Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Thực trạng và giải pháp quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau

23/12/2014

     Khu bảo tồn (KBT) biển Hòn Cau, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được thành lập vào ngày 15/11/2010, với diện tích 12.500 ha. KBT biển Hòn Cau là một trong 16 hệ thống KBT biển trong cả nước đã được trình Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học, các vùng rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm cỏ biển. Nơi đây còn nổi tiếng là khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú và là bãi đẻ của nhiều loài hải đặc sản có giá trị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vùng sinh cảnh trên đang chịu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác không hợp lý của cộng đồng dân cư. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức và sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt, không bền vững làm cho nguồn lợi hải sản ở khu vực này ngày càng suy giảm và có xu hướng cạn kiệt, đặc biệt một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao đã hoàn toàn biến mất trong những năm gần đây.

     Theo báo cáo của Ban quản lý KBT biển Hòn Cau, KBT biển là nơi sinh sống của loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao. Khu vực phía Đông và Đông Bắc của Hòn Cau có các rạn ngầm chính là bãi đẻ của 3 loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Là vùng biển có nhiều loài động, thực vật biển, quý hiếm, với 34 loài nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Mặt khác, nơi đây còn được xem là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi và nhiều loài cá, bổ sung nguồn lợi thủy sản đáng kể cho các vùng biển xung quanh.

     Ngư trường biển Hòn Cau là một ngư trường lớn nên các phương thức khai thác thủy sản cũng đa dạng như: lưới mùng, câu, lặn, lưới rê (lưới cản), lưới vây, giã cào… Đa số các phương thức khai thác này hoạt động chủ yếu ở tuyến bờ và tuyến lộng, đồng thời do đặc trưng địa hình tại khu vực này (nước trồi) nên cá thường được đánh bắt vào các vụ chính (vụ cá Bắc, vụ cá Nam).

     Hiện nay ngư trường truyền thống đang bị thu hẹp, dẫn đến một số trường hợp ngư dân xâm phạm vào các khu vực cấm khai thác, các vùng lõi, vùng đệm của KBT biển để khai thác thủy sản, vi phạm các quy định trong quy chế quản lý KBT biển.

     Bên cạnh đó, cộng đồng ngư dân (nhóm trực tiếp khai thác tài nguyên) vì chưa được tham gia trong công tác quản lý tài nguyên nên trước những việc đánh bắt cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản thì họ không thể can thiệp. Trong khi đó các tổ chức quản lý vùng biển địa phương như Chi cục thủy sản, Đồn biên phòng huyện Tuy Phong… do thiếu phương tiện và mỗi lần tuần tra phải theo hệ thống nhà nước, kết hợp nhiều cơ quan, ban ngành nên khi triển khai thì tàu thuyền vi phạm đã không còn để lại dấu vết.

     Ngoài ra, việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Thậm chí, vẫn còn tệ nạn sử dụng hóa chất trong bảo quản dẫn đến chất lượng sản phẩm sau thu hoạch giảm sút nghiêm trọng.

     Trước tình hình trên, Ban Quản lý KBT Hòn Cau, đã triển khai nhiều biện pháp như tuần tra kiểm soát, trồng rừng, xây dựng Dự án Thả phao phân vùng, phân khu bảo vệ; bảo vệ và bảo tồn rùa biển. Ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác thủy sản ở vùng cấm và mua bán vận chuyển san hô trái phép… Nhờ đó, đã có sự phục hồi đáng kể các rạn san hô, hệ sinh cảnh, các loài động, thực vật. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 10 cá thể rùa biển được thả vào khu vực đảo Hòn Cau, đội tuần tra của KBT đã bảo vệ thành công loại động vật quý hiếm này.

     Trong thời gian tới, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững Ban quản lý KBT biển Hòn Cau đã đề ra các giải pháp:

     Tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định trong quy chế quản lý KBT biển, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ các bãi rạn san hô, các bãi sinh sản của các loài thủy hải sản nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi, phát triển đa dạng sinh học; Phổ biến kiến thức pháp luật, các quy định của quy chế quản lý các hoạt động trong KBT cho ngư dân, các đoàn viên thanh niên, học sinh của các xã xung quanh KBT biển; Xây dựng các Pano, áp phích, phim tài liệu, báo, đài, trang wed; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về KBT biển và nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

T     hực hiện tốt Quy chế quản lý KBT biển để bảo vệ tốt hệ sinh thái sạn san hô, thảm cỏ biển trong khu vực thiết lập vùng lõi, vùng đệm, các khu vực sinh sản của các loài thủy hải sản, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của KBT biển.

     Hướng dẫn bà con ngư dân tham gia vào công tác bảo tồn, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản (đồng quản lý).

     Chuyển đổi một số ngành nghề khai thác thủy sản một cách hợp lý nhằm làm giảm cường lực khai thác tác động vào nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho một số bà con ngư dân trong KBT. Đối với các nghề khai thác truyền thống tác động trực tiếp đến hệ sinh thái của KBT biển Hòn Cau như: nghề lặn hải đặt sản, lưới mùng, câu… cần ưu tiên chuyển đổi sinh kế sang chở khách du lịch ra đảo Hòn Cau nhằm tăng thu nhập cho ngư dân.

     Vào tháng 3-7, đây là mùa du lịch, đồng thời cũng là mùa sinh sản của các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Vì vậy ưu tiên cho các ngư dân hoạt động khai thác (nghề lặn, câu, lưới rê) bằng tàu công suất nhỏ (<20 cv), thuyền thúng được phép kinh doanh hàng, quán phục vụ cho khách du lịch tại khu vực bảo tồn.

     Triển khai các chương trình phục hồi nguồn lợi thủy sản: Hàng năm KBT biển Hòn Cau triển khai chương trình phục hồi nguồn lợi thủy sản, thả bổ sung một số nguồn giống thủy sản. Kết hợp với các đơn vị khác có chức năng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Thuận, Hiệp hội thủy sản Bình Thuận…) thực hiệp các dự án tái tạo nguồn lợi như: dự án thả tái tạo nguồn lợi thủy sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, thả tôm giống, thả tái tạo nguồn hải sâm…trong và xung quanh KBT (có sự tham gia tích cực của cộng đồng ngư dân địa phương cùng với Đội tuần tra của KBT biển Hòn Cau thực hiện công tác bảo vệ các khu vực thả giống này).

     Tăng cường nhân sự, nâng cao khả năng chuyên môn và trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công việc. Đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát trên biển và công tác theo dõi các biến đổi đa dạng sinh học của hệ sinh thái rạn san hô.

     Đẩy mạnh công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trên biển. Do quy định chức năng của KBT biển không có chức năng xử phạt các vi phạm về khai thác thủy sản nên cần phối hợp với Thanh tra thủy sản, Đồn biên phòng tuần tra, xử lý vi phạm khai thác thủy sản như hoạt động đánh bắt sai tuyến, đánh bắt bằng phương thức hủy diệt (chất nổ, xung điện…), xâm phạm vào vùng cấm khai thác của KBT biển.

     Kêu gọi hỗ trợ từ các dự án, nguồn vốn của các tổ chức bảo tồn phi chính phủ. Trong thời điểm hiện nay do nguồn kinh phí địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công việc nên việc tìm nguồn tài trợ của các dự án phi chính phủ, các tổ chức, các chương trình hỗ trợ công tác bảo tồn biển là hết sức cần thiết. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, KBT biển còn có thể tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu về lĩnh vực bảo tồn để học tập kinh nghiệm, khả năng quản lý… nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ và phát triển khu bảo tồn theo đúng chức năng khi thành lập.

 

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

Ý kiến của bạn