Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Lựa chọn tài khoản xanh cho Việt Nam

14/01/2015

     Với hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) hiện hành coi nguồn TN&MT được sử dụng vào sản xuất như một yếu tố cấu thành của thu nhập quốc dân, mà không coi đó là khoản khấu hao của nguồn tài nguyên. Nhiều sản phẩm/dịch vụ môi trường chưa được đánh giá và hạch toán đầy đủ vào hệ thống hạch toán hiện hành dẫn đến nhìn nhận chưa đúng về tăng trưởng. Hiện nay, Liên hợp quốc đã ban hành khung tính GDP xanh thống nhất trên toàn thế giới để áp dụng triển khai.

     Không nằm ngoài quy luật đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận đưa hạnh toán xanh (HTX) trong tài khoản quốc gia. Ngày 2/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó dự kiến sẽ xây dựng và áp dụng chỉ tiêu GDP xanh trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ năm 2014. Tuy nhiên, việc triển khai cũng mới dừng lại ở tính toán thử nghiệm, bởi hai nghiên cứu độc lập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

     Để có thể định hướng triển khai tính GDP xanh trong thực tế, bài viết cung cấp cho độc giả cách thức lựa chọn tài khoản xanh (TKX) cho Việt Nam trong tương lai gần.

     1.Khái niệm hạch toán quốc gia xanh

     Trong những năm 70 của thế kỷ XX, việc HTX đã được nhiều nước phát triển như Na Uy, Canađa, Pháp và Hà Lan triển khai, theo đó họ xây dựng một cơ chế tích hợp các thiệt hại môi trường và khấu hao tài nguyên vào hạch toán kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1993, Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới mới xây dựng bản hướng dẫn về "Hệ thống hạch toán kinh tế và môi trường tổng hợp - SEEA", và được chỉnh sửa vào các năm 2003 và 2009.

     Về cơ bản, SEEA là một hệ thống các tài khoản được phát triển dựa trên SNA truyền thống nhưng đã gắn kết thêm các tài khoản về tài nguyên, chi phí xử lý ô nhiễm và các thiệt hại môi trường. Cách tiếp cận này được xem như là hạch toán quốc gia xanh và giúp tính toán GDP xanh. Có thể thấy, GDP xanh phản ánh thực chất hơn chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế. Công thức cơ bản tính GDP xanh như sau:

     GDPxanh= GDPtruyền thống- Σ (Khấu hao tài nguyên, thiệt hại do ô nhiễm môi trường)

     Có thể thấy, GDP xanh là một chỉ số phản ánh kết quả của hoạt động kinh tế có tính đến khấu hao tài nguyên, và các thiệt hại của các nhân tố tăng trưởng gây lên đối với môi trường, như các chi phí cho hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý môi trường, cũng như quy đổi giá trị của đa dạng sinh học mất đi, tác động của ô nhiễm môi trường và BĐKH.

     Việc gắn kết các TKX vào SNA hiện nay là rất phức tạp và khó khăn. Vì lẽ đó, đối với những nước đã thử nghiệm đều không có ý định đưa tất cả các TKX như theo khung SEEA, mà họ chỉ lựa chọn một số TKX được xem là quan trọng nhất đối với nền kinh tế của mình, như tài khoản tài nguyên (than, dầu, khí) và một số các chi phí môi trường (chi phí giảm phát thải CO2, thiệt hại môi trường). Hơn nữa, chỉ một số ít quốc gia như Đan Mạch, Ôxtrâylia là tiến hành gắn kết TKX vào SNA hàng năm, còn những quốc gia khác đã áp dụng cũng chỉ tiến hành 2 - 3 năm hoặc thậm chí 5 năm một lần. Đối với các nước đang phát triển, xây dựng các TKX vẫn được xem là giai đoạn tự nguyện thử nghiệm, vì nó chưa bị ràng buộc pháp lý.

     Việc áp dụng hạch toán xanh theo khuôn khổ SEEA ở nhiều nước cũng rất linh hoạt và Việt Nam có thể áp dụng tương tự mặc dù sẽ có một số thách thức ban đầu. Phát triển các TKX gắn kết với SNA sẽ cung cấp chính sách quan trọng cho nhà hoạch định chính sách.

     Thứ nhất, biên soạn các TKX sẽ giúp Tổng cục Thống kê trong việc thực hiện Quyết định số 43 của Thủ tướng về hệ thống chỉ số thống kê của Việt Nam.

     Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện Chiến lược TTX. Xây dựng các TKX cho thấy, cam kết thực tế trong việc thực hiện Chiến lược.

     Mặc dù đã xây dựng được khung phương pháp tính GDP xanh cho Việt Nam, tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế vẫn gặp vướng mắc, đặc biệt là số liệu thống kê. Vì vậy, cần có cách tiếp cận thực tế hơn, trong đó việc lựa chọn tài khoản để tính GDP xanh cũng phải xem xét ở các tiêu chí khác nhau.

     2. Tiêu chí và những gợi ý lựa chọn TKX cho ở Việt Nam

     Các tiêu chí lựa chọn TKX

     Dựa vào kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những kinh nghiệm của các nước đang phát triển, việc lựa chọn các TKX để xây dựng khung tính toán GDP xanh cho Việt Nam dựa vào các tiêu chí:

     Tập trung vào các TKX quan trọng đối với nền kinh tế. Các tài khoản tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với nền kinh tế có thể được lựa chọn, bao gồm tài nguyên khoáng sản, nước, rừng, đất... Tương tự như vậy, các tài khoản môi trường như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, các khí nhà kính (đặc biệt là khí thải CO2), chất thải rắn cũng có thể được lựa chọn. Ngoài ra, chi tiêu cho môi trường cũng nên tách ra khỏi chi tiêu khác của SNA để phân tích vai trò và trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình trong BVMT.

 

Bảng 1. Ma trận phân tích lựa chọn TKX cho Việt Nam

Các tài khoản lựa chọn

Tầm quan trọng đối với nền kinh tế?

Sự rõ ràng của phương pháp?

Sự có sẵn của số liệu?

Đã được tính thử nghiệm?

I. Các tài khoản tài nguyên

1. Dầu thô

Quan trọng

Đã rõ

Sẵn có dạng hiện vật và tiền tệ

Đã được thử nghiệm

2.Than

Quan trọng

Đã rõ

Sẵn có dạng hiện vật và tiền tệ

Đã được thử nghiệm

3. Khí đốt

Quan trọng

Đã rõ

Sẵn có dạng hiện vật và tiền tệ

Đã được thử nghiệm

4. Đất

Quan trọng

Chưa thống nhất quy đổi giá trị hiện vận sang tiền tệ

Có dạng hiện vật/khó chuyển đổi sang tiền tệ

Chưa được thử nghiệm

5. Rừng

Quan trọng

Chưa thống nhất quy đổi giá trị hiện vận sang tiền tệ

Có dạng hiện vật/khó chuyển đổi sang tiền tệ

Chưa được thử nghiệm

6. Nước

Quan trọng

Chưa thống nhất quy đổi giá trị hiện vận sang tiền tệ

Có dạng hiện vật/khó chuyển đổi sang tiền tệ

Chưa được thử nghiệm

 

II. Các tài khoản ô nhiễm

1. Khí nhà kính (CO2 quy đổi)

Quan trọng

Đã rõ

Có dạng hiện vật/chưa có hệ số phát thải trực tiếp, chi phí xử lý theo phân ngành theo IO

Đã được thử nghiệm (sử dụng hệ số của nước ngoài nghiên cứu cho Việt Nam)

2. Các chất ô nhiễm không khí

Khá quan trọng

Đã rõ

Có dạng hiện vật/chưa có hệ số phát thải trực tiếp, chi phí xử lý theo phân ngành theo IO

Chưa được thử nghiệm

3. Nước thải

Quan trọng

Đã rõ

Có dạng hiện vật/chưa có hệ số phát thải trực tiếp, chi phí xử lý theo phân ngành theo IO

Chưa được thử nghiệm

4. Chất thải rắn

Quan trọng

Đã rõ

Có dạng hiện vật/chưa có hệ số phát thải trực tiếp, chi phí xử lý theo phân ngành theo IO

Chưa được thử nghiệm

III. Các tài khoản chi tiêu cho môi trường

1. Chi tiêu công

Quan trọng

Đã rõ

Có dạng tiền tệ/chưa đầy đủ

Đã được thử nghiệm

2. Thiệt hại do ô nhiễm

Quan trọng

Chưa rõ

Chưa có

Chưa được thử nghiệm

 

     Bước đầu tập trung vào các tài khoản mà thông tin đầu vào có sẵn hoặc thu thập được trong tương lai. Hệ thống thống kê của Việt Nam hiện nay có thể cung cấp thông tin đầu vào cơ bản cho một số TKX, như tài nguyên khoáng sản, tài khoản CO2 và tài khoản chi tiêu công cho môi trường, mặc dù thông tin có thể còn phân bố rải rác và chưa thống nhất.

     Cần xây dựng các tài khoản mà phương pháp luận tính toán đã rõ ràng và thống nhất. Theo sổ tay hướng dẫn SEEA của Liên hợp quốc cũng như kinh nghiệm của nhiều nước, việc tiếp cận xây dựng các TKX gắn kết vào hệ thống SNA là rõ ràng nhưng cũng có một vài vấn đề với phương pháp tính toán và việc áp dụng trong thực tế. Trong một vài trường hợp, nó được dựa trên một số giả định trừu tượng. Đối với Việt Nam, những tài khoản đã có phương pháp tính toán rõ ràng nên được lựa chọn để tránh thảo luận không cần thiết về sau.

     Các TKX được lựa chọn nên được xây dựng ở cả hai dạng hiện vật và giá trị. Các TKX cần được xây dựng bằng tiền để gắn kết được với SNA hiện hành. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều nước về việc áp dụng HTX cho thấy, phân tích các TKX hiện vật trong nhiều trường hợp có thể đưa ra nhiều gợi ý chính sách có ý nghĩa hơn là tiền tệ. Các tài khoản dưới dạng hiện vật cũng có thể được sử dụng để tính toán hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc cường độ phát thải.

     Lựa chọn TKX cho Việt Nam

     Cho đến nay, đã có một số nghiên cứu, tham luận liên quan đến hạch toán “xanh” ở Việt Nam với những đề xuất tập trung vào 3 nhóm chính: Nhóm tài khoản tài nguyên đất, nước, khoáng sản (tài nguyên năng lượng không tái tạo, các loại khoáng sản khác), rừng, thủy sản, tài nguyên ven biển, đa dạng sinh học; Nhóm tài khoản ô nhiễm nước, không khí, chất thải rắn; Nhóm chi tiêu công cho môi trường. Bảng ma trận dưới đây sẽ phân tích lựa chọn TKX cho Việt Nam.

 

Hồ Công Hòa

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Đỗ Lê Thị Minh

Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn