Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 21/11/2024

Luật Chăn nuôi năm 2018 - Quan điểm mới trong xử lý chất thải chăn nuôi

23/12/2019

     Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi. Đây là một mốc son quan trọng trong công tác hoàn thiện khung pháp lý và các công cụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chăn nuôi. Luật Chăn nuôi năm 2018 đã dành một Chương (12 Điều) với nhiều quan điểm mới quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và xử lý chất thải (XLCT) chăn nuôi. Luật đã tổng hợp nhiều chính sách, quy định liên quan đến XLCT chăn nuôi trên cơ sở “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”, đồng thời định hướng sử dụng chất thải chăn nuôi đã được xử lý cho mục đích trồng trọt hoặc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để thực thi Luật Chăn nuôi một cách hiệu quả, Bộ NN&PTNT cần ban hành các Thông tư hướng dẫn và một số Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) trước ngày 1/1/2020, thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.    

     Các chính sách và công nghệ trong XLCT chăn nuôi

     Trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (GDP0 của Việt Nam năm 2018, ngành chăn nuôi có trị giá 265 ngàn tỷ đồng, chiếm 5% GDP toàn quốc trong tổng số 24% GDP của ngành nông nghiệp. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nước ta ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, chính sách liên quan đến xử lý môi trường chăn nuôi nhưng hiệu quả quản lý trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Một số quy định, chính sách cụ thể trong lĩnh vực XLCT chăn nuôi trước khi có Luật Chăn nuôi, cụ thể như sau:

     Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 (số16/2004/PL-UBTVQH11ngày 24/3/2004) là văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chăn nuôi trước khi có Luật Chăn nuôi năm 2018. Tuy nhiên, trong lĩnh vực XLCT chăn nuôi, Pháp lệnh Giống vật nuôi mới chỉ đề cập ngắn gọn đến sự cần thiết phải BVMT khi sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi mà chưa nêu ra khung pháp lý cụ thể cho các quy định về xử lý môi trường chăn nuôi. 

     Luật BVMT năm 2014 (số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014) quy định việc BVMT trong ngành nông nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và giảm lượng chất thải đến mức tối thiểu. Luật cũng nhấn mạnh nhu cầu “tăng cường tái chế, tái sử dụng và giảm chất thải đến mức tối thiểu”. Liên quan đến việc BVMT trong chăn nuôi, điều 69 Luật BVMT quy định các khu chăn nuôi tập trung phải có phương án BVMT và đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn (CTR) theo quy định về quản lý chất thải; Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

     Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 (Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ) quy định: Các cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo phương thức trang trại, công nghiệp và cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường.

     Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa nội dung: Phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi thành một trong những hoạt động chính để xử lý môi trường chăn nuôi trong giai đoạn này.

     Để thực hiện các quy định về xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi theo Luật và các văn bản của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách có liên quan như:

     Quy chuẩn nước thải chăn nuôi (Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29/4/2016 công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi “QCVN 62-MT:2016/BTNMT”). Quy chuẩn quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Nguồn tiếp nhận nước thải là hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm, phá; vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định. Quy chuẩn quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5 mét khối trên ngày (m3/ngày) khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi (giá trị C) được quy định đối với nước thải chăn nuôi tại cột B như sau: pH = 5,5-9; BOD5 ≤ 100 mg/l; COD ≤ 300 mg/l; Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) ≤ 150 mg/l; Tổng Ni tơ ≤ 150 mg/l; Tổng Coliform ≤ 5000 MPN hoặc CFU /100 ml. Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh, từ 2 m3/ngày đến dưới 5 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống XLCT đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia. QCVN 62 không quy định quy chuẩn đối với sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích thủy lợi, tưới tiêu.

     Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học (Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 ban hành QCVN01-14/BNNPTNT đối với chăn nuôi lợn và QCVN 01-15:2010/BNNPTNT đối với chăn nuôi gia cầm). Thông tư quy định các trại chăn nuôi lợn phải có: Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu XLCT phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác; Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống XLCT trong quá trình chăn nuôi; CTR phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. CTR trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y; Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp. Nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn; trong chăn nuôi gia cầm, các trại phải có khu XLCT chăn nuôi và không được phép xả chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường.

 

Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định

 

     Hướng dẫn BVMT trong khu chăn nuôi tập trung (Quyết định 397/QĐ-CN-MTCN ngày 4/4/2017 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT)  quy định các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp XLCT trước khi thải ra môi trường: cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ sở diện tích từ 50 - 1.000 m2 phải có kế hoạch BVMT. Một số hướng dẫn về công nghệ xử lý cụ thể như sau: CTR được thu gom bằng một nhóm các biện pháp như ủ compost, công trình khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, xử lý nhiệt hoặc các giải pháp khác trước khi sử dụng trong cơ sở chăn nuôi hoặc đưa ra khỏi cơ sở chăn nuôi; CTR được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về vận chuyển chất thải hiện hành; nước thải phải được xử lý bằng một hoặc một nhóm các giải pháp như công trình khí sinh học, bể lắng, bể lọc, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các phương pháp khác đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối hoặc không chảy tràn ra môi trường xung quanh; nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đáp ứng QCVN 62-MT: 2016/BTNMT; giảm thiểu phát thải khí thông qua vệ sinh chuồng trại, sử dụng các chế phẩm sinh học, khơi thông cống rãnh, thu gom chất thải rắn, lỏng để xử lý thường xuyên nhằm trong quá trình chăn nuôi; xử lý tiếng ồn để ở các cơ sở chăn nuôi tập trung bằng tường bao, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu và không gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư xung quanh theo quy định tại QCVN 26: 2010/BTNMT về tiếng ồn.

     Trước khi có Luật Chăn nuôi năm 2018, chúng ta đã có một số khung pháp lý và quy định, quy chuẩn nhằm đảm bảo người chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đa số các quy định mới chỉ nêu ra các yêu cầu về xả thải mà chưa tính đến khả năng thực hiện của người dân. Cụ thể, các tiêu chuẩn về xả thải theo QCVN 62 khá cao dẫn đến công nghệ khí sinh học mà người dân đang áp dụng phổ biến không thể đáp ứng được. Hơn nữa, các quy định mới chỉ tập trung theo hướng xử lý chất thải chăn nuôi thật sạch để xả ra môi trường mà chưa chú trọng đến việc hỗ trợ người chăn nuôi chế biến, sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi để mang lại lợi ích kinh tế. Do vậy, các chi phí để xử lý môi trường chăn nuôi đã làm gia tăng chi phí sản xuất của người chăn nuôi, dẫn đến việc ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi trở nên không bền vững.

     Luật chăn nuôi năm 2018 - Quan điểm mới và những kỳ vọng về thay đổi công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi

     Luật Chăn nuôi năm 2018 được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực XLCT chăn nuôi, Luật Chăn nuôi dành một Chương với 12 Điều để quy định về các điều kiện chăn nuôi và XLCT chăn nuôi với những nội dung cơ bản sau:

     Về địa điểm chăn nuôi: Luật nghiêm cấm “chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường” (khoản 1 Điều 12). Luật cũng quy định việc “di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi” (khoản 2B, Điều 4).

     Quy mô chăn nuôi: Điều 53 của Luật Chăn nuôi năm 2018 đã quy định - Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống; mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp. Đây là những thông số cơ sở giúp cho việc tính toán mật độ chăn nuôi và sức chịu tải của môi trường, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển chăn nuôi trong dài hạn của địa phương cũng như kế hoạch xây dựng trang trại của nhà đầu tư chăn nuôi. Việc chuyển đổi từ xác định quy mô chăn nuôi bằng số đầu vật nuôi hay diện tích chuồng trại sang đơn vị tính bằng khối lượng sống trên một đơn vị diện tích đã cho phép tính toán sát với thực tế hơn lượng chất thải chăn nuôi nhằm có các biện pháp xử lý môi trường phù hợp. Luật cũng đưa ra những quy định cụ thể về chăn nuôi trang trại (Điều 55) và chăn nuôi nông hộ (Điều 56) và phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt quy định về mật độ chăn nuôi của địa phương (Điều 53).

     Quản lý các trang trại, hộ chăn nuôi: Điều 54 của Luật Chăn nuôi 2018 đã nhìn nhận ngành chăn nuôi là một ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác mạnh của ngành này đối với vấn đề kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm. Do đó, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với  UBND cấp xã và chỉ khi thực hiện việc kê khai thì tổ chức, cá nhân đó mới được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 57). Luật cũng đã bỏ quy định về đăng ký chăn nuôi và quy định chỉ trang trại quy mô lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Đây là quy định nhằm tránh phát sinh thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi, đặc biệt là đối với chăn nuôi nông hộ phục vụ mục đích tự tiêu dùng (Điều 58).

     Về XLCT trong chăn nuôi: Luật Chăn nuôi quy định cụ thể các trường hợp XLCT trong chăn nuôi trang trại (Điều 59) và XLCT trong chăn nuôi nông hộ (Điều 60), bổ sung quy định về xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi (Điều 61), cụ thể như:

     XLCTR có nguồn gốc hữu cơ: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm XLCTR có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản; CTR có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng; Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, BVMT.

     Đối với việc xử lý nước thải chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về BVMT; Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng; Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

     Xử lý khí thải chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi. Chủ chăn nuôi nông hộ phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh; vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, BVMT.

      Xử lý tiếng ồn trong chăn nuôi: Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi; tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.

     Luật Chăn nuôi năm 2018 đã thể hiện sự quan tâm lớn đến môi trường chăn nuôi thông qua việc đưa ra nhiều quy định cụ thể về địa điểm chăn nuôi, mật độ và quy mô chăn nuôi, đặc biệt là các quy định cụ thể hơn về XLCT chăn nuôi theo hướng sử dụng cho mục đích cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Tuy nhiên, để Luật Chăn nuôi thực hiện hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như đóng góp cho phát triển của ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cần phải ban hành thêm các Thông tư, hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các công nghệ khuyến cáo người dân áp dụng để đáp ứng yêu cầu của Luật. Cụ thể (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng CTR có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi cho cây trồng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi dùng cho cây trồng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi làm thức ăn cho thủy sản; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải trong chăn nuôi).

     Việc ban hành các QCVN nói trên là cơ sở pháp lý để người chăn nuôi áp dụng các công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật. Đồng thời, có thể thay đổi các công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi đang rất tốn kém chi phí đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhằm “XLCT chăn nuôi thật sạch để xả ra môi trường” như hiện nay sang các công nghệ “XLCT chăn nuôi thành phân bón, thức ăn cho thủy sản,…” vừa đem lại lợi ích kinh tế lại vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi một cách bền vững.

 

 

TS. Nguyễn Thế Hinh

Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trướng, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn