Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam: Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai

09/10/2019

     Nhân dịp Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” diễn ra tại TP. Huế, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Knut Christiansen - Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) về những đóng góp của tổ chức với các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH tại Việt Nam thời gian qua.

 

Ông Knut Chritansen - Giám đốc NAV/NCAViệt Nam

 

PV:  Đầu tháng 12/2015, với sự hỗ trợ của NAV/NCA Việt Nam, lần đầu tiên Hội nghị quốc gia với sự tham gia của tất cả các tổ chức tôn giáo bàn việc phối hợp BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Huế do Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQVN phối hợp với Bộ TN&MT đồng tổ chức. Đây được coi là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự cam kết cùng nhau BVMT. Ông có thể cho biết mục đích ý nghĩa, cũng như tầm quan trọng của sự kiện này mà NAV/NCA Việt Nam cùng tham gia đồng hành?

Ông Knut Chritansen:  NCA Việt Nam cho rằng, các sáng kiến do các nhà hoạt động xã hội tôn giáo, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQVN và Bộ TN&MT thực hiện là những dấu hiệu đáng mừng về hy vọng và sự thay đổi trong tương lai. Chúng tôi cho rằng, BĐKH đây là hậu quả của hành vi tham lam và thiển cận của con người, và sự thất bại trong việc cùng chung hành động. Vấn đề này không chỉ cần giải pháp chính trị, mà còn cần giải pháp về tinh thần và đạo đức. Các nhà lãnh đạo tín ngưỡng và các giá trị đạo đức trong giáo dục tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của con người. 
PV: Tại Hội nghị, NCA Việt Nam cũng cam kết phối hợp và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, xây dựng các mô hình điểm về BVMT, ứng phó BĐKH. Vậy kết quả sự phối hợp và hỗ trợ này như thế nào trong những năm qua, thưa ông?

Ông Knut Chritansen:  Kết quả của NIC 2015 là tuyên bố chung quốc gia cam kết các tổ chức tôn giáo và Chính phủ ở các cấp về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai. Việc này tạo ra cam kết ở các tổ chức tôn giáo địa phương và cấp tỉnh, các Sở TN&MT và chính quyền địa phương. Theo Báo cáo TW MTTQ Việt Nam, năm 2017 có 33 sáng kiến địa phương của FBO về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai.

     TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên địa phương là những đối tác chính kết nối với các tổ chức cá nhân thuộc các tôn giáo khác nhau, nâng cao nhận thức thông qua các khóa tập huấn, đào tạo. Qua việc này, chúng tôi đã tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

     NCA Việt Nam đã hướng dẫn, thiết lập hệ thống quản lý cho 8 FBO để đảm bảo chất lượng quản lý giảm nhẹ thiệt hại và quản lý dự án. Có 960 thành viên tôn giáo đã được đào tạo, thông qua 12 khóa đào tạo về ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai. 5 Dự án thử nghiệm đã được thiết lập, công nhận và triển khai trên cả nước, 45 đội cứu trợ đặt tại các nhà thờ và nhà chùa ở Thừa Thiên - Huế và Hải Phòng. Chúng tôi đã hỗ trợ chùa Pháp Vân (Hà Nội) và Pháp Bảo (TP.HCM) thực hiện các mô hình điểm về BVMT và ứng phó với BĐKH, tạo điều kiện để người dân địa phương chủ động tham gia các hoạt động này.

PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các tôn giáo thế giới về BVMT và ứng phó với BĐKH? Sắp tới NAV/NCAViệt Nam có những hành động cụ thể nào hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, kết nối các tôn giáo cùng thực hiện chung sứ mệnh này?

Ông Knut Chritansen:  Ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu của NCA trên toàn cầu. Về chương trình của Việt Nam, NCA đang rút dần sự tham gia trực tiếp, thay vào đó là nỗ lực đảm bảo tính bền vững và sự tiếp tục của chương trình với vai trò điều phối và kết nối. Hiện NCAViệt Nam đang đàm phán về các hỗ trợ quốc tế từ Đức (Bánh mì cho Thế giới) và Na Uy (Liên minh phái đoàn Na Uy) nhằm đảm bảo sự liên tục của hỗ trợ từ FBO đến 5 tỉnh/thành  phố với trọng tâm vào ứng phó BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trung ương MTTQVN và MTTQ các địa phương xây dựng năng lực và hỗ trợ học tập và chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà lãnh đạo FBO, dựa trên kinh nghiệm chuyên gia trong các lĩnh vực này.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để các tôn giáo cùng đồng hành với chính quyền trong việc triển khai thực hiện hiệu quả và lâu dài các cam kết cùng BVMT và ứng phó với BĐKH?

Ông Knut Chritansen: Chính phủ Việt Nam đang triển khai rất hiệu quả các cam kết cùng BVMT và ứng phó với BĐKH, thông qua việc huy động các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn quốc. Điều quan trọng là các cơ quan nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cùng với các tổ chức tôn giáo triển khai các sáng kiến từ cấp cơ sở. Thông thường các tổ chức quốc tế rất khó có thể tự tìm ra tất cả các giải pháp để triển khai mà phải dựa vào nhân dân. Nhưng nếu muốn huy động tất cả các thành phần xã hội tham gia, chúng ta cần tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo địa phương cùng phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

     Mặt khác, Chính phủ cần có chính sách để các tổ chức tôn giáo và nhóm tình nguyện địa phương huy động và hỗ trợ năng lực ứng phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp. Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt hơn hầu hết các nước cùng mức độ phát triển về ứng phó với BĐKH nhưng không được tự chủ quan, thỏa mãn mà các Ủy ban Phòng chống lụt bão địa phương cần được đào tạo, cung cấp thêm trang thiết bị và phối hợp chặt chẽ với các nhóm tổ chức tôn giáo để cùng hành động. Các ban/ngành ở Trung ương cần hợp tác chặc chẽ với địa phương, các tổ chức tôn giáo... để đảm bảo tất cả các lực lượng muốn đóng góp đều có thể tham gia.

     Chúng tôi đánh giá cao việc thành lập Ủy ban quốc gia của FBO về Ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai và ứng phó các trường hợp khẩn cấp (Ủy ban), với thành viên từ  Trung ương MTTQVN, Bộ TN&MT, NCAViệt Nam và đại diện 14 tôn giáo. Tuy nhiên, Ủy ban cần tăng cường các cuộc họp để trao đổi các ưu tiên quốc gia về ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai và ứng phó các trường hợp khẩn cấp cũng như trả lời các vấn đề do FBO nêu ra. Ủy ban cần có chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối chia sẻ giữa chính quyền, các nhóm tôn giáo và tổ chức liên quan.

     Ngoài ra, Bộ TN&MT cần có kế hoạch phân bổ ngân sách để FBO tham gia các chương trình, diễn đàn liên quan đến ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai và ứng phó các trường hợp khẩn cấp.

PV: Là đơn vị đồng chủ trì với sự phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH”, ông có kỳ vọng gì về kết quả Hội nghị và kế hoạch hành động của NAV/NCAViệt Nam sau Hội nghị lần này?

Ông Knut Chritansen: Chúng tôi hy vọng, đây sẽ có một sự kiện lớn, nhằm tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo FBO cũng như các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, kêu gọi mọi người có thiện chí và sẵn sàng hành động, từ tất cả các góc độ của cuộc sống tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.

     Chúng tôi vui mừng nhận thấy, không gian ngày một rộng mở cho FBO hành động như một đối tác đóng góp cho xã hội và sự chấp thuận giữa chính quyền và các FBO cũng như giữa các tôn giáo tín ngưỡng.

     Tôn giáo tín ngưỡi là một phần quan trọng của đời sống con người - thách thức mà chung ta đang đối mặt không đơn thuần là công nghệ và tài chính mà còn là thách thức về mặt niềm tin.

     Xin kết thúc cuộc trả lời phỏng vấn bằng việc trích lời của ngài Gus Speth, một Luật sư môi trường của Mỹ, nhà hoạt động và cố vấn về BĐKH: “Tôi đã từng nghĩ rằng, các vấn đề môi trường ưu tiên là suy giảm đa dạng sinh học, mất hệ sinh thái và BĐKH. Tôi đã nghĩ, 30 năm thành tựu khoa học có thể giải quyết được vấn đề. Tôi đã nhầm. Các vấn đề chính là sự ích kỷ, tham lam và vô cảm. Để giải quyết chúng, chúng ta cần chuyển đổi về tinh thần và văn hóa. Và chúng ta, những nhà khoa học, không biết phải làm thế nào”.

     Do đó, vai trò của các FBO trong quá trình này không thể tiếp tục bỏ qua được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Đình (thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

Ý kiến của bạn