Banner trang chủ

Trà Vinh: Tăng cường kiểm tra giám sát khu công nghiệp, dự án trọng điểm có nguồn thải lớn

04/10/2022

    Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên 2.358 km2, bao gồm 9 huyện, thị xã, thành phố và 106 xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn vừa qua, cùng với việc ban hành nhiều Nghị quyết, chủ trương nhằm phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hóa đối với các ngành công nghiệp, nông lâm - ngư nghiệp, dịch vụ… tỉnh Trà Vinh  luôn quan tâm, chú trọng tới công tác BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư, đặc biệt là việc triển khai các quy định mới của Luật BVMT năm 2020. Để tìm hiểu về công tác BVMT tại địa phương, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh

PV: Là tỉnh được Trung ương đầu tư nhiều dự án và khu công nghiệp trọng điểm, xin ông cho biết về công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại địa phương trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Trong giai đoạn 2016-2021, Trà Vinh được Trung ương đầu tư các dự án trọng điểm như: Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải với các Nhà máy nhiệt điện 1, 2, 3 và 3 mở rộng, bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội như: Khu Kinh tế Định An (đã thu hút 51 dự án), đang xúc tiến mời gọi đầu tư KCN Ngũ Lạc (936 ha), KCN Cổ Chiên, KCN Cầu Quan…

    Để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, tỉnh luôn chú trọng từ khi thẩm định dự án; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đến khi triển khai thực hiện, kiên quyết không thẩm định thông qua dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

    Đối với các dự án trọng điểm có nguồn thải lớn (Trung tâm điện lực Duyên Hải), tỉnh luôn quan tâm công tác kiểm tra giám sát đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng cục môi trường, Cục BVMT miền Nam, Tổ công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất công tác BVMT.

    Đặc biệt, đã đầu tư 2 trạm quan trắc không khí xung quanh; đang đầu tư lắp đặt 5 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục (1 trạm khí; 2 trạm nước biển; 2 trạm nước mặt, 5 bảng led hiển thị kết quả giám sát môi trường) để giám sát chất lượng môi trường; nhận và truyền dữ liệu quan trắc online từ các nguồn thải lớn về Tổng cục Môi trường theo quy định.

    Hàng năm, tỉnh phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và xây dựng, thực hiện Kế hoạch quan trắc môi trường để kịp thời phát hiện vi phạm và có giải pháp ứng phó với các sự cố, suy thoái chất lượng môi trường có thể xảy ra.

    Thực hiện lắp đặt 124 camera để giám sát các điểm nóng về môi trường, khai thác khoáng sản nhằm phát hiện ô nhiễm môi trường, từ đó kịp thời cảnh báo, đề nghị khắc phục, xử lý vi phạm.

PV: Được biết, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, chất thải nguy hại trên địa bàn hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực, ông có thể chia sẻ về kết quả này, cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Trà Vinh, cùng với sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, HĐND, tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt khu vực đô thị ngày được nâng cao, đạt tỷ lệ 98,5%.

    Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý và nhà đầu tư có đủ năng lực trong xử lý rác thải sinh hoạt, dẫn đến chậm tiến độ một số dự án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

    Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thủ tục kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh công suất 500 tấn/ngày với công nghệ đốt rác phát điện (dự kiến năm 2024 đi vào hoạt động), góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại các bãi rác và xử lý triệt để lượng rác phát sinh hàng ngày.

    Năm 2021, tỉnh đã ban hành “Đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý CTR” tại Quyết định số 1446/QĐ-UBND, trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã đưa ra lộ trình triển khai thực hiện đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 đối với việc cải tạo và đóng cửa các bãi rác ô nhiễm môi trường cấp huyện. Phương hướng thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025, đóng cửa 9 bãi rác không còn khả năng tiếp nhận; nâng cấp, mở rộng, cải tạo, phục hồi môi trường 10 bãi rác để tiếp tục hoạt động; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành nhà máy xử lý CTR thị xã Duyên Hải, xử lý hết năng lượng rác tồn đọng tại bãi rác thị xã Duyên Hải; Kêu gọi đầu tư xã hội hóa dự án nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 2026 - 2030, đóng cửa 6 bãi rác để thực hiện xử lý CTR sinh hoạt; Nâng cấp, mở rộng, cải tạo 4 bãi rác, nhà máy; Mở rộng phạm vi xử lý đối với nhà máy xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt hoạt động. Đề án đã được địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo lộ trình, cơ bản hiệu quả.

    Đối với cấp huyện, Sở TN&MT cũng đã đầu tư và chuyển giao lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để đốt rác phát sinh của địa phương, cơ bản đáp ứng công suất từ 500-600 kg/ngày mỗi huyện đều xây dựng phương án thu gom vận chuyển rác, đảm bảo công tác thu gom triệt để trên cơ sở giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để địa phương triển khai thực hiện, đối với các lò đốt do Sở TNMT hỗ trợ đầu tư có đã ban hành giá xử lý cho từng địa phương triển khai áp dụng.

    Tuy nhiên, còn một số khó khăn nhất định như: Một số dự án xử lý rác thải tại tỉnh tuy đã lựa chọn được Nhà đầu tư nhưng trong quá trình triển khai còn chậm; việc thu gom rác vùng sâu, vùng xa chưa triệt để; một số bãi rác hiện nay quá tải, chỉ xử lý bằng cách chôn lấp, về lâu dài chưa đảm bảo về môi trường.

PV: Theo quy định mới về quản lý chất thải của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đó là luật hóa việc phân loại rác tại nguồn…, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách gì để người dân, doanh nghiệp triển khai, thực hiện, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Để thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạch số 55/KH-UBND ngày 8/7/2021 về triển khai Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Luật đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác BVMT; từ đó giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tuân thủ Luật. Đồng thời, rà soát, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định Luật thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và UBND tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về BVMT trong tình hình mới.

    Về quản lý chất thải, hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương về phân loại rác thải tại nguồn. Khi Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn làm cơ sở, tỉnh sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể tại địa phương để thực hiện đúng theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

    Ngoài ra, ngày 6/2/2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm rà soát, đánh giá hiện trạng công tác tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án giá và quyết định giá cụ thể để tổ chức thực hiện. Đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt có trách nhiệm: Căn cứ giá dịch vụ quy định tại phương án giá do UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành để thu giá dịch vụ; đồng thời, thực hiện niêm yết giá và thông báo đến các đối tượng sử dụng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt.

    Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành 2 Chỉ thị: số 15-CT/TU và số 48-CT/TU về BVMT, cảnh quan môi trường theo đó giao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đảng viên, nhân dân trong tỉnh nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác BVMT. Hàng năm, Sở TN&MT tỉnh đều ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện 2 Chỉ thị trên nhằm phát hiện, đề nghị khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp. Qua đó, nâng cao ý thức BVMT cho toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Bãi rác cụm xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông và thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang đang thi công mở rộng giai đoạn 2

PV: Trong thời gian tới, Sở có những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị gì để tăng cường công tác quản lý BVMT nói chung và chất thải nói riêng được hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Để tăng cường công tác quản lý BVMT nói chung và quản lý CTR nói riêng cần triển khai các giải pháp, cụ thể như:

    Tham mưu thực hiện tốt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Trà Vinh thuộc lĩnh vực môi trường hàng năm và cả nhiệm kỳ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng;

    Trên cơ sở phát huy Chỉ thị số 15-CT/TU và số 48-CT/TU, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác BVMT đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phù hợp với Luật BVMT 2020 và tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

    Đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xã hội hóa dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh công suất 500 tấn/ngày, công nghệ đốt rác phát điện, dự kiến trước năm 2025 đưa vào vận hành thương mại.

    Đối với công tác quản lý CTR: tiếp tục thực hiện “Đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý CTR; tăng cường nguồn lực, công nghệ; lần lượt đóng cửa các bãi rác đã quá tải, cải tạo, phục hồi môi trường tại các bãi rác theo lộ trình đề án đã được duyệt.

    Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý, xử lý CTR sinh hoạt và BVMT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định.

    Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

    Tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân về quản lý tổng hợp CTR và BVMT trên địa bàn tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc thù của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Để phát huy các kết quả đạt được cũng như thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BVMT trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị Trung ương một số nội dung như: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý và BVMT; đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020, nhất là lĩnh vực quản lý chất thải. Xem xét ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chính sách ưu đãi về quản lý chất thải, khuyến khích nhà đầu tư trong quá trình đầu tư dự án phải đi đôi BVMT, xã hội hóa môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2022)

Ý kiến của bạn