Banner trang chủ

Tình hình nhập khẩu phế liệu và công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu của Việt Nam

04/08/2015

   1. Tình hình hoạt động nhập khẩu phế liệu

   Theo thống kê số liệu từ báo cáo của 54 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2014 có 32 tỉnh có cơ sở thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu (NKPL). Tổng số lượng các cơ sở nhập khẩu và sử dụng phế liệu là 349 cơ sở, doanh nghiệp.Trong đó, số lượng cơ sở đã NKPL để trực tiếp phục vụ sản xuất là 220 cơ sở; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp.Có 35 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL nhưng không có hoạt động nhập khẩu.

   Các địa phương có cơ sở NKPL số lượng lớn như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Khối lượng phế liệu nhập khẩu của một số loại phế liệu chính bao gồm: sắt, thép, nhựa tương đối ổn định trong năm 2013 và 2014. Sắt, thép chiếm tới 40% tổng số lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2014, khối lượng nhập khẩu là 2,55 triệu tấn với giá trị khoảng 11,5 triệu USD. Ngoài ra, mặt hàng phế liệu nhập khẩu năm 2014 tăng đột biến so với năm 2013 là nhôm phế liệu. Tuy nhiên, một số loại phế liệu khác như giấy (giảm xấp xỉ 3 triệu tấn so với năm 2013), đồng, xỉ hạt nhỏ (xỉ cát), phế liệu kim loại màu khác như crom, niken lại giảm so với năm 2013 (giảm xấp xỉ 1 triệu tấn so với năm 2013).

   Hiện có 2 nguồn phế liệu nhập khẩu, bao gồm: Nguồn phế liệu từ nước ngoài (phế liệu sắt, thép được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia; phế liệu giấy được nhập khẩu từ Hà Lan, Singapo, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Vương quốc Anh; phế liệu nhựa được nhập khẩu từ Canađa, Hồng Công; phế liệu đồng được nhập khẩu từ Thái Lan, Singapo) và nguồn phế liệu được nhập khẩu từ các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan.

Các doanh nghiệp NKPL làm nguyên liệu sản xuất phải có kho bãi đảm bảo đúng quy định

   2. Công tác Bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu

   Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, có một số đơn vị sử dụng phế liệu nhập khẩu thực hiện tốt công tác BVMT như: Bố trí kho bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu nhập khẩu, bảo đảm không để thất thoát phế liệu và không gây phát tán các tạp chất đi kèm ra môi trường xung quanh; Áp dụng các phương pháp xử lý các tạp chất đi kèm phế liệu, nhiều cơ sở sản xuất đã áp dụng các hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và kinh doanh; Thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại và chất thải kèm theo trong quá trình NKPL; Thực hiện giám sát môi trường định kỳ; Các cơ sở thực hiện nhập khẩu đúng chủng loại, số lượng phế liệu theo quy định đều được Hải quan thông quan dựa trên chứng thư giám định về chủng loại, số lượng nhập khẩu của cơ quan giám định.

   Tuy nhiên, cũng còn có nhiều doanh nghiệp trong quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu vẫn vi phạm các quy định về BVMT, cụ thể: Theo quy định của Luật BVMT thì các doanh nghiệp NKPL làm nguyên liệu sản xuất phải có kho bãi đảm bảo đúng quy định. Một số doanh nghiệp đã có kho bãi riêng nhưng kho bãi được xây dựng không đúng quy định, không có hệ thống thoát nước mưa và không có mái che nên chất thải vẫn bị phát tán ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, vẫn có một số doanh nghiệp làm chưa tốt như để xảy ra sự cố môi trường, xả khí thải, bụi vượt quá quy chuẩn cho phép, chuyển giao chất thải chưa đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng vào công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Thực tế khảo sát cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất giấy phát sinh các loại chất thải rắn (thành phần chính là nilon) thường được chất đống, thiếu giải pháp xử lý. Trong quản lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, lưu giữ, làm hồ sơ rất sơ sài và không đúng theo quy định... Ngoài ra, việc thực hiện quan trắc môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn tồn tại việc các thông số mà doanh nghiệp làm quan trắc đều không đúng thông số quy định, doanh nghiệp tiến hành tự quan trắc chỉ mang tính thủ tục, chưa thực sự đánh giá đúng hiện trạng môi trường trong khu vực hoạt động của doanh nghiệp.

   3. Công tác quản lý nhà nước về BVMT trong nhập khẩu phế liệu

   Ban hành chính sách, pháp luật về BVMT trong NKPL

   Ngày 23/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2014.Trong đó, nội dung quản lý về BVMT được quy định tại Điều 76. Theo đó, tổ chức, cá nhân NKPL phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 76; phế liệu nhập khẩu phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định và phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về môi trường do Bộ TN&MT quy định. Ngoài ra, khoản 3 Điều 76 đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân NKPL, theo đó phế liệu chỉ được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và không được mua bán, kinh doanh phế liệu nhập khẩu, đồng thời phải thực hiện ký quỹ bảo đảm đối với phế liệu nhập khẩu.

   Ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Danh mục này bao gồm 36 chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu, chia thành các nhóm: thạch cao, sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, tơ tằm, xỉ hạt nhỏ, nhóm các kim loại màu phế liệu và các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử. Đây là căn cứ pháp lý cụ thể để Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng các quy định về quản lý phế liệu nhập khẩu trong đó có hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

   Mặt khác, để đảm bảo hiệu lực thực thi Luật BVMT năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu. Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Nội dung quản lý về BVMT trong NKPL được quy định tại Chương VIII với 9 điều gồm: Đối tượng được phép NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam; Điều kiện về BVMT trong NKPL; Mục đích và phương thức ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Khoản tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Quy trình ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Theo đó, khoản tiền ký quỹ được quy định tùy thuộc vào chủng loại phế liệu, khối lượng phế liệu nhập khẩu; tổ chức nhận ký quỹ được quy định là Quỹ BVMT Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu được coi là công cụ kinh tế nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp NKPL trong hoạt động BVMT, nâng cao ý thức BVMT của doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, tái chế phế liệu.

   Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BVMT trong NKPL

   Trong quá trình khảo sát, kiểm tra và tổng hợp báo cáo từ các địa phương thì tuyên truyền, phổ biến thông tin về các quy định từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp chưa được thường xuyên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện cho đúng. Từ thực tế này, trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo phổ biến các quy định về quản lý phế liệu nhập khẩu cũng như trao đổi thông tin về công tác BVMT đối với phế liệu nhập khẩu với các Sở TN&MT, cơ quan Hải quan địa phương, tổ chức, cá nhân NKPL... Mặt khác, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Hải quan cũng đã cập nhật các quy định liên quan đến công tác quản lý và BVMT trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên trang thông tin điện tử để mọi đối tượng có liên quan đều có thể tham khảo, nắm bắt thông tin.

   Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL

   Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã nhận được thông tin về việc cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL cho 13 doanh nghiệp. Quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 cũng không có phản ánh khiếu nại về hồ sơ cũng công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, công tác thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL còn một số tồn tại như: Khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực vào ngày 31/12/2014, Sở TN&MT lúng túng trong việc thực thi Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Sở TN&MT các tỉnh không thực hiện tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện NKPL của doanh nghiệp NKPL gửi trước và sau khi Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian chuyển tiếp, chưa có hướng dẫn thực thi Luật BVMT năm 2014. Một số Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận không đúng chủng loại được phép nhập khẩu và sai thời hạn quy định của Giấy chứng nhận.

   Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trong NKPL

   Kết quả thanh tra năm 2013 và thông tin từ các đợt thanh, kiểm tra năm 2014 cho thấy, hầu hết các Sở TN&MT không tiến hành kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề về NKPL nhưng tiến hành kiểm tra định kỳ trong kế hoạch kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt để lập biên bản kiểm tra và kịp thời nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt và duy trì các giải pháp BVMT trong quá trình sử dụng phế liệu. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác kiểm tra đối với hoạt động NKPL còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vì vậy việc kiểm tra, giám sát đối với phế liệu nhập khẩu chưa được thường xuyên, liên tục.

   4. Một số đề xuất, kiến nghị

   Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật BVMT năm 2014

   Triển khai Điều 76 Luật BVMT năm 2014 quy định về NKPL từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg để hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, để các văn bản nêu trên được áp dụng có hiệu quả trong thực tế, góp phần tích cực trong công tác BVMT, cần sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn:

   Thông tư quy định về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất: Thông tư này quy định chi tiết Khoản 3 Điều 56, Điều 61, Khoản 1 Điều 62, Khoản 3 Điều 63 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Trong đó, cần quy định cụ thể: Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất; Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất; Trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất; Điều kiện NKPL không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất; Yêu cầu về BVMT trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu; Chỉ định tổ chức tham gia chứng nhận phù hợp phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất...

   QCKTQG về môi trường đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất: Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, Bộ TN&MT cần sớm xây dựng và ban hành các QCKTQG về môi trường đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, bao gồm: QCKTQG về môi trường đối với phế liệu xỉ hạt nhỏ nhập khẩu; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu thạch cao nhập khẩu; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu tơ tằm nhập khẩu; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu là các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu thay thế QCVN 31:2010/BTNMT; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu QCVN 32:2010/BTNMT; QCKTQG về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu QCVN 33:2010/BTNMT.

   Phổ biến và nâng cao nhận thức về pháp luật đối với hoạt động NKPL

   Song song với hoạt động xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, cần phải tăng cường tập huấn, phổ biến quy định về quản lý và BVMT đối với phế liệu nhập khẩu cho các đối tượng là cán bộ quản lý môi trường của các Bộ, ngành; cán bộ quản lý môi trường địa phương; cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường của các doanh nghiệp sản xuất hoặc NKPL; cán bộ chuyên trách của các cơ quan giám định phế liệu nhập khẩu.

   Tăng cường công tác giám định, giám sát phế liệu nhập khẩu

   Bám sát quy định nhà nước trong quá trình thực hiện công tác thẩm định, chỉ định đơn vị đủ năng lực giám định phế liệu để chứng nhận cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện, trang thiết bị và nhân lực giám định. Xem xét không tiếp tục cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp giám định ít thực hiện giám định, thực hiện không đúng quy trình, không đủ năng lực nhân lực, trang thiết bị.

   Các cơ quan giám định cần có giải pháp tự tăng cường năng lực nhằm thực hiện đúng theo các quy định nhà nước về kiểm tra, xác định hàm lượng tạp chất trong phế liệu.

   Nghiên cứu ban hành quy định, giải pháp kiểm soát số lượng phế liệu được nhập khẩu đúng đối tượng sử dụng và đúng mục đích nhập khẩu.

   Tăng cường năng lực quản lý phế liệu nhập khẩu

   Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính tạo điều kiện để các doanh nghiệp khai báo thông tin một cách chính xác, hiệu quả, cũng như các cơ quan nhà nước quản lý ở các cấp nắm bắt tình hình và xử lý kịp thời.

   Đồng thời cần tăng cường đào tạo chuyên môn, tập huấn, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý công tác BVMT đối với phế liệu nhập khẩu nhằm nâng cao hơn nữa trình độ, chất lượng trong công tác quản lý, đặc biệt chú trọng về nghiệp vụ chuyên môn cho các đơn vị quản lý thuộc Sở TN&MT địa phương có đối tượng tham gia trực tiếp NKPL.

 

Nguyễn Văn Hưng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn