Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Tăng cường công tác quản lý môi trường làng nghề

01/04/2020

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề đang hoạt động với tổng số hộ làm nghề khoảng 16.000 hộ. Các làng nghề phân bố theo địa bàn các huyện, trong đó nhóm làng nghề trồng cây, kinh doanh sinh vật cảnh, trồng cây dược liệu được khuyến khích phát triển, chiếm tỷ lệ cao nhất với 36 làng nghề (chiếm 25,3%) tập trung chủ yếu ở huyện Hải Hậu, Nam Trực và TP. Nam Định. Còn lại là các nhóm ngành nghề khác như dệt chiếu, đan cói, sơn mài thủ công mỹ nghệ có 27 làng (chiếm 19%); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan có 22 làng nghề (chiếm 15,4%); chế biến bảo quản nông, lâm thủy sản 11 làng nghề (chiếm 7,7%); sản xuất cơ khí, cơ khí đúc, tái chế kim loại có 11 làng nghề (chiếm 7,7%)… 

     Trong thời gian qua, không chỉ góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân địa phương mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho xã hội, nhằm phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của làng nghề.

     Thực trạng môi trường làng nghề tỉnh Nam Định

     Tại hầu hết các làng nghề, nước mưa, nước thải sinh hoạt được thu gom chung, riêng nước thải của các cơ sở sản xuất được lắng lọc qua hố ga, sau đó thải trực tiếp ra kênh, mương, ao, hoặc ruộng lúa xung quanh làng nghề. Trong số 142 làng nghề, chỉ có làng nghề Bình Yên (huyện Nam Trực) được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề, nay là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; làng nghề Vân Chàng đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải, nước thải được dẫn qua 2 hồ điều hòa, lắng cặn trước khi xả ra môi trường. Ngoài ra, các địa phương có làng nghề đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước, đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải.

     Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định cũng đã quan tâm đầu tư công trình thu gom, xử lý chất thải rắn tại các xã, thị trấn bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt trong lò đốt rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề đều chưa có khu xử lý chất thải rắn riêng; chất thải rắn công nghiệp của các cơ sở sản xuất lớn được thu gom, hợp đồng xử lý với đơn vị có chức năng; đối với các cơ sở nhỏ, các làng nghề phát sinh chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất tại làng nghề có phát sinh bụi, khí thải đã có biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải bằng cách nâng cao ống khói, áp dụng các biện pháp thông thoáng nhà xưởng nhằm giảm tình trạng ô nhiễm cục bộ.

 

Lễ hội hoa - cây cảnh tại Làng nghề cây cảnh Vị Khê, Nam Trực, Nam Định

 

Để kiểm soát chất lượng môi trường làng nghề, hàng năm, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã tổ chức quan trắc hiện trạng môi trường theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đã được phê duyệt. Trong đó, quan trắc nước thải tại 13 vị trí, môi trường không khí và tiếng ồn tại 10 vị trí, tập trung chủ yếu đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định năm 2019, nước thải của các làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5, Coliform, Amoni, Tổng Nitơ, Tổng P, Sunfua, Độ màu, SS; môi trường không khí chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số bụi lơ lửng, CO, SO2, NO2; thông số tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép (QCVN26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp tại một số làng nghề cơ khí, đồ gỗ.

     Tăng cường công tác quản lý môi trường làng nghề

     Trong những năm qua, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT làng nghề, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh và chủ động ban hành nhiều văn bản về BVMT làng nghề như: Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 10/10/2013 về việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 15/7/2017 quy định trách nhiệm về BVMT trên địa bàn tỉnh Nam Định.

     Thực hiện Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án BVMT làng nghề; đôn đốc hướng dẫn các xã có làng nghề lập phương án BVMT trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 45 làng nghề lập phương án BVMT được UBND huyện phê duyệt. Mặt khác, các làng nghề đã thành lập tổ tự quản về BVMT làng nghề, kết hợp với việc thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã có hồ sơ pháp lý về BVMT. Đối với các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí khác, UBND tỉnh đã và đang hỗ trợ các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

     Tuy nhiên, trong công tác quản lý, Sở TN&MT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; ý thức, nhận thức BVMT của các hộ sản xuất còn hạn chế. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Việc chuyển đổi, di dời của các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các CCN làng nghề còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí và quỹ đất quy hoạch CCN. Trong khi đó, chính quyền địa phương, nhất là UBND cấp xã chưa quyết liệt trong vấn đề chỉ đạo thực hiện các quy định về BVMT làng nghề.

     Để công tác BVMT làng nghề nói riêng và BVMT nói chung đạt hiệu quả cao, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT đến cộng đồng và cơ sở sản xuất, thúc đẩy sự quan tâm giám sát của cộng đồng đối với việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất; Xây dựng, ban hành và cụ thể hóa các quy định pháp luật về BVMT; Tăng nguồn chi sự nghiệp môi trường do mức chi hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

     Nhân lực làm công tác BVMT nói chung đã được tăng cường ở các cấp, tuy nhiên vẫn còn hạn chế so với tình hình thực tiễn công tác BVMT hiện nay. Do vậy, cần tăng cường nhân lực làm công tác BVMT, đặc biệt là các xã có làng nghề. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo sự thống nhất trong quản lý BVMT làng nghề giữa cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, với các cấp chính quyền địa phương.

     Đối với UBND cấp huyện: Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm công tác BVMT làng nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề và xử lý nghiêm minh nếu vi phạm. Quy hoạch CCN để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường làng nghề ra khỏi khu dân cư.

     Đặc biệt, năm 2020, Sở TN&MT sẽ thực hiện quan trắc chất lượng môi trường các làng nghề theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT nhằm phục vụ phân loại làng nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó sẽ đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp.

 

Phan Văn Phong

Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nam Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

Ý kiến của bạn