Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Mô hình tích hợp giải pháp công nghệ và xã hội trong tăng cường hiệu quả quản lý rác thải nhựa đại dương - Kinh nghiệm từ MCD

04/10/2022

    Vùng ven biển là vùng chuyển tiếp giữa biển với lục địa, có sự tương tác mạnh giữa các hệ thống, hình thành nên sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và giàu khoáng sản. Đây là khu vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống con người, có tới gần 50% dân số thế giới sinh sống trong phạm vi 200 km từ đường bờ biển, với mật độ dân số trung bình khoảng 80 người/km2 và 70% các thành phố đông dân nhất thế giới (hơn 8 triệu dân) đều nằm ở vùng ven biển. Các hệ sinh thái ven bờ thì đóng góp tới 90% sản lượng thủy sản, sản sinh ra 25% năng suất sinh học biển, đồng thời đang gánh trách nhiệm làm sạch và BVMT vùng ven biển trước các hoạt động phát triển kinh tế của con người. Như vậy, vùng ven biển được coi là tiền đề cho sự phát triển đa ngành, đa mục tiêu, trong đó có thủy sản, du lịch, hàng hải, dầu khí... đối với các quốc gia có biển.

    1. Bối cảnh và phương pháp tiếp cận

    Hiện nay, việc quản lý vùng biển, ven biển cần được thực hiện theo cách tiếp cận tổng hợp, thống nhất, toàn diện, nhằm đáp ứng hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đó chính là phương thức quản lý tổng hợp (QLTH) vùng bờ - Cách tiếp cận mới trong quản lý tài nguyên, môi trường biển, ven biển được tiếp nhận từ năm 2000, áp dụng tại Việt Nam từ năm 2015 trong Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản thể hiện rõ cách tiếp cận QLTH được áp dụng trong quản lý rác thải rắn (RTR), rác thải nhựa (RTN) đại dương. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương. Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và các cam kết quốc tế của Việt Nam, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về QLTH chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, đảm bảo phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng và toàn xã hội.

    Áp dụng tiếp cận tổng quan “QLTH vùng bờ” và tiếp cận cụ thể “từ nguồn ra biển”, nhằm nâng cao hiệu quả quá trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải (XLRT), góp phần giảm thiểu ô nhiễm RTN đối với môi trường biển, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã phối hợp cùng một số đối tác xây dựng, triển khai thí điểm Mô hình tích hợp (MHTH) giải pháp công nghệ và xã hội trong tăng cường hiệu quả lý RTN đại dương (gọi tắt là “MHTH”) tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và tỉnh Nam Định, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

    2. Quy trình xây dựng và triển khai thí điểm MHTH

    Quy trình xây dựng, triển khai thí điểm MHTH được MCD áp dụng với hoạt động của các dự án cụ thể:

    1) Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng RTR/RTN và xác định các vấn đề chính về quản lý RTR/RTN tại địa bàn thực hiện;

    2) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn tăng cường năng lực cộng đồng và các bên liên quan, thúc đẩy thay đổi hành vi về giảm phát thải, tăng cường hiệu quả thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải;

    3) Hỗ trợ thiết lập và thực hiện mô hình hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng (4P) với các giải pháp công nghệ/kỹ thuật kết hợp giải pháp xã hội trong tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại rác tại nguồn, sử dụng hiệu quả RTN, hài hòa trách nhiệm và lợi ích của các bên;

    4) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc cải tiến các công cụ thu gom rác khu vực nước ven bờ biển/ven bờ sông, vận hành thí điểm, giám sát, cải tiến và chuyển giao cho đối tác cũng như cộng đồng địa phương để sử dụng, tích hợp vào hệ thống quản lý RTR;

    5) Tổng hợp số liệu, thông tin, kiến thức, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế để hỗ trợ công tác lập chính sách về quản lý RTN đại dương ở địa phương, Trung ương.

    3. Các nhóm hoạt động thực hiện

    3.1. Đánh giá hiện trạng và xác định vấn đề

    Đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng, thực hiện mô hình, giúp các bên liên quan có hiểu biết chung, từ đó thống nhất về hiện trạng, các vấn đề liên quan đến quản lý, thu gom, phân loại, XLRT tại địa phương. Kết quả của bước này là thông tin đầu vào cho công tác truyền thông, tăng cường năng lực, phân tích, thiết kế, tham vấn giải pháp về kỹ thuật, xã hội phù hợp với đặc điểm địa phương để tăng cường hiệu quả QLRT.

MHTH tại Dự án “Thí điểm quản lý RTN đô thị khu vực vùng bờ vịnh Hạ Long” (giai đoạn 2018 - 2020), nhằm mục tiêu cải thiện quy trình thu gom, phân loại và xử lý RTN, góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm RTN khu vực ven bờ và trên vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới. Hoạt động chính để đánh giá hiện trạng, xác định vấn đề về ô nhiễm RTN vùng bờ Hạ Long gồm:

     - Kiểm toán rác thải;

     - Đánh giá nhận thức, nhu cầu, năng lực của các bên liên quan về quản lý RTR, RTN;

     - Khảo sát, đánh giá và xác định các điểm nóng về ô nhiễm tại địa bàn.

MHTH tại Dự án “Thí điểm QLRT đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm RTN ở tỉnh Nam Định, Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng, Việt Nam” (giai đoạn 2018 - 2021), nhằm thí điểm các giải pháp sáng tạo, chi phí phù hợp với địa phương; tích hợp yếu tố công nghệ và xã hội góp phần cải thiện hệ thống QLRT khu vực sông, cửa sông; đóng góp xây dựng hệ thống quản lý RTR hiệu quả; giảm thiểu ô nhiễm RTN trên các dòng chảy, môi trường biển tại địa phương. Hoạt động chính để đánh giá hiện trạng và xác định vấn đề về ô nhiễm RTN gồm:

- Kiểm toán rác thải;

      - Đánh giá nhận thức, nhu cầu, năng lực của các bên liên quan về quản lý RTR, RTN;

- Đánh giá ô nhiễm rác thải theo dòng chảy;

      - Khảo sát hiện trạng quản lý RTR/RTN để đề xuất giải pháp kỹ thuật ;

      - Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng ô nhiễm RTN ở khu vực cửa sông, ven biển - trường hợp cửa sông Ba Lạt, sông Hồng.

    3.2. Kết nối các bên liên quan, truyền thông, tăng cường năng lực

        Việc xác định các bên liên quan từ lúc bắt đầu xây dựng và phân tích mức độ ưu tiên, mong muốn tham gia, đóng góp cũng như tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của họ là rất quan trọng tới thành công của mô hình. Đây sẽ là căn cứ để thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn tăng cường năng lực, tổ chức cộng đồng theo nhóm phù hợp, thiết kế được mô hình, giải pháp can thiệp một cách cụ thể, hiệu quả. Với MHTH, các bên liên quan đến RTR/RTN rất đa dạng và có thể khác nhau, tùy từng địa bàn.

      Hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của cộng đồng, cán bộ chủ chốt, các bên liên quan trong quản lý RTR, RTN. Các hoạt động truyền thông được thực hiện ở quy mô rộng, theo phương thức tọa đàm, hội thảo, sự kiện cộng đồng, mạng xã hội...

      Một khía cạnh quan trọng để xây dựng, thực hiện MHTH là trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về cả kỹ thuật, công nghệ và quản lý cho các bên tham gia, đảm bảo năng lực cần thiết trong công việc. Hình thức nâng cao năng lực như tập huấn, cung cấp các hỗ trợ và tài liệu kỹ thuật, nội dung chính bao gồm: (i) Hiện trạng ô nhiễm RTR; vấn đề của địa phương trong quản lý RTR/RTN; hướng dẫn phân loại, giảm thiểu rác thải; quy trình thu gom rác thải đã phân loại; giải pháp tăng cường hiệu quả QLRT; (ii) Chính sách, kế hoạch mới của Nhà nước, địa phương về quản lý RTR, RTN; kỹ năng lập kế hoạch, điều phối thực hiện các hành động quản lý RTR, RTN. Nội dung tập huấn được xây dựng dựa trên kết quả của hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu mức độ hiểu biết, quan tâm, thực hành của các nhóm nòng cốt mà mô hình hướng đến và được thiết kế đặc trưng cho từng nhóm nòng cốt để đáp ứng nhu cầu tăng cường hiểu biết về quản lý RTR, giảm thiểu RTN của mỗi nhóm.

    3.3. Xây dựng, thí điểm MHTH thực hiện bởi hợp tác đối tác Công - Tư - Cộng đồng (4P)

    Hợp tác đối tác Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng là sáng kiến được áp dụng nhằm thúc đẩy sự tham gia và tăng cường hiệu quả xây dựng, thực hiện mô hình. Cơ chế hợp tác đa bên là hình thức hợp tác, phối hợp ở các cấp độ: (i) Ra chính sách, quy định; (ii) Phối hợp, xây dựng quy chế; (iii) Thực thi giữa các bên liên quan tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch, thực hiện mô hình thí điểm. Thúc đẩy hợp tác Công - Tư - Cộng đồng giữa chính quyền, cộng đồng cư dân địa phương, doanh nghiệp và đối tác liên quan khác, đảm bảo sự phối hợp cùng thiết kế, thực hiện MHTH về quản lý RTR, RTN; chia sẻ trách nhiệm, tính làm chủ và góp phần nhân rộng mô hình.

    Quá trình thiết kế, thực hiện MHTH cần được quan tâm về mặt kỹ thuật, quản trị để đảm bảo các chủ thể Công - Tư - Cộng đồng tham gia tích cực, hiệu quả, xác định được các gói giải pháp can thiệp phù hợp để giải quyết vấn đề về quản lý RTR/RTN tại địa phương và phối hợp thực hiện các giải pháp đó dựa trên vai trò, nhiệm vụ, cam kết của mỗi bên. Các bước chính bao gồm:

    Đề xuất và tham vấn các giải pháp:  (i) Rà soát công tác quản lý RTR, phân tích xác định vấn đề nổi bật, điểm nóng về rác thải; (ii) Đề xuất các gói giải pháp kỹ thuật, công cụ và giải pháp xã hội; (iii) Tham vấn các bên liên quan để đồng thuận về các gói giải pháp, thúc đẩy sự tham gia trong thực hiện.

    Thực hiện thí điểm mô hình: Triển khai từng hạng mục công việc trong các gói giải pháp về kỹ thuật, quản trị đã được thống nhất; cần có các nhóm nòng cốt thực hiện mô hình, các bên liên quan khác được huy động tham gia hỗ trợ để mô hình được triển khai.

Hỗ trợ kỹ thuật và quản trị cho các bên nhằm thực hiện, nhân rộng mô hình, thúc đẩy hợp tác Công - Tư - Cộng đồng tại Hạ Long:

  • 5 nhóm nòng cốt cộng đồng với 181 thành viên được thành lập, vận hành và lan tỏa cho hàng nghìn thành viên khác;
  • 26 cặp thùng rác phân loại trên bờ và 3 thùng rác nổi trên biển cỡ lớn được lắp đặt, bàn giao cho đối tác địa phương sử dụng, quản lý;
  • 3 thuyền thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long được tu sửa, nâng cấp, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động thu gom, phân loại rác thải;
  • 3 bộ quy trình thu gom, phân loại rác thải và an toàn lao động được xây dựng, hướng , bàn giao cho các đối tác địa phương;
  • 4 thỏa thuận hợp tác với các đối tác chủ chốt;
  • 120 hộ tiểu thương, dịch vụ của chợ Hạ Long 1 ký cam kết và thực hiện các tiêu chí nhãn xanh “Đơn vị tiên phong giảm thiểu RTN”;
  • 301 hộ thuyền dân được hướng dẫn phân loại rác và ký cam kết không xả rác thải ra biển;
  • Trên 200 hộ cư dân ven biển tham gia đề xuất sáng kiến và cam kết thực hiện tại hộ gia đình.

Giải pháp kỹ thuật và quản trị được thực hiện trong MHTH triển khai tại Nam Định:

  • MCD đã có Thỏa thuận hợp tác chung số 19-01/MOU-MCD với các đối tác chính để thực hiện Dự án tại địa phương, gồm: Sở TN&MT, UBND Thành phố Nam Định, UBND huyện Mỹ Lộc, UBND huyện Giao Thủy,  Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy.
  • 3 nhóm nòng cốt của cộng đồng được thành lập, tham gia triển khai các hoạt động của Dự án;
  • 2 công cụ bẫy rác trên sông được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành thử nghiệm và 1 mô hình phục hồi tài nguyên từ rác thải (MRF) được thiết kế, xây dựng, vận hành thử nghiệm. Các giải pháp này đã được ghi nhận với hiệu quả tốt, đóng góp giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương.
  • 39 cặp thùng rác phân loại trên bờ, trang thiết bị phụ trợ được lắp đặt, bàn giao cho đối tác địa phương sử dụng, quản lý;
  • 2 KHHĐ về quản lý RTR cấp xã được hỗ trợ soạn thảo, ban hành tại xã Giao Hải và Giao Xuân.

Hình 1: Hỗ trợ nâng cấp thuyền thu gom rác tại Hạ Long

    

Hình 2: Công cụ thu gom rác trên sông được thí điểm tại Nam Định

Kết quả triển khai các hoạt động truyền thông quy mô lớn, kết hợp với truyền thông qua mạng xã hội tại Thành phố Hạ Long:

  • 13 hoạt động đối thoại được tổ chức với 630 người tham gia, góp phần cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết, năng lực của đối tác, các nhóm nòng cốt và cộng đồng địa phương về quản lý RTR/RTN, cùng tham gia mô hình, từ đó lan tỏa ra toàn Thành phố Hạ Long;
  • 5 sự kiện truyền thông cộng đồng được tổ chức với 1691 người trực tiếp tham gia. Thông qua các kênh truyền thông của 2 cuộc thi: “Lan tỏa hành động xanh - Giảm thiểu RTN” (tổ chức từ ngày 10/4 - 7/6/2020) và “Chung tay giảm RTN vì vịnh Hạ Long xanh” (từ ngày 15/10 - 5/12/2020), có khoảng 2,6 triệu người tiếp cận thông tin Dự án, kiến thức liên quan đến quản lý, giảm thiểu RTN.

Tại tỉnh Nam Định:

  • 8 sự kiện truyền thông quy mô lớn được tổ chức với 1.992 người trực tiếp tham gia và trên 12.000.000 người tiếp cận thông tin về mô hình; đối tượng tham gia đa dạng (cán bộ, học sinh, sinh viên, thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, cộng đồng dân cư…), góp phần nâng cao nhận thức về ô nhiễm RTR, RTN; thúc đẩy thực hành tốt về quản lý, giảm thiểu rác thải tại nguồn.  Từ cuộc thi “Sông sạch - Biển xanh” có sáng kiến “Chế tác bản đồ tỉnh Nam Định bằng nắp chai nhựa đã sử dụng” đã được mô hình hỗ trợ thông qua Tỉnh Đoàn Nam Định và đưa vào triển khai trong thực tế,16 bản đồ tỉnh Nam Định chế tác từ nắp chai nhựa đã sử dụng, được thanh niên, sinh viên thực hiện, chuyển giao cho các cơ quan, đoàn thể trưng bày nhằm lan tỏa nhận thức, thúc đẩy hành động thiết thực giảm thiểu RTN.
  • Sáng kiến “Sân chơi cho em” đưa vào sử dụng với các hạng mục được sáng tạo từ phế liệu tại thôn Nghĩa Hưng, xã Mỹ Tân. Công trình có sự tham gia của đoàn thanh niên các cấp cùng đại diện các đơn vị Đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Tân.

    3.4. Giám sát và đánh giá

    Cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất, bao gồm thu thập, phân tích dữ liệu, thông tin liên quan trong quá trình thực hiện mô hình; kiểm soát tiến độ, nguồn lực thực hiện; phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình đối với cộng đồng và công tác quản lý RTR/RTN.

    Hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện mô hình được tiến hành thông qua: (i) Xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá mô hình với các nội dung chi tiết (nội dung, mục tiêu, chỉ số, thời gian, kinh phí…); (ii) Ghi chép số liệu, thông tin trong suốt quá trình hoạt động; (iii) Báo cáo giám sát hoạt động theo tháng, quý, năm; (iv) Khảo sát các hoạt động (ngẫu nhiên hoặc theo kế hoạch); (v) Khảo sát, đánh giá cuối kỳ đối chiếu với các chỉ tiêu, chỉ số ban đầu. Thông tin, số liệu, kết quả giám sát được sử dụng để điều chỉnh kế hoạch thực hiện, đánh giá hiệu quả mô hình.

    3.5 Tích hợp vào hệ thống và chuyển giao cho địa phương

    Nội dung, phương pháp, công cụ, kết quả của mô hình cần được chọn lọc để tích hợp vào hệ thống quản lý RTR/RTN và chuyển giao cho địa phương nhằm xây dựng tính bền vững, đảm bảo duy trì hoạt động sau khi các hoạt động hỗ trợ từ bên ngoài kết thúc, tạo nền tảng để phổ biến, nhân rộng mô hình ở những địa bàn khác.

    Các hoạt động tăng cường tích hợp kết quả mô hình vào hệ thống quản lý của địa phương được thực hiện thông qua việc xây dựng, duy trì cơ chế quản lý (có thể là các văn bản ở cấp thực hiện hoặc văn bản trao đổi giữa các đơn vị liên quan). Tại các gói giải pháp, có thể xây dựng cho mỗi phần của mô hình một cơ chế quản lý độc lập, đồng thời có cơ chế chung cho tổng thể toàn bộ mô hình.

    Tại Chợ Hạ Long 1, hoạt động thu gom, phân loại rác thải được cụ thể hóa trong quy định do Ban quản lý chợ ban hành. Tại phường Bạch Đằng (Thành phố Hạ Long), UBND phường đã ban hành công văn gửi Ban Quản lý các dịch vụ công ích Thành phố đề nghị đáp ứng việc thu gom rác thải đã phân loại hiệu quả, đúng cách.

    Tại xã Giao Hải, Giao Xuân (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), KHHĐ quản lý RTR cấp xã được hỗ trợ xây dựng và ban hành.

      3.6 Phổ biến và nhân rộng

    Việc phổ biến thông tin, nội dung, kết quả cũng như bài học kinh nghiệm có thể theo các phương thức: (i) Tổng hợp, chia sẻ tài liệu về quá trình hoạt động, kết quả, bài học của mô hình; tài liệu tập huấn, truyền thông; quy định chính sách hiện hành; (ii) Tổ chức đối thoại, tọa đàm, hội thảo về mô hình thí điểm, kết quả, bài học kinh nghiệm để thúc đẩy chia sẻ, nhân rộng mô hình, đồng thời có thể tham vấn các bên liên quan để có khuyến nghị chính sách về quản lý RTR, RTN; (iii) Thúc đẩy các nhóm nòng cốt thành những chủ thể có kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để họ chủ động lan tỏa kinh nghiệm thực hiện, từ đó tạo tiền đề nhân rộng mô hình trên thực tế.

    4. Kết quả và tác động

    Kết quả quá trình thực hiện các MHTH tại Nam Định và Hạ Long cho thấy, nỗ lực về kỹ thuật, xã hội và quản trị đồng bộ đã giúp triển khai thành công MHTH về tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý RTR; phát huy tối đa nguồn lực, huy động được sự tham gia từ các bên Công - Tư - Cộng đồng, đồng thời tạo ra tác động đáng kể đến đối tượng hưởng lợi của mô hình, góp phần thay đổi thực hành QLRT và đóng góp cho công tác giảm thiểu ô nhiễm RTN đại dương.

Dự án: “Thí điểm quản lý RTN đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long, Việt Nam’’

Dự án đã triển khai thành công mô hình thí điểm tăng cường hiệu quả quản lý, thu gom, phân loại, XLRT tại vùng bờ Vịnh Hạ Long. Thông qua các hoạt động của Dự án, 1.902 người được tăng cường năng lực; 111.321 người trực tiếp tham gia các hoạt động dự án, trong đó nữ giới chiếm 62,98%, thanh niên chiếm 91,76% và 2.628.433 người được tiếp cận thông tin liên quan đến Dự án cũng như các hoạt động đã được triển khai. Dự án đã huy động sự tham gia của 15 cơ quan, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng địa phương vào các hoạt động tăng cường quản lý RTR, giảm thiểu RTN. Phương thức hợp tác Công - Tư - Cộng đồng với sự kết nối, thúc đẩy của Dự án đã phát huy hiệu quả cao. Trong hai năm thực hiện, hơn 500 tấn RTN được thu gom, góp phần gia tăng kết quả của những nỗ lực chung trong lĩnh vực giảm thiểu RTN đại dương nói riêng, BVMT nói chung tại vịnh Hạ Long.

Dự án “Thí điểm QLRT đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm RTN ở tỉnh Nam Định, Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng, Việt Nam”

Dự án đã triển khai thành công mô hình tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn theo dòng chảy, trong đó nổi bật là thử nghiệm thành công công cụ thu gom rác trên sông (bẫy rác), khu phục hồi tài nguyên từ rác thải và thúc đẩy thực hành hiệu quả hợp tác Công - Tư - Cộng đồng (4P). Kết quả, 18.692 người trực tiếp tham gia các hoạt động của Dự án; 3.471 người được trực tiếp tăng cường năng lực, trong đó nữ giới chiếm 54%, thanh niên chiếm 83%; 19.364 hộ gia đình thực hiện hành động giảm thiểu, phân loại rác và trên 12.000.000 người được tiếp cận đến thông tin liên quan đến Dự án, các hoạt động đã được triển khai. Dự án huy động sự tham gia của 25 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng, trong hơn 2 năm triển khai, trên 320 tấn RTN được thu gom, phân loại thông qua sự thúc đẩy, hỗ trợ, lan tỏa của Dự án, góp phần gia tăng kết quả của những nỗ lực chung trong lĩnh vực giảm thiểu RTN đại dương nói riêng và BVMT nói chung tại tỉnh Nam Định.

    5. Tính bền vững

    Tính bền vững của mô hình được thể hiện thông qua cơ chế duy trì kết quả mà mô hình đã tạo ra. Hợp tác đối tác Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng là sáng kiến được áp dụng nhằm thúc đẩy sự tham gia, tăng cường hiệu quả thực hiện mô hình. Hợp tác trong quá trình đó đã hình thành cơ chế cụ thể và tạo tiền đề để các kết quả được duy trì sau khi Dự án kết thúc.

    Thúc đẩy tích hợp các kết quả của mô hình vào hệ thống quản lý RTR của địa phương, chia sẻ, kết nối những sáng kiến liên quan để đảm bảo tính bền vững. Kết quả và bài học từ mô hình được tài liệu hóa, chia sẻ thông qua đối thoại, hội thảo, sự kiện cộng đồng, mạng xã hội… đồng thời là nền tảng đóng góp cho sự bền vững và nhân rộng mô hình.  

    6. Bài học kinh nghiệm

      Thực hiện MHTH, MCD rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Hợp tác đối tác Công -Tư - Cộng đồng cho thấy sự phù hợp, hiệu quả, do đó, việc xác định đúng các bên và tăng cường năng lực, huy động sự tham gia của họ là rất cần thiết; các hoạt động nghiên cứu, đánh giá nhằm xác định vấn đề, tìm giải pháp cần được triển khai một cách khoa học, làm cơ sở cho việc thiết kế, thực hiện mô hình; cân nhắc kỹ khuôn khổ về thời gian, nguồn lực để lựa chọn giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, thử nghiệm, tham vấn giải pháp kỹ thuật mất khá nhiều thời gian, cần xem xét kỹ lưỡng vì đó là khía cạnh quan trọng của mô hình; sự phù hợp của mô hình thí điểm với nhu cầu thực tiễn và chương trình trọng điểm của quốc gia, địa phương, tạo động lực cho các bên nỗ lực xây dựng, vận hành, nhân rộng mô hình; sự quan tâm, chỉ đạo, tham gia của các cấp quản lý nhà nước, vai trò điều phối của các tổ chức khoa học công nghệ là những yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện mô hình. Mặc khác, khi được trang bị kiến thức, kỹ năng, công cụ phù hợp, cán bộ địa phương và nhóm cộng đồng sẽ thực hành mô hình tích cực, sáng tạo, tự chủ, vì thế có thể khởi động xây dựng và thực hiện mô hình từ các nhóm nòng cốt, sau đó lan tỏa ra diện rộng hơn; quá trình, kết quả mô hình cần được lồng ghép vào hệ thống quản lý của địa phương để đảm bảo tính bền vững.

Hồ Thị Yến Thu

Phó Giám đốc thường trực

Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2022)

    Tài liệu tham khảo

  1. MCD (2018 - 2020): Các báo cáo hợp phần và báo cáo toàn Dự án “Thí điểm quản lý RTN đô thị khu vực vùng bờ vịnh Hạ Long, Việt Nam’’
  2. MCD (2018 - 2021): Các báo cáo hợp phần và báo cáo toàn Dự án “Thí điểm QLRT đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm RTN ở tỉnh Nam Định, Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng, Việt Nam’’
  3. Jambeck, J. R., Geyer, R., Wilcox, C., Siegler, T. R., Perryman, M., Andrady, A., . . . Law, K. L. (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean. Science, 347(6223), 768-771.
  4. Programme, U. N. E. (2018). Addressing Marine Plastics - A Systemic Approach.
  5. https://www.unep.org/interactives/beat-plastic-pollution/ (truy cập 30/8/2022)
Ý kiến của bạn