Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Tình hình thực hiện chỉ số hoạt động môi trường (EPI) của Việt Nam năm 2024

07/08/2024

Đặt vấn đề

    Chỉ số Hoạt động môi trường (EPI - Environmental Performance Index) do Đại học Yale (Mỹ) xây dựng từ năm 2006 và công bố định kỳ 2 năm một lần. Chỉ số EPI tập hợp các chỉ số trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu môi trường. Theo kết quả báo cáo EPI mới nhất vừa công bố vào tháng 6/2024, điểm số của Việt Nam tiếp tục giảm. Bài viết tập trung cập nhật phương pháp tính của bộ chỉ số và kết quả thực hiện chỉ số EPI của Việt Nam năm 2024.

Chỉ số Hoạt động môi trường – EPI

    Khung chỉ số Hoạt động môi trường (EPI) đầu tiên được xây dựng dựa theo 2 mục tiêu môi trường chính, đó là (i) bảo vệ môi trường vì sức khỏe con người hay còn gọi là Sức khỏe môi trường và (ii) bảo vệ môi trường sống tự nhiên hay còn gọi là Sức sống hệ sinh thái. Từ 2 mục tiêu môi trường chính, EPI phát triển khung chỉ số dựa theo các nhóm chính sách chính mà các quốc gia đang thực thi và các chỉ thị đại diện cho nhóm chính sách tiếp tục được phát triển. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, khung chỉ số EPI đã được điều chỉnh thành 3 nhóm chính sách gồm: (i) Sức khỏe môi trường, (ii) Sức sống hệ sinh thái và (iii) Chính sách khí hậu.

    Về phương pháp tính, EPI 2024 vẫn áp dụng theo phương pháp “gần với mục tiêu” (proximity-to-target), tức là tính toán kết quả thực hiện (có thể lượng hóa được) của các chính sách và so sánh với mức mà mục tiêu đã đặt ra. Kết quả hoạt động môi trường được xác định thông qua đánh giá hàng loạt các chỉ tiêu được dùng để đo kết quả thực hiện các chính sách liên quan. Các chỉ tiêu và các nhóm chính sách sẽ được tích hợp theo trọng số thành một chỉ tiêu EPI tổng hợp, các trọng số sẽ đảm bảo phản ánh mức độ đóng góp của các chỉ tiêu. Điểm tổng hợp được tính để xếp hạng với nguyên tắc điểm càng lớn, xếp hạng càng cao.

    Nhìn chung, nguồn số liệu cho tính toán EPI được lấy từ các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ. Nguồn số liệu bao gồm các số liệu thống kê chính thức được đo đạc và được các quốc gia gửi báo cáo lên các tổ chức quốc tế; Số liệu không gian/viễn thám của các tổ chức nghiên cứu hoặc các tổ chức quốc tế; số liệu của các trạm quan trắc; số liệu mô hình.

Cập nhật kết quả thực hiện Chỉ số Hoạt động môi trường của Việt Nam năm 2024

    Kết quả báo cáo EPI năm 2024 công bố tháng 6/2024 cho thấy, Việt Nam xếp hạng thứ 180/180 quốc gia với điểm số tổng hợp là 24,5/100. So với 2 năm gần nhất, thứ hạng xếp hạng của Việt Nam liên tục giảm. Năm 2020, thứ hạng xếp hạng của Việt Nam đã giảm 37 bậc, từ bậc 141/180 quốc gia; năm 2022 giảm 02 bậc từ 178/180 quốc gia. Đồng thời điểm số EPI tổng hợp cũng giảm từ 33,4/100 năm 2020 xuống còn 20,1/100 năm 2022 và 24,5/100 năm 2024.

Bảng 1. Kết quả và xếp hạng EPI của Việt Nam năm 2024

TT

Các chỉ số/chỉ tiêu 2024

Xếp hạng

Điểm EPI

Xu hướng thay đổi 10 năm

2024

2024

2024

 

Chỉ số tổng hợp EPI

180

24.5

-4.6

A

Chỉ số sức sống hệ sinh thái

174

27.7

-5.7

A1

Chỉ số Đa dạng sinh học và môi trường sống

160

25.4

-2.1

A2

Chỉ số về rừng

85

48.5

1.5

A3

Chỉ số Thủy sản

133

29.4

-2.9

A4

Chỉ số Ô nhiễm không khí

180

7.5

-34.8

A5

Chỉ số Nông nghiệp

16

73.0

-1.0

A6

Chỉ số Nguồn nước

136

14.9

0.0

B

Chỉ số về sức khỏe môi trường

142

26.6

3.1

B1

Chỉ số Chất lượng không khí

167

15.5

3.5

B2

Chỉ số Nước và vệ sinh môi trường

94

53.7

2.6

B3

Chỉ số Các kim loại nặng

97

43.3

2.9

B4

Chỉ số quản lý chất thải

33

46.1

0.0

C

Chỉ số biến đổi khí hậu

175

17.9

-9.4

  1.  

Giảm nhẹ BĐKH

175

17.9

-9.4

Nguồn: Báo cáo EPI 2024

    Qua rà soát, có 02/11 nhóm vấn đề mà EPI 2024 đánh giá cho Việt Nam có điểm số cao hơn và 09/11 nhóm vấn đề có điểm số thấp hơn điểm trung bình. Cụ thể, 02 nhóm vấn đề có điểm số cao hơn điểm trung bình là nông nghiệp (73.0); Nước và vệ sinh môi trường (53.7). Trong số 09 nhóm vấn đề có điểm số thấp hơn điểm số trung bình của EPI 2024, nổi trội nhất là nhóm vấn đề về ô nhiễm không khí có điểm số thấp nhất.

    Có thể thấy, EPI 2024 đã có sự thay đổi đáng kể về bộ chỉ số so với EPI 2022. Trong khi EPI 2022 sử dụng 40 chỉ tiêu thì EPI 2024 sử dụng 58 chỉ tiêu để đánh giá, tăng 18 chỉ tiêu so với năm 2022. Theo đó, một số chỉ tiêu đã được điều chỉnh và bổ sung, đặc biệt trong nhóm chính sách về sức sống hệ sinh thái (sử dụng 34 chỉ tiêu, tăng gần gấp đôi so với năm 2022).

    Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi điểm và thứ bậc đánh giá xếp hạng EPI 2024 của Việt Nam là do sự thay đổi phương thức tính toán và trọng số tính toán của EPI. Nguồn số liệu dùng để tính toán cho các chỉ tiêu hiện nay từ các nghiên cứu độc lập. Trong khi vấn đề biến đổi khí hậu năm 2020 chỉ được đánh giá là một phần trong nhóm chính sách sức sống hệ sinh thái thì từ năm 2022 đã trở thành một chỉ số độc lập chiếm trọng số đến 38% tổng điểm đánh giá và cũng là chỉ số có điểm thấp nhất. Đến năm 2024, mặc dù trọng số của chỉ số thành phần này đã giảm đi (30%), điểm số của Việt tăng lên (17.9/100 điểm) nhưng đánh giá chung tổng điểm của nhóm chỉ số này vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

    Ngoài ra, nhóm vấn đề về axit hóa được thay thế bằng nhóm vấn đề về ô nhiễm không khí cũng góp phần làm ảnh hưởng tới điểm số của Việt Nam. Qua tổng hợp, điểm số của nhóm vấn đề ô nhiễm không khí năm 2024 là thấp nhất trong số 11 nhóm vấn đề được đánh giá (7.5/100 điểm).

    Thực tế, EPI có sự thay đổi chỉ tiêu đánh giá, phương pháp tính toán và nguồn số liệu đánh giá qua các năm. Do đó, không nên nhìn nhận kết quả so sánh thứ bậc của EPI qua các năm. Thay vào đó, EPI đã cung cấp đánh giá xu hướng thông qua việc đánh giá số liệu năm cơ sở (chủ yếu là sử dụng dữ liệu 10 năm trước kỳ đánh giá). Như vậy, điểm số đánh giá của Việt Nam đã giảm 4,6 điểm so với tham chiếu 10 năm trước. Điểm số này cho thấy xu hướng các vấn đề về chất lượng môi trường Việt Nam đang suy giảm. Theo đó, Việt Nam cần nỗ lực lớn trong việc thực hiện các mục tiêu về Biến đổi khí hậu và Sức sống hệ sinh thái, nếu không sẽ rất bất lợi khi so sánh với các quốc gia trên thế giới.

Kết luận

    Chỉ số hoạt động môi trường EPI thể hiện sự đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu môi trường. Tuy nhiên, kết quả của chỉ số EPI có thay đổi qua các kỳ báo cáo do có sự thay đổi các chỉ tiêu đánh giá, trọng số, số lượng chỉ số, nguồn số liệu và phương pháp đánh giá. Do đó, việc so sánh các kết quả đánh giá của EPI giữa các năm sẽ tạo nên sự khập khiễng, không rõ ràng. Điểm đặc biệt của EPI 2024 trong việc tính toán là bổ sung nhiều chỉ số thuộc nhóm sức sống hệ sinh thái, trong đó đổi nhóm vấn đề về axit hóa bằng ô nhiễm không khí. Điểm số của nhóm vấn đề ô nhiễm không khí thấp nhất trong số 11 nhóm vấn đề được đánh giá (7.5/100 điểm). Với điểm số này, EPI đã nhận định Việt Nam đang phải đối mặt nhiều với thách thức về môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, mất đa dạng sinh học và năng lực về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

    Vì vậy, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đất nước, cần phải thực hiện các giải pháp toàn diện để có thể ngăn chặn được xu hướng gia tăng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; thúc đẩy nền kinh tế cac-bon thấp, kinh tế tuần hoàn...Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm giám sát thực hiện, xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi các chỉ số hoạt động môi trường. Đặc biệt cần đề xuất các giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện tính toán và xếp hạng điểm số giữa các quốc gia về bộ chỉ số hoạt động môi trường.

Hoàng Thị Hiền, Hoàng Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trtrường số 7/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Environmental Performance Index 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020, 2022, 2024. Yale Center for Environmental Law & Policy. (https://epi.yale.edu/)

2. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2019), Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) và đề xuất giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời về tài nguyên và môi trường trong Bộ chỉ số GII”.

3. Hoàng Thị Hiền và cộng sự (2020), Đánh giá xu hướng nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam giai đoạn 2010-2018 thông qua Bộ chỉ số Hoạt động môi trường- EPI.

4. Vũ Thị Thanh Nga và cộng sự (2022), Các vấn đề môi trường của Việt Nam trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022.

Ý kiến của bạn