Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025

02/06/2022

    Nhằm triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, chương trình ưu tiên thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng MTKK giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1973/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện nội dung này, trong đó, phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ và nội dung phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung của Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Diễn biến MTKK

    Kết quả quan trắc tự động, liên tục năm 2021 cho thấy, MTKK nước ta tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các khu vực đô thị có hoạt động công nghiệp phát triển như Phú Thọ, Bắc Ninh… vẫn chủ yếu bị ô nhiễm bởi bụi PM2.5 và PM10. Đối với các thông số khác trong không khí như NO2, O3, CO, SO2 hầu hết đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tại khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng MTKK vẫn duy trì tương đối ổn định ở mức trung bình đến tốt.

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại một số trạm quan trắc tự động, liên tục tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tổng cục Môi trường (2021)

    Nồng độ bụi PM2.5 có sự khác biệt rõ giữa các vùng/miền, trong đó khu vực miền Bắc có nồng độ bụi PM2.5 cao và biến động qua các năm (tăng năm 2018 đến 2019 và giảm trong năm 2020-2021). Đối với các trạm khu vực miền Trung và miền Nam, giá trị trung bình năm của bụi PM2.5 thấp và ít biến động. Tuy nhiên, trong năm vẫn ghi nhận một số ngày có giá trị bụi PM2.5 vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 24 giờ).

Biểu đồ 2. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại một số trạm quan trắc năm 2021

Nguồn: Tổng cục Môi trường (2021)

    Năm 2021 (từ tháng 6 đến tháng 9), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông phải giảm thiểu hoặc tạm dừng. Theo đó, chất lượng MTKK tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2020, năm 2019 ở tất cả các vị trí quan trắc (khu công nghiệp, giao thông và khu dân cư).

    Kết quả quan trắc định kỳ trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021 cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm bụi diễn ra phổ biến tại hầu hết các đô thị (tại các trục giao thông và khu vực dân cư). Tương tự như thông số bụi mịn, giá trị bụi tổng TSP năm 2020 - 2021 giảm ở cả miền Bắc, Trung, Nam so với các năm trước.

    Có thể thấy, chất lượng không khí có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm. Xu hướng biến động giá trị của bụi PM10 và PM2.5 tại các tỉnh, TP miền Bắc tăng cao vào thời gian mùa Đông, ít mưa, trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau (các trạm ở Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh). Kết quả chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, chất lượng không khí tại TP. Hà Nội và một số TP khu vực miền Bắc có một số thời điểm trong năm ở mức kém, thậm chí là mức xấu, thường xuất hiện vào mùa Đông. Trong khi đó, các TP ở Nam Trung bộ, điển hình như Đà Nẵng và Nha Trang giá trị của bụi PM10 và PM2.5 ít biến động giữa các tháng trong năm. Các TP Huế, Đà Nẵng nhìn chung chất lượng MTKK vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình. Đối với các TP ở khu vực Nam bộ, giá trị thông số bụi mịn có sự phân hóa khá rõ, tăng cao trong mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 9) và giảm trong mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Tại TP. Hồ Chí Minh, vào mùa khô cũng ghi nhận chất lượng MTKK chạm mức xấu.

Tập trung nguồn lực quản lý chất lượng MTKK

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật

    Để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung trong Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng MTKK giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng MTKK theo quy định của Luật BVMT năm 2020; rà soát Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT để triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn được giao về quản lý chất lượng MTKK; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm MTKK để, hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2022.

    Trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ TN&MT sẽ triển khai thực hiện thường xuyên một số nội dung như: Rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải; Triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo định hướng hội nhập quốc tế, giai đoạn 2020 - 2022 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2587/QĐ-BTNMT; Rà soát các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí xung quanh, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam (phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn máy), đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

    Đối với khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ  lưu hành ở Việt Nam (bao gồm phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam), Bộ TN&MT tiến hành rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể, trong quý IV năm 2022, Bộ TN&MT sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải phương tiện xe mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới mức 4… Với MTKK liên vùng, liên tỉnh, Bộ TN&MT sẽ tổ chức điều tra, khảo sát, làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương về  lĩnh vực quản lý chất lượng MTKK. Trong tháng 12/2022, sẽ xây dựng Dự thảo quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng MTKK liên vùng, liên tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, ký ban hành. Còn với các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường, Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng sẽ tổ chức nghiên cứu các quy định về chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ thân thiện với môi trường trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Trong giai đoạn 2022 - 2023, xây dựng và trình ban hành tiêu chí nhãn sinh thái đối với sản phẩm, phương tiện, dịch vụ giao thông vận tải thân thiện với môi trường.

Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải

    Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, giai đoạn 2022 - 2025, Bộ TN&MT triển khai thực hiện thường xuyên các công việc gồm: Đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất về Sở TN&MT địa phương và về Bộ TN&MT. Tiếp tục tăng cường năng lực cho các Sở TN&MT, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư bổ sung các hệ thống lưu trữ, bảo mật đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của hệ thống truyền nhận và quản lý dữ liệu môi trường. Đầu tư, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý và tiếp nhận số liệu quan trắc khí thải tự động, đáp ứng các yêu cầu quản lý mới tại các Sở TN&MT. Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá chất lượng số liệu quan trắc truyền về Sở TN&MT và Bộ TN&MT. Đôn đốc việc thực hiện lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, tăng cường kiểm soát các nguồn thải, kiểm tra việc vận hành các hệ thống quan trắc tự động của các cơ sở lắp đặt và vận hành thiết bị.

    Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc MTKK xung quanh tự động, liên tục; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng MTKK; thiết lập các điểm quan trắc MTKK theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng MTKK xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên.

    Duy trì và tăng dần tần suất quan trắc, thu thập dữ liệu và công bố, cung cấp, cảnh báo cho các cơ quan thông tin đại chúng, cho cộng đồng kịp thời, chính xác về chất lượng MTKK thông qua website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) trên ứng dụng di động. Chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia được cập nhật và công khai 24/24h tại địa chỉ cem.gov.vn.

    Tổ chức thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải khí, bụi cho 3 loại nguồn: Nguồn điểm, nguồn diện, nguồn di động tại các vùng kinh tế trọng điểm và trên phạm vi toàn quốc. Tổng hợp và công bố kết quả kiểm kê khí thải quốc gia. Đôn đốc các địa phương thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn quản lý, đảm bảo đến năm 2023 có 50% số tỉnh, TPTP hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải và đến năm 2025 có 100% các tỉnh, TPTP hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải.

    Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và liên tục cập nhật hệ số phát thải cho loại nguồn phát thải phù hợp với điều kiện Việt Nam làm cơ sở cho việc kiểm kê khí thải cấp quốc gia và cấp tỉnh. Định kỳ thực hiện kiểm kê và cập nhật, tổng hợp báo cáo kiểm kê khí thải quốc gia 3 năm một lần. Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về khí thải công nghiệp trên phạm vi toàn quốc…

Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ

    Nhằm quản lý hiệu quả chất lượng không khí, Bộ TN&MT tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và tổ chức quốc tế về xây dựng, ban hành các quy định pháp luật và tổ chức quản lý nhà nước về quản lý chất lượng MTKK.

    Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụngcông nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong cácngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải; nghiên cứu khoa học,chuyển giao công nghệ về phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, quan trắc khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu.

    Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hệ số phát thải cho các nguồn khí thảiphù hợp với điều kiện Việt Nam làm cơ sở cho việc thực hiện kiểm kê khí thải; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xác định sự đóng góp của các và PM2,5 phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng MTKK.

    Nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng mô hình đánh giá lan truyền ô nhiễm không khí (ÔNKK) và dự báo chất lượng MTKK.

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phối hợp với các đơn vị

    Tổng cục Môi trường là đơn vị chuyên môn được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tổ chức thực hiện các nội dung trong Kế hoạch. Cụ thể, sẽ phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về BVMT không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải; tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

    Rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu xăng, nhiên liệu điêzel, nhiên liệu sinh học đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai các giải pháp hạn chế hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích. Kiểm soát các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với MTKK nhất là kiểm soát ÔNKK từ các lò đốt chất thải y tế.

    Phối hợp với các Bộ, UBND các tỉnh, TPTP để huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng MTKK. Công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng MTKK xung quanh tại các tỉnh, TPTP trong cả nước. Kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo về chất lượng MTKK, các nguy cơ và tác hại của ÔNKK cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp hàng năm với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt  Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động cung cấp, công bố, cảnh bảo thông tin chất lượng MTKK. Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng MTKK phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ÔNKK đến sức khỏe cộng đồng.

Nguyễn Hoàng Đức

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ý kiến của bạn