truyền thống”, nhưng lại khác về cách giết động vật của những bẫy dây điện này.

     Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á với số lượng bẫy dây cao hơn các nơi khác trong khu vực. Có 12 loài động vật có vú trên cạn (có nghĩa là không bao gồm dơi, linh trưởng, động vật giáp xác) được IUCN phân loại là Nguy cấp hoặc Cực kỳ nguy cấp ở ba quốc gia này, tất cả đều bị tác động mạnh bởi nạn bẫy dây. Trừ khi nạn bẫy dây động vật được giảm mạnh, rất có thể những loài này sẽ biến mất khỏi khu vực. Thêm vào đó, có bảy loài linh trưởng bán cạn nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp, bao gồm cả voọc chà vá chân nâu và chân xám, cũng xuất hiện ở ba quốc gia này - cũng bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng bẫy dây trong khu vực. Nhìn chung, bẫy dây ảnh hưởng đến 80% các họ động vật có vú trên cạn ở Đông Nam Á.

     Tuần tra và gỡ bỏ bẫy dây

     Ở Đông Nam Á, một chiến lược được áp dụng rộng rãi là sử dụng các cuộc tuần tra của lực lượng kiểm lâm, vừa như một biện pháp thực thi luật chống bẫy dây, vừa để trực tiếp gỡ bỏ bẫy dây. Đây là một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất để chống lại cuộc khủng hoảng bẫy dây, mặc dù còn có một số hạn chế do không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nạn săn trộm. Hơn nữa, khả năng tác động của lực lượng kiểm lâm trong công tác chống bẫy dây thường bị hạn chế bởi ít có khả năng xảy ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng đối với những người phạm tội bị bắt giữ, nên không răn đe được những người tham gia bẫy dây ngừng đặt bẫy dây mới.

     Từ năm 2005 đến năm 2019, hơn 370.000 bẫy dây được kiểm lâm tuần tra loại bỏ khỏi 11 khu bảo tồn ở năm quốc gia. Đối với riêng nhiệm vụ loại bỏ bẫy dây (tức là bỏ qua bất kỳ lực cản nào), có ba hạn chế chính làm hạn chế tác động tổng thể của việc sử dụng lực lượng kiểm lâm cho nhiệm vụ này. Đó là không đủ số lượng kiểm lâm ở nhiều vùng Đông Nam Á; khả năng phát hiện bẫy dây thấp và chi phí thay bẫy dây thấp. Do đó, trong phần lớn các cuộc tuần tra khu vực có mật độ bẫy dây cao, chỉ có các cuộc tuần tra của kiểm lâm sẽ không thể loại bỏ phần lớn bẫy dây.

     Với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á - ngay cả trong các khu bảo tồn - các chính phủ trong khu vực nên tăng số lượng kiểm lâm của khu vực được bảo vệ và đảm bảo rằng mật độ kiểm lâm tuần tra tối thiểu đạt 5 kiểm lâm trên 100 km2 trong các khu vực được bảo vệ; Tăng phạm vi và tần suất tuần tra của kiểm lâm, bao gồm tần suất và phạm vi đi bộ tuần tra, trong các khu vực được bảo vệ. Trước hết cần ưu tiên cho các khu vực có loại bẫy dây lớn nhắm vào các loài có giá trị thương mại như gấu, hổ, báo…. Đảm bảo lực lượng kiểm lâm được trang bị và đào tạo đầy đủ để phát hiện ra các bẫy dây một cách an toàn và ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ săn trộm vào các khu vực được bảo vệ. Tăng tỷ lệ các cuộc tuần tra SMART của kiểm lâm (tức là những cuộc tuần tra sử dụng người cung cấp thông tin và phần mềm tối ưu hóa tuần tra như SMART).

     Tuy nhiên chỉ riêng các cuộc tuần tra của kiểm lâm không thể giảm thiểu tình trạng bẫy dây một cách hiệu quả và những cách tiếp cận này cần được kết hợp với một hệ thống luật pháp chặt chẽ, đó là tăng hình phạt đủ để răn đe những kẻ buôn bán ĐVHD có tổ chức, trái phép; cấm tàng trữ, sở hữu bẫy và nguyên liệu chế tạo bẫy trong các khu bảo tồn; thêm bẫy vào danh sách các phương tiện săn bắn bị cấm (lửa, chất nổ, điện…); theo dõi tỷ lệ truy tố và kết án, cải thiện sự phối hợp của cộng đồng ASEAN.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2020)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn