Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Huyện Tiên Phước: Phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái

28/07/2022

    Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và người dân, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 548, nay gọi là Đề án 03), đến nay kinh tế vườn trên địa bàn huyện Tiên Phước đã phát triển hiệu quả gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao.

Trung tâm văn hóa - thể thao và truyền hình - truyền thanh huyện Tiên Phước

    Để thực hiện Đề án mang tính tiên phong này, UBND huyện Tiên Phước đã phối hợp tập huấn các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 tại các xã, thị trấn; ban hành hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt thời kỳ kinh doanh. Đồng thời, tổ chức rà soát một số vườn cây măng cụt lớn ở các địa phương như: Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Sơn... để hướng dẫn nông dân chăm sóc trong thời kỳ kinh doanh, phục vụ Lễ hội Măng cụt vào tháng 9/2022. Cơ chế hỗ trợ Đề án 03 đã tạo cú hích cho người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn trên địa bàn toàn huyện. Nếu như trước đây người dân chỉ trồng nhỏ lẻ, chủ yếu là tiêu, giờ đây nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã bắt tay vào cải tạo vườn tạp đầu tư trồng nhiều loại cây với quy mô lớn hơn, diện tích một số cây trồng chủ lực tăng nhanh so với năm trước. Cụ thể: Cây hồ tiêu có tổng diện tích toàn huyện đến nay 81,23 ha (trong đó có 48,95 ha thời kỳ kinh doanh); Cây bưởi các loại tổng diện tích toàn huyện đến nay 274,373 ha (trong đó 133,3 ha thời kỳ kinh doanh); Măng cụt tổng diện tích toàn huyện đến nay 458,04 ha (trong đó có 48,03 ha thời kỳ kinh doanh); Sầu riêng tổng diện tích toàn huyện trên 100 ha (trong đó 15,72 ha thời kỳ kinh doanh); Lòn bon tổng diện tích toàn huyện đến nay 300 ha (trong đó 120 ha thời kỳ kinh doanh);… nhìn chung các vườn cây đang sinh trưởng phát triển tốt. Ngoài ra nhiều loại cây ăn quả khác được nhân dân đầu tư trồng mới, chăm sóc; một số diện tích đã vào thời kỳ kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, từ khi huyện triển khai thực hiện Đề án 03, nhiều hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện đã đầu tư cải tạo lại vườn, chăm sóc vườn cây, chất bờ đá, chỉnh sửa lại ao cá… tạo không gian vườn nhà xanh, sạch, đẹp.

    Cùng với việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, huyện Tiên Phước đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nhất là phát triển hệ thống thủy lợi bậc thang để cung cấp nước tưới cho cây lúa, cây màu, trang trại, kinh tế vườn, góp phần tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô. Đồng thời thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, chương trình kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện, chương trình phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu, chương trình cải tạo nâng cấp lưới điện vào các vùng sản xuất;… Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất của người dân, mà còn giúp diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

    Song song việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, huyện Tiên phước còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái làng quê. Ngay sau khi có Quyết định 3150/QĐ-UBND của UBND tỉnh đồng ý thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025”, UBND huyện Tiên Phước đã lên phương án và chọn xã Tiên Cảnh và xã Tiên Châu làm điểm đến triển khai Đề án 03, trong đó làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) được chọn là vùng lõi để phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với chủ nhân của các ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên về phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái theo Đề án 03.

    Với sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và các cấp chính quyền, các hộ dân ở làng cổ Lộc Yên đã duy tu, bảo dưỡng, giữ lại các công trình nhà ở, bờ đá, giếng cổ và các cây cổ thụ để gìn giữ nét đẹp làng quê; đồng thời chỉnh trang vườn nhà, lối đi, cổng ngõ, đào ao thả cá, trồng hàng rào chè tàu, phục dựng làng nghề,… Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn kinh phí, xã Tiên Cảnh đã được bố trí nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới và khu dân cư kiểu mẫu; hiện tại xã Tiên Cảnh đang nỗ lực về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay. Đây chính là nền tảng vững chắc để làng cổ Lộc Yên nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung phát triển du lịch sinh thái trở thành sản phẩm đặc trưng của miền trung du, của du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền.

    Từ ngày thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025”, làng cổ Lộc yên đổi thay từng ngày nhưng vẫn giữ nguyên được cốt cách, bản sắc làng quê truyền thống của mình. Hàng chục ngôi nhà cổ làm bằng gỗ có tuổi đời hơn 100 năm với kết cấu độc đáo, những con đường quanh co, uốn lượn trong những khu vườn xanh mướt, ngõ đá cuội, tường đá rêu phong xếp chồng lên nhau để dẫn vào từng nhà cùng với không gian yên bình, trong lành của miền quê vùng trung du xứ Quảng, sự đôn hậu, chất phác, thân thiện, hiếu khách của người dân,… Tất cả đã tạo nên điểm nhấn để làng cổ Lộc Yên trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, làng cổ Lộc Yên đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan; qua đó giúp hàng trăm hộ dân trong làng cổ có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc cung cấp các dịch vụ. Không chỉ là điểm đến lý tưởng giúp du khách tìm về chốn bình yên và cội nguồn nét đẹp làng quê, nhiều năm qua làng cổ Lộc Yên còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương trong cả nước.

    Có thể nói, Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” đã và đang từng bước đi sâu vào đời sống mỗi người dân nơi đây, mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Tiên Phước vững bước phát triển.

    Tiếp nối những kết quả đạt được, UBND huyện Tiên Phước đề ra mục tiêu đến năm  2025 có hơn 1.000 vườn đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp có hiệu quả kinh tế cao, phát triển hơn 200 trang trại, gia trại và 20 trang trại chuyên canh cây tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng… Song song với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư kết nối với các nhà vườn, khu du lịch sinh thái trong vùng Tiên Cảnh - Tiên Châu - Nam Tiên Kỳ; Thực hiện liên kết chỉnh trang vườn nhà, hình thành các làng vườn sinh thái liên hoàn, phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Tập trung tăng diện tích vườn và trang trại từ 5.600 ha (năm 2016) lên 15.600 ha (năm 2025)…

    Với sự chuẩn bị chu đáo từ công tác khảo sát, đối thoại với nhân dân, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các ngành chuyên môn của tỉnh cùng sự đồng thuận cao của các ngành, địa phương và nhân dân, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Tiên Phước được kỳ vọng trở thành sản phẩm đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững trong quá trình xây dựng du lịch xanh.

Duy Bạch

Ý kiến của bạn