Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế

30/12/2021

    Trong những năm qua, hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được thành tựu về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao và an ninh - quốc phòng... Bên cạnh tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng về kinh tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) cũng được quan tâm thúc đẩy. Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TN&MT nói riêng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đồng thời mang lại những lợi ích về nhiều mặt cho đất nước.

    Ngày nay, hội nhập và hợp tác quốc tế về lĩnh vực TN&MT tiếp tục diễn biến theo xu thế sâu hơn về nội dung, mức độ và rộng hơn về phạm vi, hình thức. Xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế đã và đang mang lại nhiều lợi ích, cơ hội, tiềm năng cho các quốc gia, nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Một số xu hướng chính trong hội nhập và hợp tác quốc tế lĩnh vực TN&MT có thể được khái quát như: Phạm vi, quy mô, mức độ ngày càng lớn, nghĩa vụ, mức độ ràng buộc về pháp lý ngày càng tăng; đa dạng, phong phú về nội dung và lĩnh vực, tiếp tục hình thành nhiều  khuôn khổ hoặc “sân chơi” quốc tế với nhiều “luật chơi” mới ở nhiều quy mô về địa lý, vùng, khu vực, toàn cầu; yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm tăng khi tham gia, kèm theo sự đầu tư và đóng góp tài chính tăng; có mối liên hệ ngày càng nhiều đến kinh tế, có ảnh hưởng và đóng góp nhiều trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và quá trình phát triển kinh tế của đất nước; cơ chế đánh giá, giám sát việc thực thi các nghĩa vụ ngày càng chặt chẽ kèm theo chế tài xử lý khi không tuân thủ và thực thi nghĩa vụ đã cam kết.

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BVMT góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế

    Để đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế và các xu hướng hiện nay của hội nhập quốc tế về TN&MT, Chương XII Luật BVMT năm 2020 đã được xây dựng trong đó có các quy định nhằm tạo khung pháp lý đổi với các hoạt động liên quan đến hội nhập và hợp tác quốc tế, cụ thể như sau:

1. Thiết lập nguyên tắc cho các hoạt động liên quan đến hội nhập và hợp tác quốc tế lĩnh vực TN&MT

    Theo xu thế hội nhập và phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế về TN&MT đã diễn ra theo hướng sâu rộng, đa dạng về mức độ, nội dung, hình thức, ngày cảng trở nên đa dạng, phức tạp, đôi khi nhạy cảm và có ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia. Do vậy, Luật BVMT năm 2020 đặt ra một số nguyên tắc cụ thể để điều chỉnh các hoạt động liên quan, nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia các hoạt động như đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế, các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực này. Các hoạt động này được thực hiện trên cơ sở xem xét ưu tiên đối với những điều ước và thỏa thuận quốc tế có lợi cho việc BVMT của quốc gia, khu vực và toàn cầu, phù hợp với lợi ích, năng lực của quốc gia.

    Với xu hướng mức độ ràng buộc về pháp lý ngày càng tăng trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực môi trường, thực tế đã dẫn đến những nguy cơ và rủi ro nhất định liên quan đến tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực này. Tranh chấp quốc tế có thể phát sinh trong việc tuân thủ và thực hiện các cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới (có ràng buộc pháp lý và áp dụng chế tài đối với trường hợp không thực hiện đúng hoặc không thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết). Vì vậy, Luật BVMT năm 2020 bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp, đặt ra nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo và phù hợp với quy định pháp luật trong nước, nhằm tránh rủi ro, bất lợi cho Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp về môi trường.

2. Quy định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về BVMT

    Đối với Nhà nước, có vai trò, trách nhiệm chính là định hướng, khuyến khích các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước như đối với các lĩnh vực quản lý và bảo vệ các thành phần môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; có trách nhiệm bảo đảm về nguồn lực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường; thiết lập các cơ chế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, hợp tác,hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động BVMT quốc gia, đồng thời ứng phó, giải quyết sự cố môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường ở phạm vi khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới.

    Đối với tổ chức và cá nhân, Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về BVMT trong quá trình hội nhập, hướng tới nâng cao uy tín của doanh nghiệp nhằm mở rộng thương mại quốc tế, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế đóng góp và hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và của Việt Nam đối với quốc tế trong các nỗ lực BVMT.

    Với các nguyên tắc được thiết lập và trách nhiệm của các đối tượng liên quan được quy định rõ ràng, Luật BVMT năm 2020 một mặt đã tạo khung khổ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TN&MT, mặt khác đã tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động này trong giai đoạn mới, đáp ứng xu thế cũng như nhu cầu và yêu cầu của hội nhập quốc tế sâu rộng trong mọi lĩnh vực hiện nay. Về cơ bản, với các quy định khung mang tính chất định hướng và nguyên tắc, Luật BVMT năm 2020 không giới hạn phạm vi và lĩnh vực tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế miễn là các hoạt động đó tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo đó, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế ở một số nội dung và hoạt động quan trọng và có tiềm năng liên quan đến lĩnh vực môi trường sẽ có điều kiện và cơ hội được đẩy mạnh, điển hình như: Thực thi các điều ước và thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường. Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và trở thành thành viên tham gia của nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường (còn được gọi là Hiệp định đa phương về môi trường - MEAs).

    Đến nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức của khoảng 28 điều ước quốc tế và một số khuôn khổ quốc tế liên quan đến môi trường, điển hình như: Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước (RAMSAR); Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn (MONTREAL); Công ước về chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD); Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC); Công ước về đa dạng sinh học (CBD); Công ước về bảo vệ tầng ô-zôn (VIENA); Nghị định thư về an toàn sinh học (CARTAGENA); Công ước về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL); Công ước về thủ tục chấp thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong thương mại quốc tế (ROTTERDAM); Công ước về thủy ngân (MINAMATA); Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước đa dạng sinh học (NAGOYA);

    Giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới như quản lý và sử dụng tài nguyên nước, ô nhiễm không khí xuyên biên giới, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương thông qua các cơ chế và khuôn khổ hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    Xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường thông qua các công cụ và mô hình kinh tế và các giải pháp về chính sách như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), công nghệ tốt nhất hiện có (BAT).

    Xây dựng hệ thống các quy chuẩn về môi trường, hệ thống quan trắc và thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, kiểm toán môi trường.

    Đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, quy hoạch và phân vùng môi trường.

    Phát triển các công cụ kinh tế như ngành công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, mua sắm xanh, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên.

    Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho các hoạt động BVMT, truyền thông nâng cao nhận thức...

    Đối với phương thức hợp tác quốc tế, Luật BVMT năm 2020 không quy định cụ thể về phương thức và hình thức nhằm tạo điều kiện tối đa việc đa dạng hóa và sự linh hoạt về hình thức và phương thức hợp tác giữa các bên. Hợp tác quốc tế lĩnh vực môi trường có thể thông qua phương thức hợp tác song phương và đa phương dưới hình thức trao đổi kiến thức và kinh nghiệm xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng và thực hiện dự án, đầu tư liên doanh…

3. Định hướng một số giải pháp

    Để phát huy hiệu quả công tác hội nhập và hợp tác quốc tế lĩnh vực môi trường trong thời gian tới theo tinh thần của Luật, một số phương hướng, giải pháp sau đây cần được quan tâm triển khai, bao gồm:

    Một là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường giai đoạn 2022 - 2026. Hội nhập quốc tế về môi trường là hoạt động đặc thù, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức và kinh nghiệm. Do vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho nhóm các đối tượng tham gia hoặc liên quan đến các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế.

    Hai , hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về BVMT phù hợp với xu thế và tiến trình hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường. Hội nhập quốc tế nói chung và môi trường nói riêng như đã phân tích đang diễn ra theo xu thế ngày càng sâu và rộng. Cùng với xu thế này, hệ thống chính sách và quy định pháp luật trong nước cần được tiếp tục cập nhật xây dựng và hoàn thiện ở mức cao hơn, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ đã cam kết liên quan đến môi trường. Hệ thống chính sách và quy định pháp luật liên quan đến môi trường cần được xây dựng đảm bảo bằng hoặc dần tiệm cận với các tiêu chuẩn và điều kiện của quốc tế, đặc biệt đối với các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường.

    Ba , tăng cường cơ chế phối hợp trong các hoạt động hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường. Việt Nam đã hội nhập khá sâu và rộng với thế giới trong lĩnh vực môi trường thể hiện qua việc đã tham gia và là thành viên của nhiều khuôn khổ (Công ước) quốc tế liên quan. Mỗi khuôn khổ quốc tế được thiết lập đề cập một lĩnh vực liên quan đến môi trường và hiện tại việc chủ trì triển khai thực hiện các nghĩa vụ quốc tế thuộc các khuôn khổ này được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia. Để thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ đã cam kết trong các lĩnh vực có liên quan đến nhau, cần thiết phải có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở tất cả các bước và hoạt động hội nhập thông qua các cơ chế phối hợp. Thông qua các cơ chế này, vai trò và trách nhiệm chủ trì, phối hợp sẽ được xác định rõ ràng trong quá trình thực thi các nghĩa vụ quốc tế liên quan. Nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến cơ chế phối hợp sẽ hướng đến tăng cường hiệu quả của các cơ chế đã phối hợp đã có sẵn và thiết lập các cơ chế mới ở những nội dung, lĩnh vực còn thiếu.

    Bốn là, tăng cường nguồn lực tài chính cho các hoạt động nhằm nâng cao năng lực thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về môi trường; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào BVMT trong quá trình hội nhập. Hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường thông qua việc tham gia vào các sân chơi và tuân thủ các nguyên tắc của luật chơi để nhằm đạt được lợi ích thiết thực cụ thể cho quốc gia là một quá trình tự nguyện, bình đẳng và công khai. Khi đã tự nguyện tham gia vào quá trình này, đòi hỏi phải có sự đầu tư, đảm bảo về nguồn lực tài chính để thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ do các khuôn khổ quốc tế đó quy định hoặc đặt ra.

    Ngoài ra, cần phải có các cơ chế thúc đẩy và khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, cho phép sự tham gia và đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào hoạt động BVMT.

    Năm là, thúc đẩy, mở rộng mới quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tận dụng, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến cho BVMT và giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,  hoạt động BVMT đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đã và đang được phát triển và ứng dụng hiệu quả. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực môi trường nói chung giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong thời gian qua cũng đã dần được quan tâm và cần phải tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững đất nước. Cụ thể,  Việt Nam đã tham gia xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế ở phạm vi khu vực và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề môi trường xuyên biên giới và toàn cầu, gồm: Ô nhiễm môi trường (nước, không khí, khói mù); rác thải nhựa đại dương; quản lý tài nguyên; ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Sáu là, phát huy tính chủ động, vai trò tiên phong, dẫn dắt và làm chủ của Việt Nam trong các hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Đây là các giải pháp mang tính lâu dài, nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tính chủ động, vai trò tiên phong, dẫn dắt và làm chủ của Việt Nam trong các khuôn khổ và tại các diễn đàn quốc tế thông qua một số hoạt động như: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để lựa chọn và đề cử cán bộ có đủ trình độ, năng lực làm việc biệt phái, tham gia ứng cử hoặc tự nguyện vào trong hệ thống cơ quan/bộ phận quản lý, điều hành (Ban thư ký, Ban điều phối) và các nhóm công tác (chuyên gia, nhà khoa học) của các khuôn khổ quốc tế; đề xuất các sáng kiến về môi trường ở phạm vi khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất, đăng cai các sự kiện quốc tế toàn cầu liên quan đến môi trường nhằm tăng cường vai trò, ảnh hưởng, vị thế và uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Hoàng Xuân Huy

Phó Vụ trưởng -  Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN &MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn