Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Thực trạng, giải pháp bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp

06/04/2021

     Theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, cụm công nghiệp (CCN) được gọi chung là khu công nghiệp do có chung đặc điểm đều là những khu vực sản xuất tập trung của nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, do việc hình thành các CCN hầu hết không theo quy hoạch, chủ yếu là khu vực để các địa phương di dờinhững cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, hoặc cấp phép hoạt động cho loại hình doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm tại địa phương. Vì vậy, các CCN được thành lập hầu hết có quy mô nhỏ (từ vài ha đến vài chục ha) và chỉ nằm trong phạm vi quản lý của địa phương; không phải là những khu sản xuất tập trung (khu công nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, nên việc quy hoạch BVMT và chủ thể quản lýở mỗi địa phương đối với các CCN cũng rất khác nhau. Quy mô sản xuất của các dự án đầu tư trong CCN đa số là nhỏ và vừa, hoặc chỉ tương đương quy mô hộ gia đình; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về giao thông và BVMT tại các CCN cũng còn hạn chế. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các CCN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm của nhiều địa phương trong thời gian qua.Tuy nhiên, đằng sau đó là những nỗi lo về công tácBVMT tại các CCN.

     Thực trạng BVMT tại các CCN

     Quá trình quản lý môi trường tại các CCN thời gian qua cho thấy, công tác BVMT tại các CCN luôn là vấn đề nóng và khó giải quyết, đặc biệt là tại các CCN làng nghề (CCN làng nghề Giấy Phong Khê, Bắc Ninh; CCN Dệt - nhuộm Thái Phương, Thái Bình…).

     Nhìn chung, các CCN đều cóchung những tồn tại,hạn chế, cần được quan tâm giải quyết:

     Thứ nhất, thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật về BVMT.Do hầu hết các CCN được hình thành để giải quyết những bức xúc về môi trường, nên để đảm bảo di dời nhanh chóng, thay vì phải quy hoạch, đầu tư hạ tầng CCN thì công đoạn rất quan trọng này gần như bị bỏ qua. Sau khi CCN được lấp đầy, mới quy hoạch đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải (XLNT) và thoát nước mưa, gây khó khăn khi triển khai. Nhiều CCN khi hình thành, cơ sở hạ tầng chưa có và đều do các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để đầu tư nên khá manh mún, thiếu đồng bộ. Khi thực hiện chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn, nhiều CCN gần như không thể thực hiện, hoặc chỉ giải quyết theo hướng bắt buộc phải lựa chọn quy hoạch hạ tầng kỹ thuật theo hiện trạng xây dựng, do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, rất phức tạp và tốn kém. 

     Thứ hai, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là tình trạng chung và phổ biến tại nhiều CCN. Do áp lực thời gian và thiếu chủ đầu tư hạ tầng ngay từ đầu, nên hầu hết các CCN trước đây không có ĐTM, do đó, gây ra những hệ lụy về môi trường. Thậm chí, một số CCN đã trở thành điểm nóng về môi trường tại địa phương; do tập trung nhiều cơ sở sản xuất trong một khu vực, nhưng không cóĐTM, có CCN ở vị trí không phù hợp (trong nội thành, nội thị, gần khu dân cư….).

     Thứ ba, xử lý chất thải CCN còn bất cập và hạn chế. Đối với các khu sản xuất tập trung, vấn đề môi trường lớn nhất là XLNT, đặc biệt đối với CCN, các cơ sở hoạt động có phát sinh nhiều nước thải. Để giải quyết bài toán XLNT phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với các công đoạn: Đấu nối - thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này, trong điều kiện không có quy hoạch ngay từ khi hình thành CCN là vấn đề rất nan giải, điều này lý giải tại sao nhiều CCN hiện nay không có hệ thống XLNT tập trung.

     Do các cơ sở sản xuất trong CCN hầu hết quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế thấp, vì vậy, chất thải phát sinh lớn, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí xử lý chất thải, nên việc xử lý chất thải rắn và đầu tư hệ thống xử lý khí thải không được quan tâm, dẫn đến nhiều CCN bịô nhiễm về chất thải rắn, khí thải công nghiệp.

     Thứ tư, không phân định phân khu chức năng. Trong các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, việc quy hoạch phân khu chức năng là hết sức quan trọng, nhằm triệt tiêu khả năng những loại hình sản xuất trong CCN có thể tương tác, mâu thuẫn về môi trường, gây khiếu kiện. Do việc quy hoạch phân khu chức năng chỉ được đánh giá, hoạch định trong ĐTM,nên khi nhiều CCN hoạt động không có ĐTM, sẽ phát sinh mâu thuẫn, tương tác về môi trường khi các dự án trong CCN đi vào hoạt động.

     Thứ năm, cảnh quan môi trường bị phá vỡ, khó đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh, thảm cỏ. Do không được quy hoạch ngay từ đầu nên việc xây dựng hạ tầng giao thông trong CCN và hệ thống cây xanh, thảm cỏ, công trình phụ trợ dọc các tuyến đường nội bộ CCN được tiến hành một cách chắp vá. Tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ cũng thấp, theo quy định của Bộ Xây dựng, đối với các khu sản xuất tập trung, tỷ lệ này trước đây là 20%, hiện nay quy định không dưới 10% diện tích CCN; tuy nhiên, do thiếu quy hoạch từ đầu, nên nhiều CCN khó đạt tỷ lệ này.

Để giải quyết bài toán XLNT tại CCN phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu

     Thứ sáu, không có chủ đầu tư hạ tầng CCN. Đối với các khu sản xuất tập trung, việc có chủ đầu tư hạ tầng đồng nghĩa với việc khu sản xuất tập trung đó sẽ được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng về môi trường. Vì vậy, các CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng CCN sẽ do Trung tâm phát triển CCN, Ban Quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, một số tỉnh do Sở Công Thương, hoặc một số CCN giao Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý. Nguyên nhân các CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng chủ yếu là do diện tích CCN khá nhỏ; việc đầu tư gặp nhiều khó khăn; một số CCN mới thành lập được quy hoạch hạ tầng, có chủ đầu tư,nhưng đều phấn đấu để được bổ sung vào quy hoạch và nâng hạng thành khu công nghiệp. Việc đầu tư hạ tầng CCN nếu chỉ sử dụng ngân sách, mà không phải từ nguồn xã hội hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp và công tác BVMT tại các CCN cũng sẽ không được quan tâm theo đúng nghĩa.

     Tăng cường công tácBVMT tại các CCN

    Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác BVMT tại các CCN, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể:

     Một là, đối với các CCN hiện hữu,c ần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp trong việc rà soát lại các CCN đã thành lập trên địa bàn để có phương án quy hoạch đầu tư hạ tầng CCN thông qua việc hoàn thiện ĐTM; quy hoạch hạ tầng, kể cả phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng CCN hoàn chỉnh, đồng bộ. Tạm dừng việc quy hoạch phát triển các CCN thay bằng khu công nghiệp, chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án mới vào CCN đã có đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

     Hai là, đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư hạ tầng CCN, thay vì nguồn ngân sách nhà nước.

     Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai mạnh mẽ chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất trong CCN; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

    Bốn là, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường CCN và các cơ sở sản xuất trong CCN; cần giám sát đặc biệt đối với các CCN đang là điểm nóng, bức xúc về môi trường để từng bước yêu cầu hoàn thiện thủ tục môi trường đầu tư hạ tầng CCN và xử lý chất thải tại CCN, hoặc cơ sở trong CCN.

     Rõ ràng, phát triển công nghiệp luôn là trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có vai trò không thể thiếu của các CCN, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và UBND các cấp nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các CCN trong thời gian tới.

Hoàng Văn Vy - Phó cục trưởng

Cục BVMT miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2021)

Ý kiến của bạn