Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên ngành trên lưu vực sông Cầu

05/01/2021

    Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 171/2007/QĐ -TTg ngày 14/11/2007, là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện "Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu". Việc thành lập các Ủy ban BVMT LVS Cầu đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác BVMT nói chung và BVMT LVS nói riêng. Chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu được chuyển giao luân phiên cho Chủ tịch UBND các tỉnh thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của từng địa phương trong nỗ lực BVMT đối với toàn lưu vực. Đặc biệt, Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh đã được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật BVMT năm 2020. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu.

Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu

PV: Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện đề án BVMT LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020?

Ông Nguyễn Dương Thái: Qua 14 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trên LVS, việc triển khai Đề án BVMT LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

    Trong 5 nhiệm kỳ (2006 - 2020), Ủy ban BVMT LVS Cầu đã tổ chức thành công được 15 Phiên họp và 1 Hội nghị tổng kết cùng 5 Lễ chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu; đã đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án BVMT LVS Cầu tại từng địa phương, thống nhất kế hoạch triển khai trên toàn LVS; đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo. Ủy ban BVMT LVS Cầu đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện triển khai Đề án BVMT LVS Cầu. Văn phòng Ủy ban BVMT LVS Cầu đã có nhiều nỗ lực giúp Ủy ban chuẩn bị các Phiên họp, xây dựng các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề BVMT LVS Cầu nói riêng và LVS nói chung.

    Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT LVS từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT LVS Cầu như Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/1/2018; Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định đánh giá khả năng tiếp nhận và đánh giá sức chịu tải của sông, hồ; Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính trình Chính phủ/Thủ tướng ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 807/QĐ-TTg, trong đó có dự án ưu tiên về xử lý nước thải trên LVS Cầu. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2009/TT-BTC ngày 22/1/2009 về Hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án BVMT LVS; Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN trên LVS Cầu đến năm 2030” và “Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên LVS Cầu đến năm 2020”. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ TN&MT chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT về hướng dẫn về quản lý và BVMT trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa; tăng cường công tác quản lý, giám sát các dự án nạo vét tận thu cát, thanh thải chướng ngại vật nhằm đảm bảo an toàn giao thông và BVMT LVS Cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi chi tiết LVS Cà Lồ tại Quyết định số 3898/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/9/2016; Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về lĩnh vực môi trường…

    Các tỉnh trên LVS Cầu cũng đã ban hành hơn 100 văn bản thực thi tại địa phương tập trung vào xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, điển hình như: Quyết định số 54/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh về quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND18 ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về quan điểm và nguyên tắc xử lý ÔNMT nông thôn và ÔNMT làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh... Đến nay, 6/6 tỉnh cơ bản hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đặt ra theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg.

    Cùng với đó, các tỉnh đã triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong lưu vực như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn, dự án Nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Kạn, lò đốt rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày, đêm và đưa vào vận hành vào cuối năm 2017; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; kiểm soát xả thải của các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình xử lý chất thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại… Đây là những sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LVS.

    Ngoài ra, các dự án có nguồn ngân sách từ Trung ương, giai đoạn 2013-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh với các dự án xử lý ô nhiễm trọng điểm; nguồn vốn ODA đã triển khai nhiều dự án như “Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Cầu bằng việc kiểm soát và xử lý các chất thải hữu cơ có độ bền cao trong nước rỉ rác bằng phương pháp ôxy hóa nâng cao kết hợp sinh học”, thí điểm tại bãi rác Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc LVS Cầu; Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS” trong 3 năm từ 2016-2018; cập nhật thông tin về nguồn thải và cơ sở dữ liệu môi trường về LVS Cầu…

    Đặc biệt, công tác thanh tra kiểm tra được tiến hành cả cấp Trung ương và địa phương. Giai đoạn 2015 - 2019, Bộ TN&MT phối hợp với các Sở TN&MT tiến hành thanh, kiểm tra 345 cơ sở trên 6 tỉnh, trong đó 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 12 tỷ đồng. Giai đoạn 2006 - 2020, Bộ Công an (lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) đã tiến hành trực tiếp xử lý 4.000 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 72,5 tỷ đồng; các địa phương thanh tra, kiểm tra hơn 8.181 sở và xử lý nghiêm 1.437 cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền hơn 77 tỷ đồng. Mặt khác, trên LVS Cầu không phát sinh cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng mới. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 48/52 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 92,3%. Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, có 18/20 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 95,7%)...

    Có thể nói, việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ đã được triển khai và có các bước chuyển biến mới. Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh, kịp thời giải quyết các phản ánh từ thông tin báo chí, người dân như tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

PV: Để ngăn chặn các nguồn thải gây ÔNMT trên LVS Cầu, tỉnh Hải Dương đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Dương Thái: Là tỉnh nằm cuối LVS, có diện tích thuộc LVS ít nhưng Hải Dương lại chịu ảnh hưởng lớn từ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực thượng lưu. Gần đây nhất, từ ngày 1 - 2/12/2020 hoạt động xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê làm cho nước sông Cầu chảy qua địa phận các xã Quang Châu, Vân Trung của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối, cá chết nổi trên mặt nước có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương. Trước thực trạng nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tác động của các nguồn thải gây ÔNMT trên LVS.

    Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản về BVMT, kiểm soát ô nhiễm trên LVS như: Chỉ thị số 5/2007/CT-UBND ngày 26/2/2007 của UBND tỉnh về việc “Nghiêm cấm xả nước thải không đạt tiêu chuẩn vào môi trường”; Quyết định số 3522/QĐ-UBND ngày 4/10/2007 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Quy hoạch BVMT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 18/6/2010 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2007 - 2020; Chỉ thị số 15/2011/CT-UBND ngày 31/5/2011 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước…

    Đồng thời, tỉnh luôn tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT; không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến BVMT tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về BVMT và biến đổi khí hậụ tới mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức các chương trình chung sức BVMT hưởng ứng các ngày kỷ niệm về môi trường như: Ngày quốc tế Đa dạng sinh học; Môi trường thế giới 5/6 và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…; giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Môi trường và cuộc sống” phát sóng vào tối thứ năm đầu tiên hàng tháng; chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định mới trong lĩnh vực TN&MT đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các hội, đoàn thể trong tỉnh (Ủy ban Mặt trân Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ) cũng đã có nhiều nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, các quy định của địa phương về công tác BVMT như: Xây dựng mô hình điểm “khu dân cư tự quản BVMT”; duy trì hoạt động của các mô hình, Câu lạc bộ, Đội Thanh niên tình nguyện BVMT, tổ chức trồng nhiều cây xanh…

    UBND tỉnh cũng đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong công tác lập báo cáo ĐTM và nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá việc thực hiện báo cáo ĐTM. Tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có yếu tố nhạy cảm với môi trường, hoặc có nguồn xả thải lớn đều được đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư và cho thuê đất. Từ năm 2007 đến ngày 15/12/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáo ĐTM cho 884 dự án đầu tư; phê duyệt đề án BVMT chi tiết cho 113 cơ sở; Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xác nhận kế hoạch BVMT cho trên 1.700 dự án (trước đây là bản cam kết BVMT) và khoảng 100 đề án BVMT đơn giản; xác nhận hoàn thành các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án cho trên 190 cơ sở. Đặc biệt, tỉnh tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật BVMT và các quy định của UBND tỉnh. Từ năm 2009 đến hết năm 2019, đã thanh tra, kiểm tra: khoảng trên 1.100 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh; xử phạt vi phạm hành chính đối với 270 doanh nghiệp với tổng số tiền 11,814 tỷ đồng...

PV: Luật BVMT năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua đã quy định trách nhiệm của UBND các cấp (Điều 168), trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hải Dương có giải pháp gì để đẩy mạnh công tác BVMT nói chung và môi trường trên LVS Cầu nói riêng?

Ông Nguyễn Dương Thái: Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật BVMT với 16 Chương, 171 Điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 29, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021). Khi Luật được ký ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Rà soát, tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường; các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về BVMT của địa phương; tăng cường chất lượng trong khâu thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM; cấp, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp.

    Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền; BVMT di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường theo quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường của địa phương; thông tin, cảnh báo về ÔNMT theo quy định của pháp luật; tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo môi trường; truyền thông, phổ biến kiến thức, pháp luật về BVMT; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về BVMT. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật; tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT.

Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020 và định hướng giai đoạn tiếp theo tổ chức ngày 4/12/2020, tại TP. Hải Dương

PV: Tại Điều 8 và 9 của Luật BVMT năm 2020 cũng quy định về hoạt động, kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ triển khai những hoạt động gì để xây dựng và thực hiện Kế hoạch?

Ông Nguyễn Dương Thái: Theo nội dung của Luật BVMT năm 2020, Điều 8 có quy định về “Hoạt động BVMT nước mặt” và Điều 9 quy định về “Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt”. Hai nội dung này đã được giao Chính phủ và Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể. Sau khi có hướng dẫn cụ thể, tỉnh sẽ tiến hành triển khai ngay các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt.

    Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và Bộ TN&MT, UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật BVMT cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung vào các nội dung tuyền truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hạn chế phát thải nhựa, túi ni lông, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường để giảm lượng chất thải phát sinh. Đẩy mạnh phối hợp trong quản lý và BVMT (thẩm định, thu hút đầu tư; thanh tra, kiểm tra, xủ lý vi phạm; quá trình xử lý thông tin, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thông tin về môi trường...). Xây dựng và triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

    Đồng thời, tăng cường kiểm soát, giám sát công tác BVMT các dự án có nguồn thải lớn, các loại hình hoạt động có nguy cơ gây ÔNMT: Hoàn thành các công trình BVMT trước khi đi vào hoạt động, thực hiện quan trắc môi trường tự động theo quy định... Tiếp tục lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc môi trường nước, môi trường không khí tự động liên tục trên địa bàn tỉnh để theo dõi, giám sát diễn biến môi trường nước, môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và trình ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với việc thu hút các nhà máy xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến (đốt phát điện, các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất các sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt hoặc các công nghệ khác thân thiện với môi trường, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 10%) và yêu cầu các nhà máy xử lý rác thải hiện tại phải nghiên cứu, chuyển đổi công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo thu gom, xử lý nước thải, mùi và khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải. Hướng tới mục tiêu thu gom, xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh để xử lý theo công nghệ tiên tiến, không áp dụng hình thức chôn lấp rác thải như hiện tại.

    Để đáp ứng yêu cầu BVMT trong giai đoạn tới, tỉnh đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật BVMT và các quy định của UBND tỉnh, kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng kéo dài không đầu tư xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép theo tiến độ quy định của UBND tỉnh; Rà soát, đánh giá và tham mưu quy định quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Tập trung vào đầu tư cho các cơ quan quản lý (thiết bị quan trắc, phân tích,...); đầu tư hạ tầng ngoài KCN, có cơ chế cho đầu tư hạ tầng KCN, CCN để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN. Có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, cán bộ làm công tác quản lý và BVMT các cấp (đặc biệt là cấp huyện, xã); Hướng dẫn và kiểm tra tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về BVMT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)

 

Ý kiến của bạn