Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Rừng ngập mặn và trữ lượng các bon trong hệ sinh thái rừng ngập mặn: Tiềm năng và định hướng phát triển

01/12/2022

    Vai trò của rừng ngập mặn và cam kết trung hòa các bon

    Rừng ngập mặn (RNM) được đánh giá là hệ sinh thái có năng suất cao ở khu vực ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. RNM đóng góp 50% vật chất cho đại dương từ các vật liệu trong rừng và 15% tổng lượng vật chất hữu cơ trong trầm tích biển (Jennerjahn and Ittekkot, 2002). Theo Rönnbäck, 1999, các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái từ RNM bao gồm hai chức năng chính: (1) Chức năng sinh thái (BVMT trước lũ lụt, bão và thủy triều, kiểm soát xói lở bờ sông biển, duy trì đa dạng sinh học và nguồn gen, lưu trữ và luân chuyển chất hữu cơ, chất ô nhiễm và nguồn dinh dưỡng, sản xuất Oxy, lưu trữ khí CO2…); (2) Giá trị kinh tế - xã hội (nơi cư trú cho cộng đồng bản địa, duy trì sinh kế cho cộng đồng ven biển, giải trí và du lịch…). Trong các giá trị hệ sinh thái kể trên, chức năng lưu trữ các-bon hữu cơ (C) có vai trò quan trọng trong trữ lượng các-bon toàn cầu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) (Alongi, 2012; Donato và nnk., 2011). Chức năng lưu trữ các-bon trong các hệ sinh thái biển và ven biển (RNM, đầm lầy và cỏ biển) nói chung và RNM nói riêng được mô tả mô tả trong sơ đồ sau:

Hình 1. Lưu trữ các-bon trong các hệ sinh thái biển và ven biển

    Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP 26) tháng 11/2021, Điều 32 Hiệp ước Khí hậu Glasgow kêu gọi các bên liên quan chuẩn bị chiến lược chuyển đổi từ phát thải dài hạn nồng độ thấp khí sang phát thải ròng bằng 0 tại thời điểm trước hoặc khoảng giữa thế kỷ và chiến lược này cần phải hoàn thiện vào tháng 11/2022. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các mục tiêu, trong đó có chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

    Hiện nay, với diện tích RNM tương đối lớn, những giá trị mà nguồn tài nguyên này đem lại về kinh tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn. Với những giá trị mà RNM và trữ lượng các bon lưu trữ trong hệ sinh thái này, việc nghiên cứu đưa ra những chính sách, định hướng về bảo tồn RNM và đánh giá trữ lượng các bon là rất cần thiết.

    Hiện trạng và xu thế hướng tới thị trường tín chỉ các bon

    Trữ lượng các-bon trong hệ sinh thái RNM được nghiên cứu và định lượng thông qua các phương thức khác nhau. Trong hệ sinh thái RNM, các-bon tích tụ trong sinh khối gỗ trên mặt đất và dưới mặt đất. Sinh khối trên mặt đất của hệ sinh thái RNM bao gồm cây sống, cây chết và mảnh vụn gỗ (thân cây bị rụng hoặc tách ra, cành cây, rễ chống hoặc thân cây và cây bụi). Ở vùng nhiệt đới, các bể C trên mặt đất nằm trong khoảng từ tối thiểu từ 159 MgC ha−1 tới tối đa 435 MgC ha−1, cao hơn nhiều so với các hệ sinh thái ven biển và rừng trên lục địa khác (Alongi, 2014; Donato và nnk., 2011b). Giá trị sản phẩm sơ cấp tinh (NPP) trên mặt đất của hệ sinh thái RNM dao động trong khoảng 3,99 đến 26,70 tấn/ha/năm cao hơn so với các khu rừng nhiệt đới. Một số phương pháp truyền thống ước tính giá trị NPP dựa trên giá trị tăng trưởng của thân cây và cành lá rụng (Alongi, 2009) cho thấy giá trị trung bình NPP trên mặt đất vào khoảng 11,1 Mg C ha−1 yr−1, lớn hơn nhiều so với các hệ sinh thái ven biển khác như đầm lầy mặn ven biển, cỏ biển, rong biển, thực vật phù du và tương đương với giá trị NPP của các rạn san hô (Alongi, 2014). Sản lượng cành lá rụng trong hệ sinh thái RNM phụ thuộc vào xu hướng địa lý với giá trị cực tiểu ở mức 4,7 ± 2,1 trong vùng vĩ độ cao và đạt cực đại ở mức 10,4 ± 4,6 tấn/ha đối với các khu vực gần xích đạo. Sản lượng gỗ trên mặt vào được ước tính vào khoảng 1,1 – 24,1 tấn/ha và không có sự thay đổi theo vĩ độ (Bouillon và nnk., 2008). Lượng cành lá rụng từ RNM được vận chuyển ra biển hàng năm vào khoảng 202 gC m−2, tương đương với 50% lượng cành lá rụng trong rừng (Adame and Lovelock, 2011), và đóng góp từ 10 đến 11% lượng các-bon từ lục địa vào đại dương dưới dạng lá, mảnh vụn, và chất dinh dưỡng hòa tan (Jennerjahn and Ittekkot, 2002).

    Các-bon trong các tầng trầm tích của RNM bao gồm rễ cây và các-bon hữu cơ trong trầm tích (có nguồn gốc từ các sản phẩm từ rừng, hoặc được vận chuyển từ đất liền và đại dương) chiếm từ 48-98% tổng lượng các-bon lưu trữ trong RNM (Donato et al., 2011a; Murdiyarso và nnk., 2015). Trái ngược với lượng cành lá rụng trên bề mặt, lượng các-bon trong các tầng trầm tích RNM hiếm khi được ước tính vì phương pháp khó khăn. Tuy nhiên, Bouillon et al. (2008a) đã áp dụng tỷ số giữa sản lượng rễ và cành lá rụng ở quy mô toàn cầu để tính toán sản lượng rễ ước tính được giá trị 82,8 ± 57,7 Tg C. Tương tự, việc định lượng các bể trầm tích C dưới mặt đất trong RNM bị hạn chế do thiếu giá trị hàm lượng các-bon hữu cơ (OC), mật độ khối lượng trầm tích, độ sâu trầm tích và sự đa dạng về không gian. Hàm lượng OC trong trầm tích RNM khác nhau giữa các khu RNM, dao động từ dưới 2 đến hơn 40% với giá trị trung bình là 2,2% (Kristensen và nnk., 2008). Độ dày của tầng trầm tích các-bon hữu cơ dao động từ 1 mét trong RNM ven biển đến vài mét trong vùng RNM cửa sông và hàm lượng OC cao chủ yếu được tìm thấy trong 1 mét trên cùng của cột trầm tích và giảm dần theo chiều sâu (Donato et al., 2011b). Các nghiên cứu trước đó đã ước tính rằng trữ lượng C toàn cầu trong trầm tích RNM dao động từ 9,4 đến 10,4 Pg C (Duarte và nnk., 2013). Theo thông tin Cacbon Brief, các kho dự trữ các-bon RNM lớn nhất trên thế giới được tổng hợp dưới Bảng 1.

    Bảng 1. Các kho dự trữ các bon RNM lớn nhất trên thế giới

Thứ tự

Quốc gia

Diện tích rừng ngập mặn (km2)

Trữ lượng các bon (triệu tấn)

Tỷ lệ (%)

1

Indonesia

23324,29

1275

30,4

2

Brazil

7674,94

390

9,3

3

Malaysia

4725,84

259

6,2

4

Papua New Guinea

4172,29

223

5,3

5

Australia

3316,21

153

3,6

6

Mexico

2991,83

149

3,6

7

Nigeria

2653,99

128

3,1

8

Myanmar

2557,45

119

2,8

9

Venezuela

2403,83

113

2,7

10

Philippines

2064,24

104

2,5

11

Thailand

1886,33

92

2,2

12

Colombia

1671,86

84

2,0

13

Cuba

1633,46

81

1,9

14

USA

1568,60

75

1,8

15

Bangladesh

1772,98

74

1,8

16

Panama

1323,94

73

1,7

17

Gabon

1082,11

59

1,4

18

Mozambique

1223,67

56

1,3

19

Ecuador

935,74

56

1,3

20

Cameroon

1112,76

54

1,3

    Tại Việt Nam, nghiên đánh giá sự tích lũy các-bon trong đất RNM tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau sử dụng phương pháp đo đạc kiểm kê các mẫu đất cho thấy hàm lượng các-bon tích tụ giảm dần theo độ sâu và hầu hết không khác biệt giữa các độ sâu và 3 trạng thái rừng (Lợi và nnk 2021). Cũng theo tác giả này, khả năng lưu trữ các-bon của các khu RNM dao động từ 700 - 800 MgC/ha, phụ thuộc vào vị trí, thành phần loài và có xu hướng tăng dần từ RNM đến đất liền. Nghiên cứu đánh giá về lưu trữ các-bon hữu cơ trong RNM ven biển tại Cần Giờ (Nam 2011, 2016), Bến Tre (Cuc và Steveninck, 2015) cho thấy khả năng lưu trữ các-bon của RNM ven biển Việt Nam tương đương với các vùng nhiệt đới khác trong khu vực, có thể lên đến >900 tấn C/ha. Nghiên cứu về sinh khối của RNM Cà Mau của Đặng Trung Tấn, 1999, cho thấy mức độ gia tăng sinh khối của đước đôi (Rhizophora apiculata) từ 0 đến 35 tuổi xấp xỉ 9,5 tấn/ha, thuộc nhóm các loài cây ngập mặn có năng suất sinh học cao nhất. Trữ lượng các bon trên mặt đất tại khu vực Hải Phòng được nghiên cứu thông qua ảnh viễn thám và thu mẫu ngoài hiện trường. Kết quả cho thấy, lượng các bon hữu cơ trên bề mặt thường dao động từ 9,9 đến 29,55 tấn/ha, còn các bon hữu cơ trong đất là khoảng 161,47 ± 15,85 tấn/ha (Hoa và nnk 2021). Theo tác giả Phạm Ngọc Bảy, trữ lượng các-bon trung bình hệ sinh thái RNM là khác nhau giữa các miền. Trong đó, lớn nhất là trong miền Nam vì đây là nơi phân bố của các loại RNM có các loài cây (đước, mắm trắng…) với đường kính, chiều cao lớn hơn nhiều so với các loài cây RNM ở miền Bắc và miền Trung (sú, vẹt, trang…). Trữ lượng các-bon trung bình hệ sinh thái RNM các miền được thể hiện trong Bảng 2.

    Bảng 2. Trữ lượng các bon trung bình hệ sinh thái RNM các miền (tấn/ha)

Đông Bắc

Bắc Trung bộ

Đồng bằng sông Hồng

Đông Nam bộ

Tây Nam bộ

3,4

3,4

3,4

72,6

72,6

    Thị trường các-bon trên thế giới được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quôc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Có hai loại thị trường chính là: Thị trường các bon bắt buộc/Thị trường bắt buộc và thị trường các bon tự nguyện/Thị trường tự nguyện. Tại Việt Nam, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozon, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các bon. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước: Giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các bon. Giai đoạn từ năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. Ngoài ra, các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới cũng sẽ được thực hiện.

    Đề xuất định hướng bảo tồn và đánh giá trữ lượng các bon RNM Việt Nam

    Đến nay, vai trò của RNM trong việc lưu trữ một lượng lớn các bon ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới trong trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, tuy những công tác kiểm kê và đánh giá về trữ lượng các bon RNM chưa được thực hiện một cách chi tiết nhưng những chiến lược, chính sách về quản lý, khai thác thị trường các bon nói chung đã được các nhà hoạch định chính sách đưa vào những văn bản cụ thể. Với diện tích khoảng 150.000 ha RNM (TS. Trương Văn Vinh, 2019) và giá tạm tính ở thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2, thì lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ các-bon là rất lớn. Và quan trọng hơn, nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tai tại Việt Nam. Ngoài ra, nhằm thực hiện cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế về giảm phát thải các bon của Việt Nam tại COP 26, các đề xuất những định hướng về bảo tồn RNM và đánh giá trữ lượng các bon trong hệ sinh thái RNM trong thời gian tới cho Việt Nam là rất quan trọng. Các đề xuất được đưa ra gồm:

    Về thể chế chính sách

    Xây dựng chính sách quốc gia về vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

    Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về định giá giá trị kinh tế của chức năng hấp thu, lưu trữ các bon của RNM.

    Nghiên cứu xây dựng dự tháo hướng dẫn kỹ thuật đánh giá trữ lượng các bon cho các hệ sinh thái rừng nói chung và RNM nói riêng.

    Hợp tác quốc tế

    Tham gia và thực thi các công ước về giảm phát thải, giảm phá rừng và suy thoái rừng nâng cao vị thế của Việt Nam trường quốc tế.

    Tham gia và đóng góp các sáng kiến quốc tế chính về phục hồi RNM.

    Đẩy mạnh các nhiệm vụ hợp tác trong điều tra đánh giá trữ lượng các bon trong khu vực và trên thế giới.

    Nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản

    Xây dựng những chương trình điều tra cơ bản về đánh giá, kiểm kê tổng hợp trữ lượng các bon trong hệ sinh thái RNM.

    Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng phương pháp về điều tra đánh giá, đo đếm trữ lượng các bon trong hệ sinh thái RNM.

    Cần nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào điều tra đánh giá trữ lượng các bon RNM.

Trần Thế Anh, Phạm Văn Hiếu, Dư Văn Toán, Mai Kiên Định, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Quỳnh Trang

Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Adame, M.F., Lovelock, C.E., 2010. Carbon and nutrient exchange of mangrove forests with the coastal ocean. Hydrobiologia, 663, 23 - 50.

    2. Alongi, 2014, Carbon Cycling and Storage in Mangrove Forests, Annual Review of Marine Science, 2014. 6:195 - 219

    3. Bouillon, S. et al., 2008. Mangrove production and carbon sinks: A revision of global budget estimates. Global Biogeochemical Cycles, 22, n/a-n/a.

    4. Donato, D.C. et al., 2011b. Mangroves among the most carbon-rich forests in the tropics. Nature Geoscience, 4, 293 - 297.

    5. Hai Hoa, N,, Le Thanh, A , Tran Thi Ngoc Lan , Nguyen Huu Nghia , Duong Vo Khanh Linh , Simone Bohm , Charles Finny Sathya Premnath, Biomass and carbon stock estimation of mangrove forests using remote sensing and field investigation - based data on Hai Phong coast, Vietnam Journal of Science and Technology 59 (5) (2021) 560 - 579

    6. Jennerjahn and Ittekkot, 2002, ennerjahn, T. C., & Ittekkot, V. (2002). Relevance of Mangroves for the Production and Deposition of Organic Matter along Tropical Continental Margins. Naturwissenschaften, 89, 23 - 30.

    7. Murdiyarso, D. et al., 2015. The potential of Indonesian mangrove forests for global climate change mitigation. Nature Clim. Change, 5, 1089 - 1092.

    8. Kristensen, E., Bouillon, S., Dittmar, T., Marchand, C., 2008. Organic carbon dynamics in mangrove ecosystems: A review. Aquatic Botany, 89, 201 - 219.

    9. Rönnbäck, 1999, The ecological basis for economic value of seafood production supported by mangrove ecosystems

    10. Tue, N.T., Dung, L.V., Nhuan, M.T., Omori, K., 2014. Carbon storage of a tropical mangrove forest in Mui Ca Mau National Park, Vietnam. Catena, 121, 119 - 126.

Ý kiến của bạn