Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Ngày hội Tái chế hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2015

05/11/2015

   Ngày hội Tái chế được tổ chức nhằm thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi, hỏng hoặc đã qua sử dụng đảm bảo theo các quy trình tái chế chất thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường. Chương trình đã thiết lập được 5 điểm thu gom chất thải điện tử miễn phí và dài hạn tại 5 phường trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm kêu gọi người dân Thủ đô chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch và an toàn.

Người dân mang các sản phẩm điện, điện tử đến điểm thu gom

   Các chuyên gia môi trường cảnh báo, chất thải điện tử là loại chất thải rất độc hại, có nguy cơ “hủy diệt” môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh... Các chất độc hại phát sinh từ chất thải của ngành điện tử, tập trung chủ yếu là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, crôm trong các bảng mạch, pin và các bóng đèn điện tử. Đáng nói là hiện nay, lượng chất thải điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tăng từng ngày. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dự báo, năm 2017, khối lượng chất thải điện tử trên toàn cầu tăng mỗi năm 33%, ước tính hơn 65 triệu tấn sẽ được thải ra trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, mỗi người thải ra môi trường khoảng 1kg chất thải điện tử, tổng lượng chất thải điện tử cả nước lên tới 90.000 tấn/năm.

   Ngoài ra, thống kê của UNEP cho thấy, trong chất thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác.

   Theo Trung tâm các vấn đề Quản lý tài nguyên và chất thải Châu Âu, sắt, thép là các nguyên tố phổ biến nhất trong các thiết bị điện và điện tử, chiếm hơn 50% tổng lượng chất thải điện và điện tử; nhựa chiếm khoảng 21%, các kim loại khác bao gồm Al, Zn, Cu, Sn, Cr, Au, Ag, Pt, Pd… chiếm xấp xỉ 13% tổng lượng chất thải điện và điện tử. Ngoài ra, trong chất thải điện tử còn có các chất độc hại khác như As, Cr (VI), Pb, Li, Hg….

   Nếu có cách xử lý và tái chế phù hợp, có thể thu hồi lại những kim loại quý trong sản phẩm điện tử cao cấp không sử dụng được nữa như vàng, bạc, palladium và đồng. Ví dụ, từ 1 triệu chiếc điện thoại di động, có thể thu hồi 24 kg vàng, 250 kg bạc, 9kg palladium và hơn 9 tấn đồng cùng nhiều kim loại khác.

   Để giảm thiểu những tác hại của chất thải điện tử đối với môi trường và cuộc sống người dân Việt Nam, cũng như thu hồi lại những nguyên liệu có trong chất thải điện tử, từ tháng 4/2015, Chương trình Thu hồi và tái chế chất thải điện tử đã được triển khai nhằm cung cấp dịch vụ thu gom, tái chế tất cả các sản phẩm điện, điện tử bị lỗi hoặc quá hạn sử dụng miễn phí cho các cơ quan nhà nước, tổ chức hiệp hội và doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình do Công ty HP và Apple sáng lập nhằm mục đích thí điểm thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất tại Việt Nam trong việc thu hồi và xử lý rác thải điện - điện tử.

   Theo ông Kok Wah Boey - Trưởng bộ phận quản lý môi trường - Công ty HP Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, việc tiêu hủy chất thải điện tử không đúng cách đã và đang gây ra những tác động tiêu cực lớn đối với môi trường. Thế nhưng, nhận thức của người dân về việc xử lý chất thải điện tử đúng cách lại rất hạn chế. Chương trình được phát triển dựa trên ý tưởng của các nhà sản xuất, người tiêu dùng và Chính phủ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc xử lý và tái chế chất thải điện tử một cách thân thiện với môi trường.

   Thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 9/9/2015 của UBND TP. Hà Nội về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2015, ngày 26/9/2015, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy, Ba Đình triển khai thí điểm Chương trình Thu gom và tái chế chất thải điện tử thông qua sự kiện Ngày hội Tái chế tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân. Trong khuôn khổ Ngày hội Tái chế hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2015, TP. Hà Nội đã bố trí 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí và dài hạn tại hai quận Cầu Giấy và Ba Đình, cụ thể: Quận Cầu Giấy (Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân - đối diện số 45 phố Nghĩa Tân - phường Nghĩa Tân; Nhà văn hóa phường Yên Hòa - số 288, đường Trung Kính - phường Yên Hòa); Quận Ba Đình (UBND phường Quán Thánh - số 12-14, đường Phan Đình Phùng - phường Quán Thánh; Bảo tàng Chiến thắng B.52 - số 157, đường Đội Cấn - phường Đội Cấn; UBND phường Thành Công - số 9, đường Thành Công - phường Thành Công).

   Ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: “Người dân Thủ đô hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về việc xử lý chất thải điện tử một cách đúng đắn. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến và ý nghĩa của Chương trình thu hồi và tái chế chất thải điện tử, cũng như những giá trị bền vững mà tổ chức hướng đến trong việc tạo nên một môi trường xanh cho Việt Nam. Chúng tôi hy vọng cộng đồng sẽ nhiệt tình tham gia và ủng hộ Chương trình, cũng như hoàn toàn tin tưởng rằng Chương trình sẽ tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường của Việt Nam”.

   Trong Ngày hội Tái chế và cả những ngày sau đó, người dân đều có thể mang các sản phẩm điện và điện tử hỏng đến bất cứ điểm nào tại 5 điểm trên để được thu gom và tái chế, nhằm loại bỏ các chất độc hại trong gia đình và bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như góp phần BVMT cho TP. Hà Nội. Chất thải điện tử được thu gom sẽ được phân loại theo từng dòng thiết bị, tháo dỡ và xử lý theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế. Trao đổi về sự kiện quan trọng này, ông Kok Wah Boey cho biết: “Thông qua Chương trình, chúng tôi hy vọng sẽ góp sức cùng chính quyền TP kêu gọi, tạo điều kiện và hỗ trợ người dân cùng thực hành tái chế rác thải điện tử một cách an toàn và khoa học, góp phần BVMT sống và sức khỏe người dân”.

   Tại Ngày hội Tái chế, nhân dân Thủ đô đã chứng kiến Lễ ký cam kết giữa lãnh đạo các quận/phường về thu gom, tái chế chất thải điện tử, mang các chất thải điện tử đến điểm thu gom; tham gia trò chơi tái chế, âm nhạc đường phố và nhận những phần quà ý nghĩa. Ngày hội Tái chế được xem là một trong những hoạt động tuyên truyền quan trọng của TP. Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cũng như khuyến khích người dân thực hành Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế chất thải (3T), đặc biệt là đối với chất thải điện tử.

   Hà Nội là Thủ đô của cả nước, luôn đi đầu trong công tác BVMT. Hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở TN&MT, các quận, phường và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, Chương trình thu hồi và tái chế chất thải điện tử sẽ được thực hiện sâu rộng, có sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân nhằm mang lại những nhận thức mới, tạo thói quen mới cho người dân TP, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân có nhu cầu bỏ chất thải điện tử như các thiết bị điện cá nhân và hộ gia đình, các sản phẩm điện và điện tử công nghiệp hay các thiết bị khác được nêu trong điều khoản thông tin của Chương trình có thể đến các điểm thu gom chất thải điện tử được ghi tại trang web: www.vietnamrecycles.com/ www.vietnamtaiche.com.vn.

Lê Thanh Thủy

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn