Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Một số kết quả bước đầu của Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa

01/11/2022

    Tại Việt Nam, ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang là vấn đề môi trường mang tính cấp bách, hàng năm, ước tính có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn RTN thải ra môi trường. Năm 2016 có 0,57 triệu tấn chất thải nhựa chưa được quản lý tốt bị rò rỉ ra vùng ven biển Việt Nam (Law và các cộng sự, 2020). Các mối đe dọa sức khỏe liên quan bao gồm sợi vi nhựa được tìm thấy ở 12 trong số 24 loài cá thương mại thuộc khu vực vịnh Bắc bộ (Koongolia và cộng sự, 2020) và ô nhiễm nhựa nghiêm trọng ở các rạn san hô, rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam. Năm 2010, có 41 triệu mảnh nhựa bị mắc trong các rạn san hô, dự tính con số này sẽ tăng lên 177 triệu mảnh vào năm 2025 (Lamb và cộng sự 2018). Những mối đe dọa này gây ra bệnh dịch cho san hô, đồng thời giảm độ che phủ rừng ngập mặn, ó gây ra hiện tượng lũ lụt lớn ở các cộng đồng ven biển, cũng như một số bệnh lây truyền qua đường nước. Có thể thấy, ô nhiễm nhựa là một vấn đề đối với các gia đình phụ thuộc vào nghề cá và du lịch (Menéndez và cộng sự, 2020).

    Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) là Tổ chức Khoa học công nghệ hướng đến tạo dựng cộng đồng thực hành lối sống bền vững, được thành lập năm 2016, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA). Ứng dụng mô hình lấy cộng đồng làm trung tâm, GreenHub luôn trau dồi, phối hợp với các đối tác địa phương trong phát triển, đẩy mạnh thực hành bền vững, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, đảm bảo duy trì kết quả cải thiện chất lượng và môi trường sống. Bên cạnh đó, đơn vị cũng vận động, ủng hộ các chính sách phát triển, tăng trưởng xanh của Việt Nam với tầm nhìn “Vì sự phát triển xanh của Việt Nam” và sứ mệnh “GreenHub tạo dựng nền tảng, kết nối cộng đồng, nguồn lực để thực hành lối sống xanh, sản xuất xanh, bảo tồn thiên nhiên”. Đặc biệt, từ năm 2020 - 2023, dưới sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, GreenHub triển khai Dự án “Giảm thiểu RTN với các giải pháp địa phương” (LSPP) tại TP. Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội. Thực hiện Dự án, GreenHub đã hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) cấp thành phố/quận của 3 địa phương nêu trên để triển khai các mô hình, sáng kiến cộng đồng, thu hút sự tham gia tích cực của thành viên Hội phụ nữ (HPN) với cách tiếp cận và một số kết quả bước đầu như sau:

    1. Tiếp cận, thực hiện và kết quả hoạt động

    Dự án LSPP không mang một thứ hoàn toàn mới đến để triển khai mà chủ yếu hỗ trợ các sáng kiến đã nhen nhóm hay tồn tại sẵn về cả kỹ thuật và kinh phí. Vì vậy, trong cách tiếp cận, GreenHub hướng tới phương châm: Các hoạt động do địa phương làm chủ và quản lý thực hiện, lựa chọn những sáng kiến có thể duy trì bền vững, lâu dài; xây dựng mô hình điểm, nhóm nòng cốt trước rồi sau đó mới lan rộng ra quận, thành phố/tỉnh.

    Tiếp cận được thể hiện qua mô hình 6S: Hiện Trạng - Giải pháp - Hỗ trợ - Giám sát - Mở rộng - Bền vững.

    Tại Đà Nẵng: Phụ nữ Thành phố tham gia quản lý rác thải tại cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

    Trong khuôn khổ Dự án LSPP, GreenHub đồng ý hỗ trợ đề xuất Sáng kiến huy động Câu lạc bộ (CLB) Sống Xanh tham gia quản lý rác thải tại cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 các năm 2021 - 2022 với tổng kinh phí 190 triệu. GreenHub sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật kiến thức về RTN và sức khỏe môi trường; các giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu; đổi mới kinh doanh; truyền thông theo phương thức truyền thống và hiện đạị; hỗ trợ trang thiết bị thu gom rác tài nguyên cho HPN thực hiện hoạt động.

    Trên cơ sở đó, HPN Thành phố Đà Nẵng đã triển khai Sáng kiến và thành lập được 7 CLB Sống Xanh tại 7 quận/huyện với tổng số 126 thành viên. Nhằm giúp các thành viên hiểu được vai trò, nhiệm vụ, mục đích cũng như kế hoạch hoạt động của CLB khi tham gia, HPN Thành phố đã xây dựng, in ấn, phát hành 120 cuốn “Tài liệu hướng dẫn thành lập, củng cố, sinh hoạt của CLB Sống xanh tham gia các hoạt động BVMT”. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, tình hình thực tế, GreenHub phối hợp cùng HPN Thành phố hỗ trợ 7 mô hình thùng thu gom rác tài nguyên, rác nguy hại và hướng dẫn cách sử dụng cho người dân, giúp việc thu gom rác trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, 49 thành viên của CLB đã được tham gia 2 đợt tập huấn TOT tìm hiểu về nhựa, tác hại của RTN đối với môi trường, sức khỏe con người và tổ chức thành công 7 sự kiện truyền thông đến cộng đồng với 241 người tham gia. Ngoài ra, thông qua các hoạt động từ 7 CLB Sống Xanh đã tổ chức thu hồi được gần 400 kg rác tài nguyên; trao gần 200 sản phẩm thân thiện môi trường (giỏ nhựa, túi sinh thái, bình nước thủy tinh, hộp đựng thức ăn...); phát 80 thùng rác tái chế từ thùng sơn cũ; biểu dương 30 gia đình tích cực tham gia BVMT tại khu dân cư. Đặc biệt, sau gần 7 tháng hoạt động (từ tháng 12/2021 - 6/2022), 7 CLB Sống Xanh đã huy động được gần 80% người dân tham gia phân loại, thu gom 32.410 vỏ lon nước; 1.464.024 kg rác nhựa; 707.180 kg giấy; 753.750 kg kim loại với số tiền gần 22 triệu đồng, từ nguồn này đã hỗ trợ cho khoảng 98 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động kiểm toán rác thải tại trường học ở Đà Nẵng

    Có thể thấy, Sáng kiến đã giúp HPN Thành phố phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các CLB triển khai hoạt động; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội và công tác truyền thông phân loại rác thải đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, Sáng kiến cũng hỗ trợ CLB trong công tác truyền thông, thu hút, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cùng thực hiện phân loại rác. Thêm vào đó, các hoạt động được HPN, CLB Sống Xanh tổ chức định kỳ, thường xuyên, khiến cho người dân cảm thấy gần gũi và tham gia nhiệt tình hơn. Thông qua Sáng kiến, HPN cũng rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động dựa vào tình hình thực tế của địa phương, lấy ý kiến, nhu cầu từ cộng đồng khu dân cư để triển khai; huy động sự tham gia từ địa phường, cộng đồng khu dân cư; thực hiện tốt công tác thông tin hai chiều, trao đổi với địa phương. 

    Từ sự đóng góp tích cực vào công tác BVMT nói chung, chống RTN nói riêng của CLB Sống Xanh và HPN Thành phố, thời gian tới, GreenHub sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ CLB Sống Xanh nâng cao năng lực cho các thành viên của CLB cùng với kỹ năng tổ chức hoạt động tuyên truyền/truyền thông về RTN đến cộng đồng. 

    Tại Hà Nội - Quận Bắc Từ Liêm:

    Theo thống kê của Chi cục BVMT Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Thành phố phát sinh gần 6.000 tấn rác thải, trong đó, RTN chiếm khoảng 10%. Lượng RTN tăng dần theo từng năm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, vì vậy, những năm qua, công tác BVMT, chống RTN và túi ni lông được các cấp, các ngành của Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.

    Tại quận Bắc Từ Liêm, số liệu Báo cáo công tác BVMT của quận trong các năm 2019 - 2021 và số liệu thống kê của Phòng TN&MT quận cho thấy, từ ngày 1/1/2020 - 10/11/2020, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, vận chuyển trên địa bàn quận lên khu xử lý tập trung của Thành phố là 97.111,27 tấn, trong khi con số tương tự cho năm 2021 là 99.433,69 tấn. Hiện tại không có số liệu thống kê cụ thể về lượng RTN phát sinh trong toàn quận. Cuối năm 2021, khi Dự án của GreenHub tiếp cận và lần đầu làm việc với HLHPN quận Bắc Từ Liêm cũng có những mối quan ngại, nhất là khi công tác BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, vì vậy, việc HLHPN Bắc Từ Liêm đồng hành cùng GreenHub trong một dự án lớn về RTN quả thực là một mục tiêu đầy tham vọng. Trong các chuỗi hoạt động GreenHub đã thực hiện với HLHPN quận Bắc Từ Liêm suốt hơn 6 tháng qua, có thể kể đến 3 hoạt động chính: Mô hình phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình; Cuộc thi Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống RTN; Sân chơi tái chế cộng đồng. 

    Về cách thức triển khai, hướng tới mục tiêu đưa việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải được thực hiện ngay tại tại hộ gia đình, trở thành thói quen hàng ngày của mọi người, GreenHub đã đồng hành với HLHPN các cấp đồng loạt triển khai, bước đầu là tập huấn tại cấp quận, sau đó chính cán bộ được tập huấn TOT sẽ về từng phường nơi mình sinh sống để truyền đạt lại. Kết quả, sau hơn 6 tháng thực hiện đã có hơn 500 hội viên HPN được tiếp cận tập huấn phân loại, xử lý rác như tận dụng rác để tái chế, ủ thành phân bón hữu cơ, làm chế phẩm enzyme tẩy rửa… Đặc biệt, sau khi được Dự án trao tặng 12 thùng ủ phân quay trộn, hội viên phụ nữ của 12 phường ở Bắc Từ Liêm đã nghiêm chỉnh thu gom, phân loại, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân bón, chế phẩm tẩy rửa. Cùng với đó, Cuộc thi “Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống RTN” đã được phát động, triển khai Đợt 1 (từ tháng 3/2022 - 6/2022) và Đợt 2 (từ tháng 6/2022 - 6/2023). Đợt 1 của Cuộc thi nhận được kết quả ngoài mong đợi, HPN đã thu gom được tổng cộng 38,5 tấn rác tái chế, trong đó lượng RTN chiếm xấp xỉ 10,1 tấn. Với lượng rác này, HPN đã bán phế liệu, thu được số tiền 186.753.700 đồng, trong đó trích ra 128.491.200 đồng ủng hộ Quỹ từ thiện nhân đạo của địa phương; 6.000.000 đồng phục vụ hoạt động tái chế RTN. Những con số này đã thể hiện phần nào quy mô của Cuộc thi, dù chỉ vận hành bởi hội viên phụ nữ vào Thứ 7 hàng tuần. Ngoài ra còn phải kể đến Mô hình Sân chơi tái chế cộng đồng tại phường Liên Mạc với việc tận dụng bánh xe cũ và các mảnh gốm sứ vỡ bỏ đi để xây dựng sân chơi cho trẻ em, đây cũng là một cách để truyền tải thông điệp “Rác cũng là một loại tài nguyên”.

    Có thể thấy, những hoạt động mô hình và kết quả trên đây cũng chính là thành quả ban đầu mà Dự án LSPP đã gặt hái được tại Hà Nội, sự tận tâm, nhiệt tình của HLHPN quận Bắc Từ Liêm sẽ là tiền đề, nguồn cảm hứng cho nhiều dự án về môi trường tiếp tục ra đời. 

    2. Kết luận và đề xuất hợp tác mở rộng

    Vai trò của phụ nữ trong giảm thiểu RTN nói riêng và công tác BVMT nói chung là rất quan trọng, nhận thấy được điều này, Dự án GreenHub đã thúc đẩy hợp tác với các cấp HPN để thực hiện nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, mô hình hay, hiệu quả. Trong đó, nhận định được những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công các sáng kiến, gồm: Nhân tố lãnh đạo phụ nữ cộng đồng và tinh thần khởi nghiệp; quá trình thực hiện các mô hình, sáng kiến có sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới nhằm tạo ra giá trị xã hội, sẵn sàng đóng góp vào công tác BVMT của địa phương, vì một Việt Nam Xanh hơn. Mặt khác, thành công của các mô hình, phong trào phần lớn nhờ việc áp dụng các nguyên tắc “Đồng sáng tạo”, “Nâng cao năng lực” và “Chia sẻ chuyên môn”, từ đó, HLHPN các cấp đã tích cực phát huy sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, gắn các mô hình kinh doanh với sáng kiến khởi nghiệp theo Đề án số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Chính phủ.

    Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa HLHPN các tỉnh, thành phố để nhân rộng điển hình tiên tiến, tiêu biểu như Mô hình “Thu gom, phân loại RTN”; Mô hình biến rác thành tiền, gây quỹ thực hiện công tác xã hội, thiện nguyện và hoạt động cấp cơ sở của HLHPN. Cùng với đó, gắn mô hình BVMT không chỉ là các phong trào mà còn là cơ hội sinh kế, phát triển kinh tế, khởi nghiệp để thu hút hội viên phụ nữ quan tâm, tham gia, nhằm phát huy tính bền vững của mô hình sau giai đoạn truyền thông, thực hiện sáng kiến; thúc đẩy bình đẳng giới, sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới, hạn chế định kiến về giới trong vấn đề quản lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và môi trường. Ngoài ra, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức khoa học công nghệ trong triển khai thực hiện dự án, sáng kiến BVMT với HLHPN, qua đó thúc đẩy hiệu quả cũng như tính bền vững cho các phong trào, hoạt động BVMT.

Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn