Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Một số đóng góp của Thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu

02/12/2022

    Hiện nay, thanh niên là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) là hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 20C vào năm 2100. Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam (TNVN), hiện nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và xấp xỉ 36% lực lượng lao động, vì vậy, thanh niên chính là nguồn cung năng lượng cho sự sáng tạo, nhiệt huyết hành động, đồng thời là một trong những lực lượng chủ thể góp phần giành chiến thắng trong cuộc đua với BĐKH.

    Quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH

    BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động trực tiếp đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, BĐKH đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất, cấp độ khó lường, riêng năm 2020, trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã để lại thiệt hại nặng nề, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã ghi nhận 232 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ban đầu lên đến 15.576 tỷ đồng... Do đó, trong bối cảnh toàn cầu mới, công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cần được đặt ở vị trí trung tâm, đảm bảo thực hiện hiệu quả, thực chất, minh bạch, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, góp phần đạt mục tiêu “Net zero” vào năm 2050.

    Mới đây, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, trong đó đặt ra mục tiêu chính là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất, thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó với BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu, cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, thích ứng với BĐKH và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của hệ thống chính trị mà là nghĩa vụ chung của mỗi người dân cũng như toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

    Thanh niên xung kích BVMT, ứng phó với BĐKH

    Theo Dự thảo Báo cáo TNVN hành động vì khí hậu, ở cấp độ quốc gia, hiện nay có 68,8% TNVN đã biết đến Chiến lược quốc gia về BĐKH; 12,5% chưa nắm rõ và 18,7% hoàn toàn chưa biết gì về Chiến lược, điều này cho thấy, đa phần TNVN đã có những hiểu biết nhất định về BĐKH. Nhận thức được hệ quả tàn khốc do BĐKH mang lại, thời gian qua, TNVN đã tích cực xây dựng, triển khai nhiều hoạt động, phong trào, tạo thành trào lưu tốt trong toàn xã hội, tiêu biểu như việc hưởng ứng Lời kêu gọi trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, vì một Việt Nam xanh; tham gia Phong trào “Hành trình thứ hai của lốp xe”- tái chế lốp xe thành đồ chơi cho trẻ em; Cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu... Đặc biệt, với tính sáng tạo, năng động, TNVN đã và đang tiên phong tìm hiểu, hang hái tham gia vào các giải pháp hiện có, đồng thời tích cực nghiên cứu, xây dựng nhiều giải pháp mới trong lĩnh vực giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với nhiều dự án dựa vào tự nhiên.

Đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh

    Từ tháng 7 - 11/2020, 3 báo cáo khu vực về thanh niên hành động vì khí hậu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đã được thực hiện dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của 3 tổ chức xã hội là CHANGE, Live & Learn, Wild Act. Sau đó, một Trại viết báo cáo toàn quốc (Trại Khí hậu Youth4Climate 2020) do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Cục BĐKH (Bộ TN&MT) và UNDP phối hợp tổ chức tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào tháng 12/2020. Trong đó đáng chú ý là Báo cáo đặc biệt “Thanh niên hành động vì khí hậu ở Việt Nam” - Báo cáo đầu tiên do 20 thanh niên xuất sắc, độ tuổi từ 15 - 30, đại diện cho khoảng 1.000 thanh niên từ mọi miền Tổ quốc đạt thành tích cao trong 3 cuộc tham vấn Youth4Climate. Bản Dự thảo đầu tiên của Báo cáo hoàn thành vào tháng 2/2021, lấy ý kiến chuyên gia, tham vấn cộng đồng trước khi công bố chính thức vào ngày 29/5/2021, mô tả những trở ngại mà giới trẻ phải đối mặt trong việc thực hiện hành động vì khí hậu và động lực mà họ xác định để theo dõi nhanh đóng góp của mình cho việc thực hiện NDC cũng như trong quá trình chuyển đổi sang một Việt Nam xanh hơn, các-bon thấp trong 4 chủ đề chính: (i) Giảm nhẹ tác động của BĐKH; (ii) Thích ứng với BĐKH; (iii) Giải pháp dựa vào thiên nhiên; (iv) Chính sách khí hậu. Nhiều sáng kiến của thanh niên đề cập trong Báo cáo đã nhận được giải thưởng và giới thiệu rộng rãi thông qua Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng được gửi tới Bộ trưởng - Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) Alok Kumar Sharma nhân dịp ngài đến thăm, làm việc tại Việt Nam vào tháng 2/2022.

    Tiếp nối thành công trên, từ ngày 18 - 20/8/2022, tại Sơn Tây (Hà Nội), Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “TNVN hành động vì khí hậu năm 2022” đã chính thức được khởi động nhằm đưa ra giải pháp cho những cảnh báo thảm khốc trong Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi là “mã màu đỏ cho nhân loại”. Lễ công bố Báo cáo diễn ra vào ngày 1/11, gồm 4 chủ đề chính: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn; giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0”; thích ứng với BĐKH; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, do 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước xây dựng. Các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến, dự án khí hậu do thanh niên khởi xướng, là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện. Các tác giả cũng xác định một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai, gồm việc thành lập nhóm công tác của thanh niên về chính sách khí hậu; xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về BĐKH; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo. Tại Lễ công bố, các bạn trẻ mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xác lập lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào dự án phát thải cao; giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này vào năm 2030. Bên cạnh đó, các bạn trẻ đề nghị chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan thu hút thanh niên tham gia tổ chức chiến dịch truyền thông sáng tạo, xây dựng lối sống xanh và hành động chống chịu với BĐKH. Ngoài ra, thanh niên kêu gọi Chính phủ tạo khung pháp lý, cơ sở thuận lợi để hỗ trợ cá nhân, người sáng lập, tổ chức thanh niên thực hiện hành động vì BĐKH, đặc biệt là tạo cơ chế thuận lợi để trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, các nhóm yếu thế, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi BĐKH; khuyến nghị ưu tiên thành lập nhóm công tác về chính sách thanh niên và BĐKH, đại diện cho tiếng nói của lớp trẻ tại các diễn đàn chính sách quốc gia và quốc tế.

    Nhân rộng các chương trình, dự án

    Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bộ TN&MT, UNDP, TNVN cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa ở khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó có 3 dự án tiêu biểu liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK thông qua hoạt động giảm rác thải nhựa (RTN), bao gồm: Dự án Vert Xanh được thành lập bởi 3 bạn học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hướng tới mục tiêu xây dựng không gian học tập xanh, văn minh, hiện đại cũng như thay đổi nhận thức, phát triển tư duy của thế hệ trẻ trong BVMT. Từ năm 2019, nhóm đã triển khai nhiều dự án nhỏ tại trường THCS Nghĩa Tân như thu gom pin cũ, làm gạch Ecobrick, tuyên truyền nội dung liên quan đến môi trường, BĐKH trên loa phát thanh của trường... Cuối năm 2019, căng tin trường THCS Nghĩa Tân đã thay thế toàn bộ cốc, bát nhựa sử dụng một lần dưới sự đề xuất của Vert Xanh. Từ năm 2020, Vert Xanh tiếp tục triển khai Vert Tour - Chuỗi sự kiện điểm nhấn nhằm lắp đặt mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn ở các trường học trên địa bàn, trong đó, Vert Tour - Chim báo bão đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 1.800 bạn học sinh đến từ các trường THCS Nghĩa Tân, THPT Chu Văn An...

Lễ công bố Báo cáo đặc biệt “TNVN hành động vì khí hậu năm 2022”

    Cùng với đó, Green Beli - Dự án giảm thiểu RTN tại Việt Nam do 15 bạn trẻ (chủ yếu là sinh viên) tham gia vệ sinh môi trường biển sau bão, kết quả, gần 1 tấn rác (lưới đánh cá, bao bì, túi ni lông, bao cát chắn gió…) ở khu vực bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng đã được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý. Ngoài ra, bộ ảnh truyền thông về nhựa do Dự án thực hiện đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, bài viết đăng tải trên mạng xã hội facebook đạt gần 80.000 lượt tiếp cận, 13.500 lượt tương tác, 900 lượt thích, 250 bình luận, 700 lượt chia sẻ và những con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Dự án đã tạo ra ứng dụng Green Beli, một bản đồ xanh với hơn 1.000 địa điểm xanh trong cả nước, nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng.

    Green River - Dự án được khởi xướng bởi 7 thanh niên khu vực miền Nam trong độ tuổi từ 18 - 30, hướng đến việc giải quyết vấn đề RTN trên các con sông ở Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc thiết lập hệ thống thùng rác thông minh trên ghe du lịch, ghe hàng, bến phà chở khách; sử dụng rô bốt thu gom RTN trôi nổi trên sông và truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng lối sống xanh cho tiểu thương, hộ dân sống trên hoặc ven sông. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 1/2020 tại chợ nổi Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Đến thời điểm hiện tại, Dự án đã tổ chức 1 hoạt động vẽ thùng rác; 1 lần chạy thử máy thu gom; 1 sự kiện ra mắt và các hoạt động truyền thông online, tiếp cận 150.000 lượt người; thu hút 15.000 lượt tương tác. Dự án vừa đạt Giải Nhất Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức và đang mở rộng địa bàn sang Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

    Để tiếp tục góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ, đồng thời thể hiện vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam cho nỗ lực ứng phó với BĐKH trong nước cũng như ở phạm vi toàn cầu, thời gian tới, TNVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho đoàn viên, thanh niên về vệ sinh cộng đồng, BVMT, ứng phó với BĐKH, tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về giảm thiểu phát thải, tăng cường tái chế RTN…

Lê Thị Ngọc

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

 

Ý kiến của bạn