Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Bộ TN&MT đẩy mạnh các Chương trình truyền thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

18/11/2022

    Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT: “Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ĐBSCL xây dựng Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”. Theo đó, Bộ TN&MT đã ban hành Chương trình hành động của Bộ nhằm thực hiện Nghị quyết trên. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, giao Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thực hiện nội dung: Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về BBĐKH, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã tập trung tuyên truyền vào các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, nâng cao kiến thức cộng đồng về phát triển bền vững thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL. Một số kết quả đạt được như sau:

Nhận thức của cộng đồng

    Với mục tiêu đánh giá nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Trung tâm đã tổ chức lựa chọn và khảo sát 06/13 địa phương khu vực ĐBSCL với 921 phiếu khảo sát (tổ chức và cá nhân) gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang. Thông qua phân tích thông tin khảo sát, một số nhận định đã được đưa ra như sau:

    Khu vực tiến hành điều tra, khảo sát gồm 6 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang nằm ở vùng đồng bằng thấp, nơi có nhiều nguy cơ cao khi đối mặt với thiên tai bất thường, BĐKH và nước biển dâng. Do địa hình thấp trũng và bằng phẳng nên thường xuyên bị ảnh hưởng với tình trạng triều cường cao mỗi năm trong mùa mưa lũ nhưng bị thiếu nước ngọt nặng nề do sự xâm nhập mặn vào mùa khô. Vùng đất này được ghi nhận khí hậu những năm gần đây có nhiều dấu hiệu chứng tỏ nhiệt độ tăng cao, mưa xuất hiện bất thường hơn so với 5 - 10 năm trước gây khó khăn không ít trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản và sức khỏe  cộng đồng. Nhận thức của người dân về BĐKH đã có cải thiện, bước đầu đã đề xuất các nhóm giải pháp và ứng dụng mô hình chuyển đổi sản xuất ứng phó với BĐKH vào đời sống sản xuất.

    Cộng đồng rất quan tâm và tham gia tập huấn về các nội dung liên quan đến BĐKH như: Tăng cường công tác dự báo thời; truyền thông về BĐKH và các giải pháp thích ứng, ứng phó khẩn cấp các thảm hoạ liên quan đến thiên tai, khí hậu; tập huấn kỹ năng ứng phó với BĐKH; chia sẻ các mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với BĐKH. Các tổ chức xã hội ở các địa phương như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên và các đoàn thể khác có vai trò đầu tàu trong việc áp dụng các mô hình thí điểm ở địa phương mình.

    Các tỉnh vùng ĐBSCL cần phải có ngân sách đầu tư lâu dài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và phòng tránh thiên tai. Nhất thiết phải có sự lồng ghép BĐKH vào các chương trình phát triển kinh tế và xã hội ở các ban ngành và địa phương. Ngoài ra, cần tranh thủ các tài trợ kinh phí, kỹ thuật và nhân lực của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ là điều cần thiết phải tăng cường để công cuộc ứng phó với BĐKH được hiệu quả.

    Kênh thông tin phổ biến nhất để người dân tiếp cận về phát triển bền vững ứng phó với BĐKH chủ yếu là thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, truyền hình.

    Theo đó, nhu cầu thông tin của vùng ĐBSCL là rất lớn với các nguồn thông tin, dạng thông tin đa dạng, phong phú cũng như nhu cầu liên kết chia sẻ thông tin trao đổi kinh nghiệm và tăng cường năng lực lãnh đạo giữa các địa phương trong khu vực cần phải tăng cường hơn nữa. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi nhận thức của người dân về phát triển bền vững ứng phó với BĐKH với nhiều hình thức để tiếp cận đến mọi đối tượng, cộng đồng trong khu vực.

Tài liệu truyền thông

    Nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng đối với phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2020 - 2021, Trung tâm đã xây dựng và phát hành bộ tài liệu tuyên truyền (gồm 04 cuốn) về nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng đối với phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nội dung các cuốn tài liệu đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường của mỗi người, đặc biệt nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường chỉ thành công xuất khi thay đổi, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng (cuốn Bảo vệ môi trường ĐBSCL - thành công chỉ đến từ ý thức của mỗi người); Các biện pháp ứng phó đối với tình hình xâm nhập mặn, chủ động sống chung với tình trạng BĐKH và xâm nhập mặn (cuốn Từ ứng phó đến chủ động sống chung với tình hình BĐKH đặc biệt là vấn đề xâm ngập mặn tại ĐBSCL); Các vấn đề cấp bách trong sử dụng nguồn tài nguyên nước và nhiệm vụ, giải pháp cho người dân vùng ĐBSCL (cuốn Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước tại ĐBSCL - những vấn đề cấp bách và giải pháp). Cuối cùng là cuốn Sổ tay hướng dẫn những giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cho cộng đồng dân cư đưa ra những giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

    Các cuốn tài liệu đã được gửi tới các Sở ban ngành địa phương và đăng tải trên trang điện tử của Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường. Đã có 6/13 địa phương liên hệ trực tiếp để lấy file số cuốn tài liệu sử dụng cho mục đích tuyên truyền ở địa phương gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.

Đường link tải các tài liệu: https://monremedia.vn/thu-vien/bo-tai-lieu-tuyen-truyen-ve-bao-ve-moi-truong-ung-pho-voi-bdkh-tai-dong-bang-song-cuu-long-2554.html

Các chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng

    Trong giai đoạn 2019 - 2021, Trung tâm đã thực hiện các chương trình truyền thông trên các đài truyền hình, phát thanh: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo điện tử. Có 20 chương trình được xây dựng và phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (14 chương trình phát trên kênh VTV9, 06 chương trình phát trên kênh VTV2) và cập nhật trên trang web https://vtvgo.vn của Đài Truyền hình Việt Nam với 06 bản tin, 9 phóng sự, 02 toạ đàm và 03 trailer tuyên truyền cho các vấn đề về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; 06 chương trình tập trung phổ biến các mô hình thích ứng với BĐKH đã triển khai ở ĐBSCL.

    Chương trình phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam gồm có 59 chương trình, trong đó có 31 bản tin, 20 phóng sự và 08 toạ đàm. Các chương trình được chia thành các nhóm nội dung tuyên truyền 27% chương trình thuộc nhóm thời sự, 42% chương trình thuộc nhóm giải pháp và còn lại 31% chương trình thuộc nhóm mô hình.

    Các hoạt động truyền thông trên báo điện tử đã được triển khai trên 14 đầu báo với 201 tin, 125 bài viết, 312 ảnh và 03 toạ đàm tuyên truyền, cụ thể gồm các Báo: Đại biểu nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Điện tử VTCnews, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Người lao động, Năng lượng, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Tin tức – Thông tấn xã, Tuổi trẻ, Công thương và Cà Mau. Trong tổng số 329 tin bài và toạ đàm, có 61,4% các tin bài tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các vấn đề thời sự, phổ biến thông tin liên quan đến phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; 35,3% các tin bài đề cập đến các giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; 3,3% truyền thông cho các mô hình sinh kế, chuyển đổi để thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL.

    Đối với 03 Toạ đàm được phát trực tiếp trên các Báo Đại biểu nhân dân (01 Toạ đàm), Cổng thông tin điện tử Chính phủ (02 Toạ đàm), còn được phát trên facebook, youtube để tăng tương tác với cộng đồng, ví dụ: Toạ đàm trực tuyến: ĐBSCL: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch được phát trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và đăng tải trực tiếp trên facebook với 981.000 lượt xem, 9.600 lượt yêu thích và 128 bình luận.

    Có thể thấy rằng, Trung tâm đã xác định các phương thức truyền thông phù hợp với các kênh truyền thông để tiếp cận tới các đối tượng truyền thông hiệu quả nhất. Các chương trình truyền thông về nhóm giải pháp chiếm ưu thế trong tỷ lệ của 02 thể loại đọc và nghe, nhìn. Việc phổ biến các thông tin về chính sách và các chỉ đạo, vấn đề thời sự tập trung trên các báo điện tử, trong khi phổ biến các mô hình được tuyên truyền rộng hơn qua các đài phát thanh, truyền hình, phù hợp với các đối tượng cộng đồng.

Các chương trình phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng

    Năm 2020, Trung tâm tổ chức Hội nghị truyền thông, phổ biến chính sách và các hội nghị chuyên đề với các nội dung như: Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững ứng phó với BĐKH - chuyên đề về thích ứng BĐKH, quản lý tổ hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL cho các tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững ứng phó với BĐKH - chuyên đề về thích ứng BĐKH, quản lý tổ hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL cho các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, hội nông dân; Chuyên đề về thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL cho các cán bộ cơ quan quản lý thuộc 13 tỉnh ĐBSCL; Tọa đàm đối thoại Tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL tại Cà Mau, kết hợp cùng Lễ phát động Cuộc thi Hành động vì Mekong.

    Tổ chức Hội nghị phổ biến cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cho đối tượng là lực lượng thanh niên thuộc 13 tỉnh tại TP. Cần Thơ; Phổ biến, hướng dẫn “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và kỹ năng thích ứng với BĐKH cho lực lượng thanh niên” cho đối tượng là lực lượng thanh niên tại Đồng Tháp vào năm 2021.

    Tiếp nối các năm trước, năm 2022, Trung tâm cũng đã tổ chức các Hội nghị, diễn đàn với mục tiêu phổ biến, nhân rộng các mô hình và định hướng các hoạt động truyền thông như: Tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL, Cơ chế, chính sách tài chính để chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Nâng cao năng lực và định hướng tuyên truyền các mô hình phát triển bền vững; Quản lý tổng hợp và truyền thông trong việc sử dụng hiệu quả bảo tồn hệ sinh thái vùng ĐBSCL.

Cuộc thi “Hành động vì Mekong”

    Nhằm khơi dậy tiềm năng phát huy tư duy, sáng tạo những ý tưởng, mô hình về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL, Trung tâm đã phát động tổ chức cuộc thi “Toàn quốc nhằm tìm kiếm những sáng kiến, cách làm hiệu quả, giải pháp hay về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH” (gọi tắt là Cuộc thi “Hành động vì Mekong”) tại tỉnh Cà Mau vào năm 2020. Thông qua hoạt động này, nhiều mô hình, ý tưởng sáng tạo về bảo vệ tài nguyên môi trường đã làm gia tăng mối quan tâm của giới trẻ về bảo vệ tài nguyên môi trường ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững, qua đó từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng. Hồ sơ dự thi từ nhiều đối tượng, đa dạng, phong phú ở cả 03 hạng mục: Sáng kiến giảm thiểu BĐKH ĐBSCL (hạng mục 1); Giải pháp giảm thiểu với BĐKH ĐBSCL (hạng mục 2) và Mô hình phát triển bền vững ở ĐBSCL (hạng mục 3). Cuộc thi cũng đã huy động được 268 hồ sơ của các tác giả/tập thể tác giả đến từ các địa phương trên các mọi miền tổ quốc như: Hà Nội, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Phước, Quảng Ngãi, Bà rịa- vũng tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sơn La, Quảng Trị, Đà Nẵng...

    Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động truyền thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã được triển khai mạnh mẽ ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương với nhiều quy mô, đối tượng và các phương pháp truyền thông khác nhau. Tuy còn gặp không ít khó khăn, thách thức, song với những kết quả ban đầu, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động truyền thông trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 120/NQ-CP đề ra.

Nguyệt Minh

 

Ý kiến của bạn