Banner trang chủ

Phật giáo Hòa Hảo với sứ mệnh bảo vệ môi trường

15/10/2019

     Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) ra đời ở Nam bộ năm 1939, có số lượng tín đồ khoảng 1,5 triệu người. Đồng bào PGHH đều là những nông dân lao động. Hiện nay, tín đồ có mặt ở 17 tỉnh, TP với 400 Ban Trị sự ở 400 xã, phường, thị trấn trải dài từ Mũi Cà Mau tới tỉnh Bình Định. Thời gian qua, Ban trị sự Trung ương (BTSTƯ) Giáo hội PGHH đã từng bước xác lập mối quan hệ phối hợp, bình đẳng với các tôn giáo bạn trong khuôn khổ Hiến chương của Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, Giáo hội PGHH luôn quan tâm và khuyến khích các tín đồ thực hiện tốt công tác BVMT, hưởng ứng phong trào cả nước chung tay BVMT.

     Những năm đầu của thế kỷ XX, thế chiến thứ I vừa đi qua đã để lại cho nhân loại nhiều nổi đau thương, tang tóc. Trong khi chưa hàn gắn được vết thương chiến tranh thì thế chiến lần thứ II lại nổ ra. Trước đó, Việt Nam đã phải chịu sự cai trị của chế độ thực dân Pháp đang suy yếu trước sự lớn mạnh của phe Trục (Đức, Italia, Nhật Bản), Nhân dân ta lại phải chịu cảnh “một cổ, hai tròng”. Nạn sưu cao, thuế nặng đã làm cho đời sống xã hội Việt Nam đi vào bước đường cùng. Trong hoàn cảnh này, ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

 

Tín đồ PGHH đóng góp công sức xây cầu nông thôn An Giang

 

     Kế thừa truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên, PGHH phát triển Giáo pháp “Học Phật Tu Nhân”, “Tại gia cư sĩ”, lấy việc báo đáp tứ ân làm căn bản tu hành (hạng tại gia cư sĩ theo giáo lý: “Là hạng người cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, gia đình, đồng bào và xã hội”). Giáo pháp “Học Phật Tu Nhân” dựa trên căn bản giáo lý của Phật giáo và dung  hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, chủ trương nhập thế hành đạo, phương pháp truyền đạo phù hợp với đại chúng nên không đầy tám năm, số tín đồ tin theo cả triệu người.

     Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chứng kiến hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường, không còn theo quy luật tự nhiên. Từ đó, Ngài đã có những lời truyền bảo tín đồ trong việc sinh hoạt hàng ngày phải biết giữ gìn, cũng như phải ăn ở hợp vệ sinh. Đây chính là việc Đức Giáo Chủ khuyên tất cả tín đồ phải tham gia BVMT. Cụ thể, đối với ăn ở: Kẻ tu hành ăn uống phải có điều độ, phải giữ gìn thân thể sạch sẽ, từ nhà cửa cho đến chỗ ăn, chỗ nằm. Bỏ những thói quen ăn ở dơ bẩn, vì xác thịt dơ bẩn thì tinh thần không thể nào mở mang được, nếu ai muốn được tiếp độ phải trong sạch cả tinh thần lẫn vật chất. Vì là những người tu tại gia nên tín đồ PGHH phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chân chất (không làm việc ác, làm các điều thiện, giữ tâm hồn trong sạch). Làm ăn nếu không tu hiền chân chất tất dễ bị lợi nhuận dẫn dắt vào con đường tham lam ích kỷ, xảo trá, bất lương, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và môi trường. Mặt khác, làm ăn là để tạo ra của cải vật chất, nhưng phải sử dụng tiết kiệm, có của dư mà làm việc “phước lợi cho chúng sinh” để chuyển hóa tính tham lam, vị kỷ; tiết kiệm của cải xã hội và tài nguyên thiên nhiên, góp phần BVMT sống trong sạch, an lành cho xã hội loài người (báo ân nhân loại).

     Tóm lại, nếp sống đạo của người tín đồ PGHH, không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải BVMT tốt đẹp, an toàn và bền vững.

     Những năm gần đây, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ TN&MT và các tổ chức tôn giáo về BVMT, ứng phó với BĐKH, giai đoạn 2015 - 2020 và Hướng dẫn số 46/HD-MTTW-TNMT ngày 4/4/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trong những năm qua, BTSTƯ Giáo hội PGHH đã tiến hành xây dựng kế hoạch và triển khai chuyên đề “BVMT, ứng phó với BĐKH” trong tổ chức Giáo hội gồm các chức việc, nhân viên thuộc BTSTƯ; Ban Đại diện PGHH các tỉnh, TP; Ban Trị sự Giáo hội PGHH cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang, được 2 lớp với số lượng 650 người tham dự. Đồng thời, triển khai cho các chức việc, nhân viên và một số tín đồ tiêu biểu thuộc Ban Đại diện PGHH tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang về BVMT, ứng phó với BĐKH; Lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản tại xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Kết quả đã triển khai được 7 lớp, với 1.586 người tham dự. Qua đó, những người tham dự đều nhận thức được BĐKH là rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của con người trên phạm vi toàn cầu. Việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH hiện nay là bổn phận và nghĩa vụ của mỗi người dân. Đây là việc sống còn của toàn nhân loại, mỗi người đều phải chung tay tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH.

     Bên cạnh đó, ở An Giang nói riêng, các tỉnh, TP đồng bằng sông Cửu Long nói chung, các tín đồ PGHH đã thực hiện nhiều mô hình hay về BVMT như: “Thu gom rác từng hộ gia đình”; “Xây bể chứa bao, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật”, sau đó có người đến thu gom đem đi tiêu hủy. Các mô hình này trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay là phổ biến, ngày càng được nhiều người đến tham quan, học tập.

     Ngoài ra, thời gian qua, PGHH luôn coi trọng hoạt động từ thiện xã hội và tôn chỉ hành đạo là học Phật, tu Nhân, tại gia cư sĩ, giáo huấn tín đồ về Tứ ân; thực hiện 8 điều răn cấm, cứu giúp người nguy khó, tương trợ trong quan, hôn, tang, tế và hoạt động từ thiện hữu ích cho xã hội. Giáo hội đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm,… chung tay xây dựng cầu bê tông cốt thép, bê tông hóa lộ nông thôn, tổ chức mô hình bếp ăn khuyến học của xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn; bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân, hỗ trợ mổ mắt, tổ chức xe chuyển bệnh nhân miễn phí, sưu tầm và chế biến thuốc Nam; thành lập Quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài của PGHH tỉnh Bến Tre; mô hình Trường Nội trú Khai Trí tại phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên… với tổng số tiền lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Riêng trong việc ứng phó với BĐKH, năm 2017, do ảnh hưởng xâm nhập mặn, Thường trực BTSTƯ đã tổ chức Đoàn vận chuyển trên 3.000 m3 nước ngọt đến cứu giúp nhân dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để có nước sinh hoạt.

     Để thực hiện tốt Chương trình phối hợp, trong năm 2019, BTSTƯ Giáo hội PGHH tiếp tục triển khai đến các nhân viên, chức việc thuộc BTSTƯ, Ban Đại diện PGHH các tỉnh, TP còn lại và đội ngũ giáo lý viên của BTSTƯ về công tác BVMT; Triển khai nội dung BVMT và ứng phó với BĐKH lồng ghép với các lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản. Đồng thời, BTSTƯ Giáo hội PGHH sẽ tổ chức hội thảo, tham quan tìm hiểu các mô hình hay để có kế hoạch nhân rộng mô hình BVMT; có kế hoạch khảo sát mức độ nhận thức và thực hành của tín đồ về việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.

     Bên cạnh đó, BTSTƯ luôn kêu gọi các tín đồ PGHH, đồng thời cũng là công dân của một nước hãy cùng chung tay tham gia thực thiện tốt việc BVMT và ứng phó với BĐKH, làm cho đất nước ngày càng văn minh, mọi người đều có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Nguyễn Tấn Đạt

Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

Ý kiến của bạn