14/07/2025
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn” năm 2025 là sân chơi đặc biệt do Trung ương Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững. Cuộc thi có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thông qua Cuộc thi, thanh niên nông thôn có thêm cơ hội để tiếp cận vốn, hoàn thiện kỹ năng khởi nghiệp và góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, xanh, bền vững.
Được phát động từ tháng 3/2025, đến nay, sau gần 2 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được 228 hồ sơ dự án từ 45 tỉnh, thành đoàn trên toàn quốc đăng ký dự thi. Đáng chú ý, có tới 33/228 hồ sơ dự án do thanh niên là người dân tộc thiểu số, bao gồm: Dân tộc Dao 4 hồ sơ; H’Mông với 9 hồ sơ; Hà Nhì (1); Khmer (1); Mường (3); Nùng (3); Sán Dìu (1); Tày (6); Thái (5).
Các dự án tham gia tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật; phát huy tài nguyên bản địa; BVMT và Bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong đó, Dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa có 156 dự án; Dự án BVMT có 39 dự án; Dự án Bảo tồn văn hoá dân tộc có 33 dự án. Sau vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 120 Dự án tiêu biểu lọt vào vòng Bán kết, diễn ra cuối tháng 6/2025.
Sau vòng Bán kết, Ban Giám khảo sẽ tiếp tục làm việc, lựa chọn ra 30 dự án xuất sắc nhất để tham gia thi vòng 3 (vòng Chung kết toàn quốc). Tại vòng Chung kết, các thí sinh sẽ được giới thiệu chuyên gia làm huấn luyện viên trực tiếp, hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện Dự án. Thời gian thi và trao giải dự kiến vào tháng 10/2025.
Tham gia vòng Chung kết, các dự án được chia thành 3 nhóm theo lĩnh vực, trong đó, thí sinh quảng bá sản phẩm trực quan và giới thiệu về dự án; thuyết trình dự án trước Hội đồng Giám khảo để Hội đồng chấm điểm phần thuyết trình; đặt câu hỏi để thí sinh trả lời và chấm điểm. Bên cạnh đó, vòng Chung kết sẽ diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh như: Ban Tổ chức sẽ tổ chức sàn giao dịch kêu gọi vốn đầu tư; hội nghị trao đổi về chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các Quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực liên quan; hội chợ quảng bá sản phẩm của các thí sinh tham gia dự thi.
Cơ cấu giải thưởng năm nay bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và các giải phụ. Trong đó, giải Nhất sẽ được nhận phần thường trị giá 50 triệu đồng và hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai dự án với mức tối đa 1 tỷ đồng; giải Nhì nhận được phần thưởng trị giá 30 triệu đồng và hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai dự án với mức tối đa 500 triệu đồng; giải Ba sẽ nhận được phần thường trị giá 15 triệu đồng và được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai dự án với mức tối đa 300 triệu đồng; giải khuyến khích sẽ nhận được phần thưởng trị giá 10 triệu đồng và hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai dự án với mức tối đa 200 triệu đồng. Lưu ý, các dự án được hỗ trợ vốn phải có đủ điều kiện quy định để vay vốn. Ngoài ra, các dự án đạt giải sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện tình hình thực tế, Ban Tổ chức sẽ xem xét, trao các giải phụ, bao gồm: 1 giải cho dự án đầu tư; 2 giải cho dự án có ý nghĩa xã hội và tiềm năng phát triển tốt; 1 giải cho dự án đạt tiêu chuẩn hội nhập. Đối với các đề án tham dự Vòng Chung kết toàn quốc sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ban Tổ chức giới thiệu với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tư vấn triển khai thực tế đối với những dự án phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Gia Linh