Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Cần đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam

07/10/2021

    Việt Nam là nơi có sự phân bố của hai loài gấu là gấu chó (Helarctos malayanus) và gấu ngựa (gấu đen châu Á với tên khoa học là Ursus thibetanus). Tuy nhiên cả hai loài gấu này đều ít được nghiên cứu và không có nhiều thông tin về sinh thái, thực trạng quần thể và sự phân bố ở Việt Nam. Loài gấu bắt đầu có sự suy giảm từ năm 1990 đến năm 2005, do nạn săn bắt, đặt bẫy và buôn bán trái phép. Điều này trùng hợp với thời điểm các trang trại nuôi gấu lấy mật mở rộng nhanh chóng ở Việt Nam.

    Bước tiến năm 2020 và những thách thức trong năm 2021

    Tại Việt Nam, các trang trại nuôi gấu lấy mật xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1990 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về mật gấu và các sản phẩm từ gấu. Việc buôn bán gấu và các bộ phận cơ thể chúng đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với số lượng gấu hoang dã ít ỏi còn sót lại ở Việt Nam. Tình trạng khai thác, buôn bán mật gấu vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Niềm tin vào những tác dụng kỳ diệu của mật gấu là động lực cho ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật phát triển và cũng chính là nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của loài gấu trong tự nhiên.

              Cá thể gấu nuôi nhốt trong điều kiện chật hẹp ở Quỳnh Lưu, Nghệ An

     Trong bối cảnh đó, năm 1994, Việt Nam ký kết công ước CITES cam kết chấm dứt buôn bán gấu qua biên giới. Năm 2005, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt nhằm hạn chế số lượng gấu hoang dã bị đưa vào các trang trại gấu. Theo đó, chủ sở hữu gấu phải đăng ký và gắn chíp theo dõi cho từng cá thể gấu. Bên cạnh đó, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006 đã đưa các loài gấu chó và gấu ngựa vào danh mục loài được bảo vệ, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

    Như vậy, các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp (từ trước năm 2005) chỉ được phép nuôi nhốt nếu cá thể gấu “có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử”. Hành vi “nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Hiện cả 2 loài gấu trên đều được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP), cũng như được liệt kê trong Nhóm IB, loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi vi phạm liên quan đến gấu, tùy theo mức độ nghiêm trọng và tang vật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm tù đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

    Trên thực tế đã có nhiều bản án nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và loài gấu nói riêng. Cụ thể vào tháng 4/2018, Tòa án nhân dân huyện Điện Biên đã tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì vận chuyển trái phép 27 cá thể rùa đầu to (tổng khối lượng 10,5 kg) và 4 chân/tay gấu ngựa (tổng khối lượng 13 kg). Tháng 2/2020, TAND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tuyên án 3 năm tù giam về hành vi vận chuyển trái phép bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa. Ngày 18/3/2021, Tòa án nhân dân huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) tuyên phạt đối tượng Sùng A Dơ (34 tuổi) 2 năm tù giam về hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 2 cá thể gấu ngựa. Những bản án trên đã cho thấy những nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc bắt giữ, khởi tố thành công, kịp thời đối với những đối tượng có hành vi vi phạm về ĐVHD, đồng thời đảm bảo ý nghĩa răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.

    Trong suốt nhiều năm qua, Chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật, cộng đồng và một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã nỗ lực để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2020, 22 cá thể gấu đã được tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ. Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và tịch thu 10 cá thể gấu bất hợp pháp. Đến cuối năm 2020, Việt Nam chỉ còn 376 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, giảm 91,3% so với số lượng hơn 4.300 cá thể gấu được đăng ký nuôi vào năm 2005. Hơn nữa, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã được coi là “địa phương không có gấu nuôi nhốt”. Trong đó, nhiều địa phương đã thành công trong việc chuyển giao những cá thể gấu cuối cùng đến các trung tâm cứu hộ để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại địa phương như Đồng Nai, Bến Tre, Lâm Đồng…. Đặc biệt, ngày càng có nhiều chủ nuôi nhốt gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kì một khoản hỗ trợ nào, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này. Đây là thành quả từ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Có thể thấy rõ, chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam là một nhu cầu và xu thế tất yếu, bởi hoạt động nuôi nhốt gấu không được Nhà nước khuyến khích do tất cả các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp, việc nuôi nhốt gấu không những không mang lại lợi ích cho người dân, mà còn đẩy các loài ĐVHD đến con đường tuyệt chủng và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. 

    Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm 2020, Việt Nam vẫn còn cần phải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo những cá thể gấu còn lại sẽ được chuyển đến các trung tâm cứu hộ và hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ hoàn toàn chấm dứt tại Việt Nam. Mục đích này sẽ chỉ đạt được khi chính quyền các địa phương còn gấu nuôi nhốt tiếp tục quyết liệt hành động, đặc biệt là tại những điểm nóng nuôi nhốt gấu như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai thành phố lớn và phát triển nhất của cả nước. Tại TP. Hà Nội, số lượng gấu bị nuôi nhốt tại Thủ đô vẫn chiếm gần một nửa tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước, với 159 cá thể gấu tại 30 cơ sở, tập trung phần lớn tại huyện Phúc Thọ - điểm nóng về nuôi nhốt gấu lấy mật của Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai cả nước về nuôi nhốt gấu, với 25 cá thể tại 6 cơ sở tư nhân. Chủ gấu tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như nhiều chủ gấu tại các điểm nóng về nuôi nhốt gấu trên cả nước đều có điểm chung đó là bảo thủ và khó thuyết phục. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng tại các địa phương phải hành động nhanh chóng để có thể “cứu” các cá thể gấu còn lại có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu

    Việt Nam từng là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu, tuy nhiên trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ gấu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhằm đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu, các cơ quan chức năng (Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp) cần hợp tác cùng các đối tác phi chính phủ thực hiện một cuộc đánh giá sâu rộng những cơ sở hiện có để xác định chính xác số lượng gấu còn lại, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nhu cầu chăm sóc thú y của chúng, từ đó có chiến lược quản lý nhằm tái định cư và chăm sóc dài hạn cho gấu ở những cơ sở cứu hộ. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, công an, tòa án cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các dấu hiệu vi phạm về gấu để từ đó tạo tính răn đe cao, đặc biệt tại các cơ sở nuôi nhốt gấu; kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp.

Hai cá thể gấu ngựa được cứu hộ, nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của Vườn Quốc gia Pù Mát

    Tại các địa phương còn diễn ra tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, Lãnh đạo địa phương cần có những hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu góp phần vào nỗ lực chung của cả nước. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động để các cơ sở nuôi gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Trung tâm bảo tồn ĐVHD Việt Nam tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi nhốt gấu, phổ biến các quy định của pháp luật nghiêm cấm các hành vi buôn bán nuôi nhốt gấu; thường xuyên kiểm tra, cập nhật số lượng gấu nuôi nhốt trên địa bàn để từ đó phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi nuôi nhốt gấu trái phép.

    Ngành Y tế và các đối tác phi chính phủ nên hỗ trợ Hội Đông Y Việt Nam khuyến khích việc sử dụng thảo dược và nguyên liệu tổng hợp thay thế cho mật gấu. Trong thời gian qua, Viện Dược liệu Trung ương (Bộ Y tế) đã phối hợp Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) triển khai Dự án “Điều tra, thu thập thông tin về một số loài cây thuốc ở Việt Nam có công dụng tương tự như công dụng của mật gấu”. Trung ương Hội Đông Y Việt Nam phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á biên soạn, phát hành cuốn tài liệu “Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu". Những cuốn sách là một minh chứng y học khẳng định các phương thuốc và thảo dược tự nhiên hoàn toàn có khả năng chữa bệnh hiệu quả, thay thế được các tác dụng của mật gấu trong y học cổ truyền.

Đỗ Minh Phượng

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)

 

Ý kiến của bạn