Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam

07/09/2021

     Ô nhiễm chất thải nhựa (CTN) là một trong những thách thức môi trường lớn nhất toàn cầu. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể CTN, gây áp lực không nhỏ lên môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong khi đó, công tác quản lý CTN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Vì thế, việc xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý CTN ở Việt Nam là rất cần thiết, nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.

     Thực trạng và thách thức trong công tác quản lý CTN ở Việt Nam

     Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc tộ tăng trưởng của ngành nhựa trung bình là 15%/năm, đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó, sản phẩm nhựa bao bì (các loại túi ni lông, chai lọ nhựa, bao bì hàng hóa…) chiếm 36%; nhựa vật liệu xây dựng, đồ gia dụng và các loại dành cho ngành công nghiệp điện tử, điện, giao thông vận tải lần lượt chiếm khoảng 16%, 36% và 12% tương ứng. Cùng với sự gia tăng các sản phẩm nhựa đã kéo theo lượng lớn CTN thải ra môi trường, gây tác hại cho môi trường và hệ sinh thái, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, bởi CTN có đặc tính bền, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

     Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu), mỗi năm, lượng rác thải nhựa thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông khó phân hủy. Điều đáng nói là với lượng CTN thải ra môi trường lớn như vậy, nhưng việc phân loại, thu gom, tái chế và xử lý CTN còn hạn chế, chỉ có khoảng 11 - 12 % lượng CTN, túi ni lông được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra môi trường. Trong khi, CTN phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại, thu gom thường mang tính tự phát ở quy mô hộ gia đình. Nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất đa phần được thu gom rồi, bán cho cơ sở tái chế. CTN và túi ni lông được thu gom từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng được vận chuyển và xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm CTN và túi ni lông khó phân hủy chủ yếu được thực hiện bằng biện pháp chôn lấp; hoạt động tái chế CTN diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhỏ, có vốn đầu tư hạn chế, công nghệ lạc hậu, lỗi thời… nên hiệu quả chưa cao. Nhựa phế liệu chủ yếu được tái chế thành hạt nhựa và các sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất, tuy nhiên, do phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa tốt nên giá trị thu hồi thấp. Cùng với đó, nhận thức của người dân về tác hại của CTN, cũng như phân loại rác còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải tại Việt Nam.

     Căn cứ pháp lý để ban hành Đề án tăng cường công tác quản lý CTN ở Việt Nam

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý CTN và túi ni lông khó phân hủy, thời gian qua, Chính phủ, Bộ TN&MT đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa thông qua việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý CTN như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu CTN; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 13/8/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý CTN ở Việt Nam (gọi tắt là Đề án). Theo đó, Bộ đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc góp ý cho Dự thảo Đề án; tổ chức các cuộc họp, hội thảo tham vấn, lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nhằm sửa đổi và hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.

Bãi biển ngập rác thải nhựa và túi ni lông tại Tuy Phong (Bình Định)

     Ngoài ra, trên cơ sở các nội dung liên quan đến công tác quản lý CTN tại Điều 73 của Luật BVMT năm 2020 (Điều 73. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTN, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương), Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát, hoàn thiện Dự thảo Đề án để phù hợp với Luật BVMT năm 2020 và đồng bộ với Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu CTN.

     Một số nội dung cơ bản của Đề án

     Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý CTN ở Việt Nam. Đây là Đề án tổng thể trong lĩnh vực quản lý CTN, với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cũng như phân công rõ ràng trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương, đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

     Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng CTN phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần hoạt động sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ CTN, túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

     Để thực hiện những mục tiêu trên, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

     Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý CTN và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý CTN: Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần đánh giá tổng thể thực trạng sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tình hình sản xuất và nhập khẩu sản phẩm hàng hóa chứa vi nhựa, ảnh hưởng của vi nhựa đến môi trường; phát sinh, thu gom, tái chế, xử lý CTN và đề xuất các giải pháp, chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, cần điều tra, thống kê, phân loại và đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, xử lý, quản lý CTN từ các hoạt động trên biển và hải đảo Việt Nam; đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, đánh giá việc triển khai các hoạt động thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm nhựa; thu thuế BVMT đối với hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy, đề xuất tăng thuế BVMT vào thời điểm thích hợp; Xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa; quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì nhựa; Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; Xây dựng chính sách đồng bộ để phân loại, thu gom, tái chế, xử lý CTN tại nguồn phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế CTN…

     Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý CTN: Theo đó, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; chuyển đổi công nghệ sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ, nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý CTN ở Việt Nam và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; Thúc đẩy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…

     Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý CTN và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường: Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông, hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, phong trào chống rác thải nhựa. Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom CTN trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý CTNtrên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển); Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý CTN phát sinh từ hoạt động du lịch biển, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản; giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế CTN thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác; các thiết bị thu gom, vận chuyển CTN trên sông, suối, kênh, rạch, vùng biển. Tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm…

     Nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm quản lý chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TN&MT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm cụ thể cho 11 Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai Đề án. Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm quản lý đang chủ động xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện Đề án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

ThS. Nguyễn Thành Lam

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2021)

 

Ý kiến của bạn