Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Tăng cường sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường

06/10/2015

   Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng và là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ hoạt động trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhằm giúp các cấp, ngành có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Hoạt động phản biện được thực hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường.

   Để có những thông tin khái quát về hoạt động phản biện xã hội, cũng như khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực môi trường của VUSTA, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA về vấn đề này.

TSKH.Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA

   Xin ông cho biết, tình hình triển khai hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về môi trường đối với các dự án, đề án phát triển KT - XH thời gian qua? Để thực hiện tốt chức năng, hoạt động phản biện xã hội về môi trường, theo ông, cần có những giải pháp gì trong thời gian tới?

   TSKH. Nghiêm Vũ Khải: VUSTA có 77 tổng hội, hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh/TP trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, còn có trên 400 tổ chức KH&CN thuộc VUSTA và trên 800 đơn vị KH&CN thuộc các tổ chức thành viên.

   Trong những năm qua, thực hiện chức năng của mình, VUSTA đã đóng góp những ý kiến tư vấn, phản biện, giám định xã hội về các chương trình, dự án phát triển KT - XH, cũng như về các chính sách, văn bản pháp luật về BVMT. Có thể nói, VUSTA và các tổ chức thành viên đã đóng góp ý kiến đối với hầu như tất cả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án lớn về môi trường. Cụ thể: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT: Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật BVMT năm 2014… Các ý kiến góp ý và tư vấn xây dựng chính sách pháp luật về BVMT của các tổ chức đã được các Bộ, ngành đánh giá cao về cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như tính khả thi.

   Để thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội về môi trường trong thời gian tới cần có một số giải pháp:

   Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VUSTA xây dựng kế hoạch cụ thể không chỉ về công tác tư vấn, phản biện mà cả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về BVMT. Đồng thời, VUSTA cần được tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn (Nghị định, thông tư, quy chế…), kế hoạch triển khai thực hiện chính sách, pháp luật do Bộ TN&MT chủ trì ngay từ giai đoạn đầu.

   Trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ TN&MT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Sở TN&MT phối hợp với VUSTA và các đơn vị thành viên triển khai chủ trương hợp tác giưa hai bên; hỗ trợ kinh phí và điều kiện cần thiết nhằm đưa hoạt động tư vấn phản biện trở thành nhiệm vụ thường xuyên với sự hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm một cách bài bản, chính quy.

   Với vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, VUSTA đã có những đóng góp gì để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực môi trường, góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng bền vững, thưa ông?

   TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường là một nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng và triển khai chiến lược BVMT, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

   Thời gian qua, VUSTA với đông đảo chuyên gia, tổ chức KH&CN đã có nhiều sáng kiến, mô hình, công nghệ BVMT, xử lý nước thải, chất thải rắn được áp dụng hiệu quả tại các địa phương. Hiện nay, có nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực môi trường dưới dạng các đề tài, dự án. Tuy nhiên, kinh phí cho các nhiệm vụ này quá nhỏ nên không đáp ứng được yêu cầu chuyển giao, cải tiến, nâng cấp công nghệ nội địa để tiến tới phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị, công nghiệp môi trường của Việt Nam. Do đó, cần có chính sách khuyến khích cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng KH&CN về môi trường ở trình độ phù hợp với năng lực của Việt Nam hiện nay.

   Ông có thể đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất để sự nghiệp BVMT đạt được những thành công mới?

   TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Trong 5 năm gần đây, công tác quản lý nhà nước, cũng như ý thức BVMT được nâng lên rõ rệt, một số thành tích nổi bật đã được ghi nhận. Để thực hiện mục tiêu BVMT đã đề ra, cần có đánh giá nghiêm túc thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp phù hợp, có tính khả thi. Hiện tại, các chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp về BVMT tương đối đồng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, cũng như đối với nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, vấn đề ở khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sự tham gia của người dân còn thiếu đồng bộ.

Một trong những nội dung cần quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn tới là tuyên truyền, phổ biến, vận động mọi tầng lớp, tổ chức, cá nhân tham gia BVMT. “Tư duy: toàn cầu - hành động: cơ sở” là một phương châm BVMT phổ biến trên thế giới. Quyền được sống trong môi trường lành mạnh luôn gắn liền với trách nhiệm BVMT. Vì thế, thời gian tới, cần kiên trì thuyết phục, giáo dục để nâng cao ý thức về BVMT; Cung cấp điều kiện để người dân thực hiện ngày càng đầy đủ quyền và nghĩa vụ; Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trong các nhiệm vụ BVMT: Phòng ngừa - khắc phục ô nhiễm - cải thiện môi trường.

Xin cảm ơn ông!

                Linh Hằng (Thực hiện) 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9-2015)

Ý kiến của bạn