Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận trong thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

03/02/2021

    Ngày 26/12/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN) và Bộ TN&MT đã ký kết Chương trình phối hợp số 20/CTrPH-MTTW-BTNMT về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, hai bên cơ bản đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ đề ra, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQVN, các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT.

Công tác phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt được nhiều kết quả nổi bật

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTWMTTQVN Hầu A Lềnh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực TN&MT

    Theo đó, triển khai Chương trình phối hợp số 20/CtrPH-MTTW-BTNMT, Ban Thường trực UBTWMTTQVN đã ban hành hướng dẫn UBMTTQVN các tỉnh, thành phố xây dựng mô hình điểm khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH; phối hợp với Bộ TN&MT ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình phối hợp số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT ngày 8/11/2017 giữa Ban Thường trực UBTWMTTQVN với các tổ chức thành viên và Bộ TN&MT trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, tạo cảnh quan Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp và hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Hàng năm, Ban Thường trực UBTWMTTQVN ban hành kế hoạch triển khai, hướng dẫn UBMTTQ các cấp, các tổ chức thành viên tăng cường phối hợp với ngành TN&MT thực hiện nhiệm vụ BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH ở địa phương, cơ sở; các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6... Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQVN với Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017 - 2020, lồng ghép với việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống MTTQVN các cấp.

    Các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT đã được tập trung hướng về cơ sở dưới nhiều hình thức như: Trong các đợt cao điểm tổ chức Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm, Ngày truyền thống MTTQVN (18/11), Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đều tổ chức Lễ mít tinh, treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền. Đồng thời, huy động sự tham gia trực tiếp của cộng đồng thông qua việc ra quân làm vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý chất thải, rác thải; khuyến khích tái chế, tái sản xuất, tái sử dụng chất thải nhựa; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM); hỗ trợ người dân thích ứng với BĐKH… Cùng với các hoạt động hưởng ứng, MTTQVN các cấp đã đồng loạt tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới tại 5.393 khu dân cư với hơn 647 nghìn lượt người tham dự; khơi thông gần 103 nghìn km dòng chảy; trồng hơn 2,8 triệu cây xanh; thu gom hơn 1.860 nghìn m3 rác thải; huy động nhân dân đóng góp vật tư và khoảng 8,2 triệu ngày công (quy ra tiền là hơn 168 tỷ đồng…). Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã tổ chức 517.307 hội nghị, hội thảo, tọa đàm nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tham gia phản biện, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, như: Luật BVMT năm 2020 và các dự thảo Luật, Nghị định liên quan đến công tác BVMT; thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH để báo cáo trước các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, Ban Thường trực UBTWMTTQVN, Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát tại 10 tỉnh, thành phố; hướng dẫn UBMTTQ địa phương thực hiện rà soát tại những nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở xã, phường, thị trấn, báo cáo lên cấp trên để tổng hợp, xem xét, giám sát. Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp đã triển khai 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh đến các cơ quan Đảng, chính quyền, báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân…

     Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phối hợp giữa UBMTTQ, các tổ chức thành viên với cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT các cấp, hàng năm, Ban Thường trực UBTWMTTQVN phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Tính đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức được 12 lớp tập huấn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho 1.850 cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp xã, khu dân để cập nhật kiến thức về BVMT, trên cơ sở đó, triển khai công tác xây dựng mô hình điểm ở cộng đồng khu dân cư; Ban Thường trực UBMTTQ các cấp phối hợp với ngành TN&MT tổ chức 2.348 lớp tập huấn về BVMT, thu hút 352.200 người là các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia. Riêng năm 2020, tổ chức 14 hội nghị tập huấn cho hơn 2.500 chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo.

    Công tác xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm cộng đồng dân cư BVMT cũng được chú trọng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực UBTWMTTQVN đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm BVMT, tiêu biểu như mô hình vận động nhân dân ở khu dân cư tổ chức việc tang văn minh, tiến bộ và BVMT (hỏa táng); mô hình khu dân cư tự quản BVMT gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; mô hình lồng ghép nhiệm vụ BVMT, ứng phó với BĐKH trong Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và BVMT gắn với nhiệm vụ ứng phó với BĐKH... Từ các mô hình điểm do Ban Thường trực UBTWMTTQVN hỗ trợ, đến nay, 50/50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì, nhân rộng được 40.626 mô hình điểm, trong đó, đáng chú ý là Hưng Yên với 3.527 mô hình, Bắc Giang (2.517 mô hình), Tuyên Quang (1.797 mô hình), Quảng Nam (3.590 mô hình), Bến Tre (1.891 mô hình), Long An (997 mô hình) và Trà Vinh (905 mô hình…).

    Bên cạnh việc triển khai Chương trình phối hợp số 20/CtrPH-MTTW-BTNMT, Ban Thường trực UBTWMTTQVN còn phối hợp với Bộ TN&MT cùng lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó BĐKH với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp. Qua 5 năm triển khai, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết Chương trình hoặc kế hoạch phối hợp 3 bên giữa Mặt trận, Sở TN&MT, các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh, trong đó, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp đến cấp huyện.

Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN Ngô Sách Thực và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trao Bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH lần thứ hai tại TP.Huế năm 2019

Bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

    Có thể khẳng định, Chương trình phối hợp đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả rõ nét, cụ thể, thiết thực; công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc BVMT ngày cang đi vào chiều sâu, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất, cảnh quan... Qua đó, hình thành thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định BVMT tại cộng đồng dân cư. Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm trong giám sát việc BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn khu dân cư.

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bên cũng tồn tại một số hạn chế nhất định: Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; công tác sơ kết, tổng kết để nhân rộng mô hình và khen thưởng còn hạn chế; việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn cho cán bộ Mặt trận chưa được thực hiện thường xuyên; một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý, BVMT, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tại địa phương; chưa phát huy được trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư. Mặt khác, nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước và cam kết BVMT; sự phối hợp tổ chức các hoạt động giữa Mặt trận các tỉnh, thành phố và Sở TN&MT chưa thường xuyên, có nơi hiệu quả chưa cao, mới dừng lại ở hoạt động bề nổi, chưa có điều kiện đi sâu nắm bắt, giúp địa phương tháo gỡ, giải quyết khó khăn…

    Để Chương trình phối hợp giữa hai bên thực sự phát huy hiệu quả, trước hết, phải cụ thể hóa nội dung BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH thành các chương trình, kế hoạch công tác và tiêu chí thi đua trong Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; kết hợp BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH với việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa; xã NTM, phường, thị trấn văn minh, bình xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hàng năm; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận khu dân cư những tài liệu mới nhất về lĩnh vực TN&MT; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành sơ kết, tổng kết việc nhân rộng mô hình điểm, điển hình tiên tiến về BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, xác định công tác chỉ đạo, xây dựng mô hình điểm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển phong trào, trong đó, cần chú trọng đến việc chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm; biết phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín và tính tự quản ở cộng đồng dân cư. Hơn nữa, phải có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, công tác phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về cơ chế, đảm bảo kinh phí của chính quyền, ngành TN&MT, các tổ chức thành viên cũng như sự đồng tình hưởng ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân trong việc BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH.

    Hiện thực hóa mục tiêu đề ra, thời gian tới, UBTWMTTQVN sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm sau:

    Thứ nhất, cụ thể hóa nhiệm vụ đã được xác định trong Chương trình hành động của MTTQVN khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; các chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm giữa UBTWMTTQVN với các tổ chức thành viên, Bộ TN&MT về quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH, BVMT;

    Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân về quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH, BVMT, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh \ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chấp hành Luật BVMT năm 2020 của mỗi người dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư…;

    Thứ ba, UBMTTQVN các cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tiếp tục vận động nhân dân thực hiện, nhân rộng các mô hình điểm BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các tôn giáo nâng cao hiệu quả Chương trình Toàn dân tham gia BVMT, góp phần xây dựng diện mạo khu dân cư NTM, đô thị văn minh, Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, khu dân cư văn hóa. Duy trì tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư về BVMT, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác BVMT;

    Thứ tư, đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc MTTQVN các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH; phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT; tham gia xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật BVMT ở địa phương, cơ sở;

    Thứ năm, tăng cường hoạt động phối hợp với ngành TN&MT trong công tác giám sát, kiểm tra, tập hợp ý kiến của nhân dân về việc triển khai thực hiện các nội dung chương trình, dự án liên quan đến môi trường; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, các tôn giáo về lĩnh vực TN&MT, gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật về lĩnh vực TN&MT.

    Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến…

Vũ Đình Long

Phó trưởng ban Tuyên giáo

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2021)

 

Ý kiến của bạn