Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội

13/07/2020

    Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của TP. Hà Nội ngày càng tăng nhanh với sự tập trung đông dân số ở khu vực đô thị trung tâm đã tạo ra các áp lực đối với công tác BVMT trên địa bàn TP. Nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường (ÔNMT) về không khí, nguồn nước… trên quy mô lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Thủ đô và các vùng phụ cận. Trước tình hình đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP Hà Nội

    Từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành nhiều quy định pháp luật về công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có 1 chương trình, 2 nghị quyết, 8 kế hoạch, 10  quyết định, 2 đề án và 2 chỉ thị. Đặc biệt trước nhu cầu cấp bách của công tác BVMT, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3/7/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy, Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 1/6/2017 về khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để BVMT, trong đó tập trung triển khai các giải pháp để quản lý nguồn thải, khắc phục ô nhiễm, tăng cường năng lực quản lý chất lượng môi trường không khí, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT và biến đổi khí hậu.

    Sau 2 năm triển khai thực hiện, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm TP là 100%, các huyện ngoại thành là 88 - 89%, 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê đạt khoảng 99%, đồng thời TP cũng ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về việc Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP.

    Từ  năm 2016 - 2019, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp trên địa bàn TP đã thanh tra, kiểm tra tại 10.883 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4.894 cơ sở với tổng số tiền phạt là 61,1 tỷ đồng. Đối với việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, hiện đã có 3/3 cơ sở mới phát sinh trên địa bàn theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành việc xử lý ÔNMT từ năm 2017. Trong thời gian tới, TP tiếp tục nghiên cứu đánh giá phân loại mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất nhất là cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng để có biện pháp xử lý theo quy định.

    Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm tập trung dân cư, gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông; hoạt động sản xuất, xây dựng phát triển… đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí. Đặc biệt, trong thời gian qua do xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan: mây mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp và hiện tượng nghịch nhiệt, dẫn đến Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của TPở mức “xấu” và “rất xấu”, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh. Để khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí, từ tháng 12/2016, TP đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ÔNMT không khí của TP, đồng thời triển khai 19 giải pháp tổng thể, đề xuất tiến hành tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm nồng độ bụi phát sinh. UBND TP chỉ thị các đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp để giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của con người, nâng cao ý thức về BVMT của cộng đồng, phát huy vai trò trách nhiệm của từng công dân trong công tác BVMT không khí Thủ đô.

    Bên cạnh đó, hệ thống sông, hồ, chất lượng nguồn nước của TP bị suy giảm và ô nhiễm ở mức báo động, phần lớn do phải tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý. Diện tích ao, hồ, đầm của Hà Nội cũng bị thu hẹp, hiện còn lại vào khoảng 3.600 ha do bị san lấp để lấy đất xây dựng. Trước tình hình đó, TP đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ÔNMT nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cơ quan khoa học nghiên cứu giải pháp xử lý cải thiện ô nhiễm dòng sông. TP xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc địa bàn TP.

    Hiện nay, trên địa bàn TP đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700 m3/ngày, đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh; 9/9 (đạt tỷ lệ 100%) khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đã xây dựng và vận hành trạm XLNT tập trung; có 26/43 (đạt tỷ lệ 60,5%) cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm XLNT tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống XLNT; 26/28 (đạt tỷ lệ 92,8 %) bệnh viện do TP quản lý có hệ thống XLNT tập trung (Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông chưa có hệ thống XLNT tập trung).

    UBND TP đã phê duyệt Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn TP đồng thời tích cực triển khai 04 dự án đầu tư XLNT làng nghề quy mô lớn.

 

Hoạt động xây dựng phát triển là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội

 

Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp

    Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, song trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT của TP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết, đó là:

    Đối với chất thải rắn, khoảng cách thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến nơi xử lý xa, chưa hiệu quả; việc xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung. Vị trí theo quy hoạch một số địa điểm xử lý rác thải nằm ngoài đê hoặc một số khu xử lý chất thải lại nằm trong khu vực nội thành nên không phù hợp với khoảng cách, hành lang môi trường dẫn tới tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải còn chậm, xảy ra các khiếu kiện của người dân về môi trường. Ý thức của một số người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định, vứt rác vào các bãi đất trống, kênh, mương.

   Đối với môi trường nước, hiện lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng phát sinh, còn lại 70% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý tại đầu nguồn thải nên hiệu quả xử lý còn hạn chế. Hạ tầng thu gom nước thải còn thiếu đồng bộ, chưa tách riêng được nước thải và nước mưa; một số nhà máy XLNT đã hoàn thành xây dựng nhưng lại chưa hoàn thiện hệ thống đấu nối dẫn nước thải về nhà máy để xử lý. Tiến độ triển khai xây dựng các dự án nhà máy XLNT sinh hoạt còn chậm. TP chưa có cơ chế đặc thù để thu hút xã hội hóa, chưa ban hành được giá dịch vụ thoát nước nên gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và giải pháp XLNT đô thị.

    Đối với môi trường không khí, việc triển khai các chương trình nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 còn chậm.  Hiện nay, chưa có đủ các cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát khí thải dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, BVMT tại địa phương. Tốc độ đô thị hóa tại TP diễn ra nhanh với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hàng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường. Diễn biến thời tiết trong những năm qua diễn ra phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan tăng cả về tần suất và mức độ, đã tác động tiêu cực đến chất lượng không khí tại Hà Nội.

    Trước tình hình đó, TP cũng đề ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng ÔNMT bao gồm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt phát điện; Đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành; Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ và vận hành ổn định các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn TP; Tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở công nghiệp xả thải gây ÔNMT; Tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND TPvề thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn TP; Tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ÔNMT, không phù hợp quy hoạch đánh giá mức ô nhiễm xử lý vi phạm về môi trường và có yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm; Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương chủ trì thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường của TP, gắn với thời hạn hoàn thành.

 

Vũ Việt Hiếu

Thành ủy Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn