Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững làng bột Sa Đéc

03/04/2020

     TP. Sa Đéc (ĐồngTháp) là địa phương nổi tiếng với làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo. Sự phát triển của làng sản xuất bột gạo trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, làng nghề làm bột gạo hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả.

Bức tranh ô nhiễm ở làng nghề trăm tuổi

     Đồng Tháp là tỉnh có nhiều làng nghề nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 44 làng nghề được công nhận. Trong đó, làng bột Sa Đéc là tên gọi chung chỉ 4 làng nghề truyền thống sản xuất bột đã được công nhận gồm Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Long (xã Tân Phú Đông) và khóm 2 (phường 2) thuộc TP. Sa Đéc.

     Do có vị trí đặc biệt là cầu nối giữa 2 “vựa lúa” lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, Sa Đéc trở thành nơi thu gom, tập kết lúa gạo lớn của vùng. Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và sự lao động sáng tạo của người dân, nghề làm bột gạo truyền thống hình thành, phát triển đã gần 100 năm. Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện làng nghề Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động, tập trung chủ yếu ở 2 xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất khoảng 125 tấn bột tươi (65 tấn bột khô) từ khoảng 100 tấn nguyên liệu gạo, tấm gạo. Sản phẩm bột gạo gồm 2 loại chính là bột tươi (chiếm 55,81%) và bột khô (44,19%). Thực phẩm được chế biến từ bột Sa Đéc dai mà mềm, thơm ngon đặc trưng. Từ bột gạo Sa Đéc, người dân làng nghề làm ra phở, hủ tiếu, bún, bánh canh, bánh ngọt và các sản phẩm ăn liền... Nơi đây là đầu mối cung ứng bột cho các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu.

 

Sản xuất ống hút từ bột gạo của Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu

 

     Tuy nhiên, người dân làng nghề chủ yếu áp dụng quy trình sản xuất bột gạo thủ công, sử dụng máy móc, thiết bị cũ; trình độ sản xuất hạn chế; các hộ dân làng nghề hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ lẻ; diện tích sản xuất chật hẹp. Để tận dụng bột cặn trong quá trình sản xuất, người dân đã chuyển sang kết hợp chăn nuôi lợn. Do đó, nước thải, chất thải từ sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi của các cơ sở được thải trực tiếp ra kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mặc dù, những năm qua, các hộ cũng đã xây dựng hầm biogas, song với diện tích sản xuất và chăn nuôi hạn chế, nên việc xử lý môi trường chưa thực sự triệt để, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

     “Chìa khóa” mở ra hướng đi mới cho làng bột Sa Đéc

     Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng bột, TP.Sa Đéc đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường như ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý nước thải ở khu vực làng bột; tiến hành kiểm tra định kỳ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai Dự án “Xử lý nước thải, chất thải cải thiện môi trường làng nghề sản xuất bột ở xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc)”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm, BVMT; quy hoạch lại khu sản xuất bột, khu chăn nuôi tập trung; xây dựng Đề án phát triển bền vững làng bột Sa Đéc...

     Để giải quyết bài toán xử lý bột cặn, cũng như cải thiện môi trường làng nghề, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) thuộc Sở Công Thương Đồng Tháp đã hỗ trợ kinh phí cho một số hộ kinh doanh, sản xuất bột gạo ở xã Tân Phú Đông đầu tư xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời. Hệ thống máy sấy gồm những tấm cách âm, cách nhiệt để giữ độ nóng bên trong luôn ở mức 45ºC, phía trên là những tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng trong những ngày nắng, vào những ngày mưa và ban đêm, hệ thống sẽ chuyển qua sử dụng điện, bên trong là 7 khung đứng với khoảng 300 khay bột. Hiện nay, các dự án đã mang lại hiệu quả, giải quyết đầu ra ổn định cho bột cặn tại làng bột Sa Đéc, tăng thêm thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVMT và tận dụng nguồn nguyên liệu bột gạo chất lượng cao từ làng bột Sa Đéc, mới đây, một số doanh nghiệp của làng bột Sa Đéc đã chuyển sang đầu tư dây chuyền sản xuất ống hút từ bột gạo, thay thế ống hút nhựa sử dụng một lần, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Trăn trở với suy nghĩ làm sao để gìn giữ được nghề truyền thống 100 năm của cha ông, nhưng cũng giải quyết được vấn đề môi trường, Ông Võ Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu (một trong các doanh nghiệp ở làng bột Sa Đéc) đã mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất các sản phẩm ống hút từ bột gạo. Dây chuyền sản xuất của Công ty có công suất 100.000 ống hút/ngày, tương đương 1 tấn sản phẩm/ngày. Trong tháng 2/2019, Công ty vận hành dây chuyền sản xuất thứ 2, nâng công suất lên 5 tấn/ngày.Với tính chất chỉ sử dụng một lần, ống hút làm từ bột gạo có thể bảo quản trong môi trường bình thường khoảng 18 tháng, giữ nguyên dạng trong môi trường nước nhiệt độ bình thường và nước lạnh trong khoảng 30 phút - 2 tiếng. Ngoài màu trắng từ bột, ống hút có thêm các màu như xanh lá cây chiết xuất từ lá rau dền. Ống màu tím, màu đen được làm từ màu của củ dền và mè đen. Được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên ống hút có thể ăn được, tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo không nên sử dụng quá nhiều trong ngày. Hiện nay, sản phẩm ống hút bằng bột gạo của Công ty đã được xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu.

     Thời gian tới, để phát triển bền vững làng bột Sa Đéc, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, các cơ sở sản xuất trong làng nghề cần thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, gắn với BVMT như Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu, vừa góp phần phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở cần từng bước cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, tuân thủ các quy định, chính sách pháp luật về BVMT; tham khảo các cách làm hay và những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để phát triển làng bột Sa Đéc, cần có sự tham gia của "4 nhà" (gồm Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học) trong việc đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, xử lý môi trường của làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm bột, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ bột để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường;tuyên dương những cơ sở thực hiện đúng các quy định BVMT; vận động “4 nhà” liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín phục vụ cho sự phát triển của làng bột Sa Đéc.

 

NguyễnThị Thu Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

Ý kiến của bạn