Banner trang chủ

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn

26/09/2022

    Ngày 23/9/2022, tại Thanh Hóa, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thảo Phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn nhằm tuyên truyền về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và các quy định về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường… Đây là sự kiện hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề "Cùng hành động để thay đổi thế giới".

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh theo BTH)

    Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách toàn cầu và nhận được sự quan tâm sâu sắc của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, rác thải đang phát sinh hàng ngày, hàng giờ và gây ra nhiều hệ lụy nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và các thế hệ mai sau nếu không hành động, không có biện pháp xử lý mạnh mẽ nhất.

    Hiện nay vẫn tồn tại một thực trạng là phần lớn rác sinh hoạt được chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và là một tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thói quen không phân loại rác của người dân đã dẫn tới lãng phí một nguồn tài nguyên lớn cho sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có nơi còn chưa được quan tâm đã trở thành vấn đề bức xúc ở nông thôn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực này. Trong khi đó, phần lớn rác sinh hoạt nếu được phân loại đúng cách sẽ trở thành "nguồn tài nguyên có giá trị", trở thành một khâu trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh theo BTH)

    Trước thực trạng trên, trong những năm qua, bảo vệ môi trường nói chung, đặc biệt vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt luôn là vấn đề Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhận thức rõ được vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN Việt Nam đã đưa bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ thông qua các cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ... Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, thiết thực về phân loại chất thải rắn và xử lý chất thải thực phẩm; những vấn đề khó khăn nhất đặt ra trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm ở địa phương; kinh nghiệm thực tế và đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện hiệu quả vấn đề này. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chia sẻ cách làm hay về thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác hiệu quả trên địa bàn.

Trưng bày sản phẩm tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; sản phẩm thân thiện với môi trường (Ảnh theo BTH)

    Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tham quan các gian hàng tái chế/tái sử dụng rác thải nhựa; sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trần Hương

Ý kiến của bạn