Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Phát huy giá trị đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa

06/12/2021

    ​Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC) diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cùng với Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG). Đây là niềm tự hào của hai địa phương Ninh Thuận, Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban quản lý VQG Núi Chúa về việc phát huy những giá trị văn hóa, cảnh quan, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) với mục tiêu con người gắn kết, phát triển hài hòa cùng thiên nhiên.

    PV: Xin ông cho biết một số giá trị, tiềm năng của Khu DTSQTG Núi Chúa?

    Ông Trần Văn Tiếp: Khu DTSQTG Núi Chúa có tổng diện 106.646,45 ha, vùng lõi là VQG Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là Khu DTSQTG duy nhất ở Việt Nam có cả hai hệ sinh thái rừng và biển.

Ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Ban quản lý VQG Núi Chúa

    Về hệ thực vật, VQG Núi Chúa đã ghi nhận 1.532 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 5 ngành. Trong đó, có 1.237 loài ngọc lan, 25 loài dương xỉ, 12 loài ngành Thông, với 62 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Tài nguyên rừng ở đây rất phong phú và đa dạng với diện tích rừng khô hạn rộng lớn, đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm còn mang tính chất nguyên sinh. Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã xác nhận, các hệ sinh thái rừng ở khu vực Núi Chúa có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - khu vực SA4), một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu, được lựa chọn là vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái đất.

    Về hệ động vật, VQG Núi Chúa đã ghi nhận 46 loài động vật quý, hiếm trên tổng số 345 loài, trong đó nhiều loài quý, hiếm có tầm quan trọng quốc tế như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc... Ngoài hệ động, thực vật trên cạn phong phú, vùng biển Núi Chúa nằm ở vùng có hiệu ứng mạnh của nước trồi, nhiệt độ thấp vào mùa hè là điều kiện lý tưởng để san hô tạo rạn chống chịu với nhiệt độ cao trong mùa hè do sự ấm lên của nước biển trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, bảo tồn rạn san hô ở đây không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn mang tầm quốc tế. Hiện Khu DTSQTG Núi Chúa có 350 loài san hô; trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ; đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loài mới tại Việt Nam. Thực vật biển trên rạn bao gồm 188 loài rong biển thuộc 4 ngành, 86 chi và 32 họ trong đó ngành Rong đỏ Rhodophyta có số lượng loài phong phú nhất (79 loài). Thành phần sinh vật trên rạn cũng khá đa dạng với trên 147 loài thuộc 81 giống và 32 họ cá san hô đã xác định, trong đó họ cá bàng chài Labridae (30 loài), họ cá thia Pomacentridae (24 loài), họ cá bướm Chaetodontidae (18 loài), họ cá Scaridae (11 loài) và họ cá đuôi gai Acanthridae (8 loài) là những họ cá có số lượng loài phong phú nhất. Cùng với đó, Khu Bảo tồn biển VQG Núi Chúa được thành lập, là một trong 16 khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, là nơi sinh sản, đẻ trứng của quần thể rùa biển hàng năm như đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn biển VQG Núi Chúa, tạo điều kiện cho các bãi san hô được bảo vệ trong Vườn từ Hòn Chông đến vịnh Vĩnh Hy. Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt được chia ra từ bãi Ông Thịnh kéo dài đến Hang Rái và bãi Thịt, với diện tích 667 ha.

    Hệ sinh thái vùng triều của Khu DTSQTG Núi Chúa còn có hệ sinh vật mang giá trị ĐDSH tiêu biểu riêng. Vùng biển được bảo tồn tại đây giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính ĐDSH cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía Bắc với hòn Cau - Vĩnh Hảo ở phía Nam; do đó càng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững ở cấp độ vùng.

Đội Kiểm lâm trạm Thái An (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Núi Chúa) thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng

    Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, Khu DTSQTG Núi Chúa có nhiều cơ hội trong bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó bởi phát triển bền vững là một quá trình chứ không phải mục tiêu, trong đó cần có sự điều chỉnh và rút kinh nghiệm liên tục, đồng thời cân nhắc yếu tố chi phí - lợi ích và các biến động. Mục tiêu dài hạn của Khu DTSQTG Núi Chúa với vùng lõi VQG Núi Chúa là bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH của khu vực, đồng thời nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển bền vững.

    PV: Theo ông, việc bảo tồn ĐDSH tại Khu DTSQTG Núi Chúa thời gian qua gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

    Ông Trần Văn Tiếp: Với 25 km bờ biển và gần 10 km ranh giới tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa, địa bàn giáp ranh là các khu vực hay xảy ra hiện tượng xâm hại rừng và tài nguyên rừng, địa hình VQG Núi Chúa phức tạp, núi cao hiểm trở, bị chia cắt mạnh gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, người dân sống ven rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và bà con làm kinh tế mới có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, khả năng hiểu biết về pháp luật, Luật Lâm nghiệp còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng người dân đốt nương làm rẫy, khai thác gỗ củi, các loài cây gỗ quý, hiếm như gõ đỏ, cẩm lai, mun... Ngoài ra, tình trạng neo đậu tàu thuyền bừa bãi trên rạn san hô, dùng chất nổ, chất độc khai thác hủy diệt, sử dụng các phương pháp đánh bắt như lặn đêm, dùng ánh đèn chiếu sáng quá mạnh, thu hái rau câu cạn kiệt… đã làm ảnh hưởng đến rạn san hô, thảm cỏ biển, mùa sinh sản của rùa biển và các loài hải sản trên rạn san hô.

    Hiện nay, nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên động, thực vật rừng tại VQG hầu như không có, chỉ dựa vào các chương trình sẵn có. Các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này không có hỗ trợ, phụ cấp nên số người tham gia thực hiện nhiệm vụ ít, thường kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu.

    PV: Thưa ông, việc Khu DTSQTG Núi Chúa vừa được ghi danh vào mạng lưới Khu DTSQTG có ý nghĩa như thế nào? Với vị thế mới quan trọng của Khu DTSQTG Núi Chúa, ông có kiến nghị, đề xuất gì?

    Ông Trần Văn Tiếp: Khu DTSQTG là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động, thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Danh hiệu này tạo tiền đề để các địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm của địa phương mình, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn ĐDSH với phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân, điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

    Khu DTSQTG Núi Chúa cũng như các Khu DTSQTG tại Việt Nam đều nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao, do vậy việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Là Khu DTSQTG mới được công nhận nên năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả. Vì vậy, cần huy động sự tham gia của nhiều Bộ/ngành, nhất là các địa phương, tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế đóng góp vào việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ ĐDSH.

    Khu DTSQTG Núi Chúa rất mong Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Ủy ban UNESCO Việt Nam… có các chương trình đầu tư cho VQG trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên, cũng như có chế độ ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt là cho cán bộ trong lĩnh vực bảo tồn, làm việc xa trung tâm thành phố. Đồng thời, hỗ trợ về mặt chuyên môn, kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH, nguồn gen, sinh cảnh…

    Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương cấp huyện, xã cần tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí giúp VQG thực hiện những công tác đặc thù, chuyên môn, tích cực phối hợp với VQG trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy…

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

Ý kiến của bạn