Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường - Một số vấn đề thảo luận

02/12/2013

ông Võ Văn Chánh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

 

     Sau 8 năm thực hiện, Luật BVMT năm 2005 đã mang lại nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp BVMT của cả nước. Tuy vậy, quá trình thi hành Luật cũng bộc lộ bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

     Việc sửa đổi Luật BVMT năm 2005 được xây dựng trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản hay giải thể. Đây chính là một cơ sở thực tiễn, đòi hỏi các nhà làm luật cần có cái nhìn xác đáng để có thể đưa ra giải pháp mang tính đột phá trong luật pháp BVMT. Vấn đề đặt ra là cần có những quy định thông thoáng, tạo thuận lợi cho các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng mặt khác, vẫn phải đảm bảo được mục tiêu BVMT và phát triển bền vững.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn, bổ sung khắc phục những hạn chế của Luật BVMT ban hành năm 2005. Nhiều nội dung mới đã được đề cập như: Quy hoạch môi trường, kế hoạch BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường... Đây là những vấn đề xuất phát từ đòi hỏi của thực tế. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được trao đổi, thảo luận thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

     Một là, về bộ máy quản lý và trách nhiệm quản lý BVMT

     Trước tình hình thực tế hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trong tình trạng bộ máy quản lý môi trường bị “quá tải”; do vậy cần tính đến các tiêu chí thành lập Sở Môi trường ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, cần xác lập rõ trong Luật sửa đổi lần này, cơ quan chuyên môn về quản lý BVMT ở Trung ương và địa phương; thống nhất chức năng quản lý nhà nước về BVMT ở các lĩnh vực như quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông… hiện còn biểu hiện chia cắt, chồng chéo trong phân công giữa các Bộ, ngành từ khâu quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch, cho đến khâu thanh tra, kiểm tra…

     Hai là, vấn đề thanh tra, kiểm tra về BVMT

     Do thực trạng nêu trên về bộ máy và chức năng quản lý, thực tế thời gian qua đã nổi lên vấn đề chồng chéo, bất cập trong thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây phiền hà, thậm chí bức xúc cho nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý trách nhiệm bồi thường cho nhà nước nếu gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường đối với tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên chưa được quy định rõ ràng.

     Ba là, vấn đề quy hoạch BVMT, kế hoạch BVMT

     Vấn đề tiếp theo cần được thảo luận, liên quan các quy định mới về quy hoạch BVMT, kế hoạch BVMT. Tuy Luật BVMT hiện hành không quy định cụ thể về vấn đề quy hoạch BVMT do sự cần thiết, trên thực tế đã có một số tỉnh, thành phố thực hiện công tác này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do vậy, trong Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, cần thiết phải có quy định về nội dung quy hoạch, thẩm quyền lập quy hoạch và mối quan hệ giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch kinh tế - xã hội khác, nhất là các nguyên tắc xử lý trong tình huống nếu có xảy ra xung đột giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch khác.

 

Quan trắc nước tự động là công cụ hiệu quả trong giám sát

tuân thủ quy chuẩn môi trường

 

     Đối với quy định mới về kế hoạch BVMT, cần cân nhắc thêm giữa mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng quy định này (khi thay thế quy định hiện hành về lập bản cam kết BVMT) với tính hiệu năng của công cụ này nếu chỉ quy định theo hướng các chủ cơ sở sản xuất tự lập, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch mà thiếu đi sự kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng và thiếu quy định các biện pháp chế tài trong trường hợp kế hoạch BVMT của doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, kể cả trong giai đoạn xây dựng khi dự án chưa đi vào hoạt động chính thức.

     Bốn là, vấn đề đánh giá tác động môi trường

     Đánh giá tác động môi trường đã trở thành một công cụ góp phần tích cực thực hiện phương châm phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển nhượng, mua bán, nâng công suất, bổ sung, thay đổi nội dung dự án đầu tư là khá phổ biến; do vậy, trong việc sửa đổi Luật BVMT lần này, cần tính đến các quy định để thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường trở nên linh hoạt và sát hợp hơn với thực tế, tiếp tục phát huy hiệu quả.

     Năm là, về quy chuẩn môi trường và vấn đề quan trắc môi trường tự động

     Quan trắc tự động được cho là công cụ hiệu quả trong giám sát tuân thủ quy chuẩn môi trường, thời gian qua đã có nhiều tỉnh, thành phố đầu tư lớn để xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động về nước mặt, nước thải, không khí và các trang thiết bị kiểm chuẩn về quan trắc tự động. Tuy nhiên thực tế đến nay vẫn còn thiếu nhiều quy định mang tính pháp lý để công nhận, thừa nhận sử dụng số liệu quan trắc tự động, kèm theo quy định về kiểm chuẩn, chuẩn hóa trong hoạt động quan trắc tự động để phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT. Do vậy, đây cũng là vấn đề cần được đề cập trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).

     Nhìn chung, nhiều nội dung mới đã được đưa vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác BVMT trong thời gian tới. Hy vọng các vấn đề trao đổi, thảo luận vừa nêu sẽ góp phần hoàn thiện thêm cho bản Dự thảo Luật, để các quy định pháp luật về BVMT ngày càng đầy đủ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

 

Võ Văn Chánh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn