Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 08/11/2024

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi

18/10/2023

    Nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như phát sinh điểm nóng về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 3526/UBND-KT ngày 18/9/2023 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác BVMT đối với các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý... đối với các dự án chăn nuôi lợn thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như phát sinh điểm nóng về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các trang trại chăn nuôi lợn thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của UBND cấp huyện; tiếp tục xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về BVMT và tình hình thực hiện các biện pháp BVMT trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với UBND các huyện còn lại (Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình...).

    Công an tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 5/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung tăng cường trinh sát, nắm tình hình kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi lợn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

    Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sở hữu các trang trại chăn nuôi có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thực hiện đăng ký công bố hợp quy theo quy định QCVN 01-195:2022/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Hồ chứa nước thải chăn nuôi

    UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã tăng cường triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền tại Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 5/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ công tác BVMT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định, kể cả việc tạm ngưng hoạt động dự án hoặc thu hồi dự án theo quy định. Đồng thời, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 507/UBND-KT ngày 14/2/2020.

    Cùng với đó, khẩn trương rà soát lại sự phù hợp với quy hoạch, định hướng quy hoạch cấp huyện và quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ NN&PTNT; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, các làoi động vật khác tại Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 9/5/2023 của HĐND tỉnh và quy định pháp luật khác có liên quan để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở NN&PTNT) để chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi cho phù hợp và đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, chủ động thực hiện báo cáo công tác quản lý nhà nước về BVMT trong hoạt động chăn nuôi heo tại địa phương định kỳ hàng quý theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 5013/UBND-TH ngày 22/12/2020.

    Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Bình Thuận có 46 trại lợn với hơn 370.000 con, không tính lợn con theo mẹ (tăng 9%), tất cả các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều áp dụng công nghệ cao tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuồng trại được thiết kế hiện đại bao gồm hệ thống kiểu chuồng kín, lạnh, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, hệ thống thu gom trứng, hệ thống thu gom phân… đều tự động hóa, trang thiết bị chuồng trại đều nhập khẩu từ nước châu Âu, Mỹ…

    Trong xử lý môi trường, các trang trại áp dụng công nghệ ứng dụng chế phẩm sinh học EM và mô hình khí sinh học xây dựng hầm khí biogas để hạn chế phát tán mùi hôi. Song song đó, triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng tại chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn