Banner trang chủ

Hành trình giảm thiểu, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên của Liên minh Không rác Việt Nam

06/04/2021

     Hiện nay, công tác BVMT ngày càng nhận được sự quan tâm và chung tay thực hiện của nhiều bên, bao gồm khu vực nhà nước, phi chính phủ; các tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp… Nhiều chương trình, sáng kiến tái sử dụng, tạo vòng đời mới cho rác thải và rác thải nhựa (RTN) đã được triển khai. Trong nỗ lực BVMT, Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) đã có những cam kết BVMT thông qua hoạt động vận động chính sách; thực hiện các mô hình tái chế chất thải thành tài nguyên. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Quách Thị Xuân - Giám đốc điều phối  (VZWA) về những mô hình không rác hiệu quả cũng như xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội.

Quách Thị Xuân - Chuyên gia điều phối (VZWA) chia sẻ về mô hình không rác thải tại Phú Yên

PV. Bà có thể giới thiệu đôi nét về mục tiêu cũng như cam kết hoạt động của  Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA)?

Quách Thị Xuân: VZWA được thành lập từ tháng 10/2017, là một mạng lưới bao gồm các tổ chức và cá nhân, những người có cùng mối quan tâm trong việc áp dụng “thực hành không rác” (zero waste practices) để quản lý tốt hơn chất thải rắn (CTR), giảm RTN, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Đây là một cách tiếp cận toàn diện và tối ưu trong quản lýCTR , được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới do Liên minh không rác Quốc tế(International zero waste Alliance) thực hiện.

     Khái niệm “Thực hành không rác” (zero waste) có nghĩa là lượng chất thải không nhất thiết phải bằng không. “Thực hành không rác” là áp dụng triệt để các biện pháp phòng và giảm thiểu lượng chất thải phải đem chôn lấp hoặc đốt. Các bước tiến hành “Thực hành không rác” được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau: 1 - từ chối (refuse); 2 - tái thiết kế (redesign); 3 - giảm thiểu (reduce); 4 - tái sử dụng – nạp lại (reuse-refill); 5 - phục hồi (recovery); 6 - tái chế(recycle); 7 - quản lý chất thải còn lại (residual management).

    Áp dụng các bước trên, VZWAquan niệm “chỉ tái chế thôi là chưa đủ”, đặc biệt là vấn đềtái chế nhựa cũng đang gây nhiều hệ lụy về môi trường khi các làng nghề của Việt Nam thực hiện quy trình này bằng các phương pháp thủ công. Do đó, chúng tôi ủng hộ việc xây dựng và thực hiện một nền kinh tế tuần hoàn.

    Thực hiện các mục tiêu BVMT, VZWA đã triển khai các hoạt động chính như: Xây dựng mô hình không rác (zero waste model building), bao gồm: Làng, xã/phường,trường học, khách sạn/nhà hàng không rác…; vận động chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, hạn chế đồ nhựa dùng một lần; kế hoạch quản lý CTR theo cách tiếp cận không rác ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn); nghiên cứu về các tác động tiêu cực của đốt rác, vấn đề xuất nhập khẩu phế liệu để đề xuất chính sách về đốt rác, chính sách về xuất nhập khẩu chất thải;vận động trách nhiệm doanh nghiệp thông qua việc thực hiện đánh giá chất thải và kiểm toán nhãn hiệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về CTR; mở rộng mạng lưới và tăng cường năng lực thông qua hội nghị, hội thảo, các khóa tập huấn, đào tạo, hướng dẫn “thực hành không rác” cho cộng đồng.

PV. Trong hành trình giảm thiểu, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên, nhiều mô hình đã được VZWA triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa bà?

Quách Thị Xuân: VZWA hiện có hơn 10 thành viên tích cực tham gia phối hợp cùng liên minh thực hiện các hoạt động BVMT. Qua 3 năm hoạt động, VZWA đã đạt được một số thành quả nhất định. Có thể kể đến là Dự án kiểm toán rác thải ở các khu vực dân cư tại 8 khu vực ven biển (Hạ Long, Nam Định, Đà Nẵng, Sa Huỳnh, Cù Lao Chàm, Hội An và Phú Yên, Cát Bà) thực hiện từ năm 2018 - 2020. Vừa qua, VZWAđã hoàn thành Báo cáo đánh giá CTR và kiểm toán nhãn hiệu rác thải tại 8 khu vực, địa phương ven biểnViệt Nam. Kết quả kiểm toán cho thấy, trong các loại rác thải được kiểm toán, nhựa rắn (polyethylene tỷ trọng cao), chai nhựa và RTN, chủ yếu là các loại (tã, băng vệ sinh, tăm bông) là những sản phẩm chính trong nguồn rác thải tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả tổng hợp nhãn hiệu của các loại rác thải được kiểm toán cũng cho thấy, trong dữ liệu từ khoảng 55,000 mảnh rác nhựa có nhãn hiệu, phát hiện có 3 doanh nghiệp (Coca Cola, PepsiCo và Nestle) nằm trong tốp các doanh nghiệp có lượng rác thải nhựa nhiều nhất tại Việt Nam; Vinamilk và Acecook là các doanh nghiệp hàng đầu đóng góp vào lượng rác thải nhựa tại hộ gia đình.

     Về xây dựng mô hình không rác, trong 2 năm 2019-2020, Trung tâm bảo tồn biển và phát triển cộng đồng (MCD -thành viên của VZWA) đã chuyển giao thành công cách tiếp cận không rác tại 2 xã: Giao Hải, Giao Xuân (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).MCD đã hỗ trợ xã Giao Hải xây dựng một cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF), đồng thời tư vấn cho hai xã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý CTR của xã, với mục tiêu giảm thiểu CTR tới bãi chôn lấp. Hiện nay, cơ sở phục hồi tài nguyên của xã Giao Hải đã tiếp nhận rác thải sinh hoạt của 60 hộ gia đình. Rác thải sau khi được công nhân môi trường thu gom, phân loại riêng từng loại rác, sau đó tiến hành ủ phân vi sinh cho lượng rác hữu cơ. Phân vi sinh được sử dụng để bón cho hoa, cây cảnh ở các khuôn viên công cộng như UBND xã, trường học, ven đường giao thông, bờ kênh. Các mô hình tương tự như: Mô hình“Làng không rác” được công ty TNHH một thành viên Sungco áp dụng tại làng Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm áp dụng mô hình “Không chất thải tại cộng đồng” tại xã Tân Hiệp và Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Có thể nói, các mô hình này đã giúp giảm thiểu, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải cho các địa phương.

     Bên cạnh đó, mô hình trường học không rác, khách sạn/nhà hàng không rác được Trung tâm Hỗ trợ xanh(GreenHub - thành viên của VZWA) thí điểm triển khai tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú, tỉnh Phú Yênnăm 2019. Các chuyên gia GreenHub đã hướng dẫn 300 em học sinh tại trường học thực hiện mô hình kiểm toán rác thải vàthực hành về phân loại rác, ủ phân compost, tái sử dụng cốc nhựa dùng một lần; biến bãi rác của góc trường thành vườn cây. Việc thực hiện mô hình không rác giúp các em thực hành thu gom, phân loại rác và nâng cao nhận thức BVMT. Từ những hiệu quả thiết thực này, tháng 10/2020, mô hình trường học không rác đã được nhân rộng áp dụng tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, mô hình không rác cũng được áp dụng tại 17 khách sạn và nhà hàng tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên). Các đơn vị này đã được các chuyên gia của GreenHub hướng dẫn kiểm toán rác thải và tập huấn làm sản phẩm chất tẩy rửa sinh thái từ rác hữu cơ. Thấy được lợi ích từ việc giảm thiểu RTN, các đơn vị này đã có điều chỉnh không dùng ống hút nhựa, chai nhựa dùng 1 lần và sử dụng chất tẩy rửa từ vỏ trái cây tự tái chế cho công việc vệ sinh tại khách sạn… Bên cạnh đó, GreenHub cũng phối hợp với SởTN&MT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên xuất bản cuốn sổ tay Giải pháp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần khó phân hủy tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn của tỉnh.

   Hiện nay, VZWA đang tích cực hỗ trợ các thành viên để vận hành mô hình không rác có hiệu quả, đây là các điểm tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng ở các địa phương khác.

PV. đánh giá như thế nào về vai trò, sự cần thiết của các liên minh trong công tác BVMT, đặc biệt trong bối cảnh Luật BVMT năm 2020 được thông qua, đi vào triển khai thực hiện?

Quách Thị Xuân: Các liên minh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật (tiếp cận từ trên xuống), đồng thời họ là những đơn vị không thể thiếu trong việc hỗ trợ nhà nước, chính quyền thực thi chính sách và pháp luật (tiếp cận từ dưới lên). Với cách tiếp cận toàn diện, VZWA đang giúp nhiều cộng đồng thích ứng trước với quy định mới của Luật BVMT năm 2020. Trước khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành, các thành viên của VZWAđã đóng góp ý kiến, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các điều Luật. Luật BVMT năm 2020 có rất nhiều điểm mới và chi tiết hơn, đặc biệt là quy định về quản lý CTR, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định về việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, quy định về việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người dân chưa hiểu, chưa nắm được yêu cầu của luật. Nhiều người dân đang băn khoăn không biết việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng thìsẽ được thực hiện như thế nào? Các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về các vấn đề như tỷ lại tái chế bắt buộc, tiêu chuẩn tái chế và mức đóng phí tái chế, thu gom, xử lý bao bì, sản phẩm khi thải bỏ. Như vậy, để thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về BVMT thì việc nghiên cứu, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng. Các tổ chức chính trị - xã hội, các liên minh chính là lực lượng nòng cốt giúp nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, tuyên truyền tăng cường nhận thức cho người dân thực hiện chính sách pháp luật về BVMT.

Người dân làng Gò Cỏ, Quảng Ngãi tham gia Mô hình "Làng không rác"

PV. Bà có thể cho biết về kế hoạch thực hiện các hoạt động của VZWA trong thời gian tới?

Quách Thị Xuân: VZWA đặt ra mục tiêu đến năm 2030, toàn thể người dân Việt Nam hiểu và áp dụng thực hành không rác, do vậy, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục xây dựng mới các mô hình không rác như trường học, văn phòng, du lịch không rác, đặc biệt chú trọng nhân rộng mô hình cộng đồng không rác lên quy mô cấp thành phố. Hai TP tiên phong đãáp dụng hiệu quả mô hình không rác là TP. Hội An của tỉnh Quảng Nam và TP. Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên. VZWAdự kiến sẽ phối hợp với các Viện Nghiên cứu chính sách về môi trường để thực hiện các nghiên cứu cần thiết cho việc vận động chính sách về quản lý CTR, giảm thiểuRTN, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; các chính sách liên quan đến xử lý, tái chế rác... Về chiến lược vận động doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua việc đánh giá chất thải và kiểm toán, công khai danh sách các công ty gây ô nhiễm hàng đầu ở Việt Nam, hỗ trợ các mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh doanh tái sử dụng - nạp lại. Liên quan đến tăng cường năng lực và mở rộng mạng lưới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình không rác, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện lộ trình hạn chế đồ nhựa dùng một lần; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, làm phân vi sinh với các quy mô khác nhau; tổ chức các chuyến thăm quan các mô hình thành công trong và ngoài nước. Trong năm tới, VZWA đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để truyền cảm hứng, lan tỏa lối sống không rác đến mọi đối tượng, thành phần trong xã hội.

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2021)

Ý kiến của bạn