Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Kết quả triển khai Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy giai đoạn 2013 - 2014 và định hướng Giai đoạn 2015 - 2016

02/03/2015

     Lưu vực (LV) sông Nhuệ - sông Đáy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng. LV sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn LV sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, TP: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội trong LV sông Nhuệ - sông Đáy diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mang lại thì tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường nước nói riêng trong LV ngày càng nghiêm trọng, dòng chảy bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, ngày 29/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020” tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ TN&MT trên toàn LV sông Nhuệ - sông Đáy.

     1. Diễn biến chất lượng nước LV sông Nhuệ - sông Đáy tại năm 2014

     Diễn biến chất lượng nước sông Nhuệ: Tại khu vực đầu nguồn (sau khi nhận nước sông Hồng), nước sông hầu như không bị ô nhiễm. Từ đoạn sông chảy qua khu vực quận Nam Từ Liêm cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước đã bắt đầu bị ô nhiễm: Giá trị các thông số BOD5, COD, tại các điểm đo đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại A1 nhiều lần, riêng thông số Coliform, N- NH4+ vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại B1. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Bắc và Nam Từ Liêm, quận Hà Đông và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp (CCN) Từ Liêm và làng nghề Phú Đô...

     Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ đã bị ô nhiễm đáng kể. Có thể thấy, nước thải sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của toàn bộ các quận nội thành Hà Nội) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Nhuệ (đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi).

 

Biểu đồ 1. Diễn biến hàm lượng COD trên sông Nhuệ

 

Biểu đồ 2. Diễn biến hàm lượng BOD5 trên sông Nhuệ
   Nguồn: TCMT

 

     Dọc theo đoạn sông từ sau khi nhận nước sông Tô Lịch cho tới cuối nguồn (hợp lưu với sông Đáy), mức độ ô nhiễm của nước sông Nhuệ giảm dần do khả năng tự làm sạch của dòng sông và áp dụng giải pháp đưa nước sông Tô Lịch qua hệ thống hồ điều hòa Yên Sở bơm ra sông Hồng.

     Diễn biến chất lượng nước sông Đáy: Môi trường nước tại sông Đáy đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Các giá trị COD hầu hết vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại A1. Tại hầu hết các điểm quan trắc giá trị N- NH4+ và Coliform đều đạt và vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại B1. Ở khu vực hạ lưu, mức ô nhiễm trên sông Đáy có xu hướng giảm. Đến TP. Phủ Lý (Hà Nam), nước sông Đáy chủ yếu bị ô nhiễm hữu cơ ở từng đoạn sông với các mức độ khác nhau.

 

Biểu đồ 3. Diễn biến hàm lượng COD trên sông Đáy

 

Biểu đồ 4. Diễn biến hàm lượng BOD5 trên sông Đáy
   Nguồn: TCMT

 

     Hạ lưu sông Đáy (từ Kim Sơn - Ninh Bình ra cửa Đáy): Nguồn thải thượng nguồn dồn về đã được pha loãng cộng với quá trình tự làm sạch của dòng sông nên chất lượng nước ở hạ lưu sông Đáy được cải thiện so với các đoạn trên. Các điểm Gián Khẩu, Đò Mười, Cửa Đáy giá trị TSS vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại B1.

     2. Kết quả triển khai Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2013 - 2014

     Nhằm tạo hành lang pháp lý và cụ thể hóa, việc triển khai Đề án đã được tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, các cấp phê duyệt ban hành, đặc biệt là: Quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy trên cổng thông tin điện tử tại Quyết định số 02/QĐ-UBSNĐ ngày 5/3/2013; Chương trình mục tiêu về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg; Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014... Đồng thời, các tỉnh, TP trên LV sông đã ban hành 34 văn bản về cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành nhằm triển khai các hoạt động BVMT nói chung và BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng.

     Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 và Dự thảo Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu đã nhấn mạnh nhiệm vụ BVMT nước sông; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LV sông; quy định về việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phải phù hợp với sức chịu tải và hạn ngạch xả thải của nguồn tiếp nhận; mọi nguồn thải nước thải phải được điều tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến BVMT LV sông là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm triển khai thành công Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy.

 

Hội nghị lần thứ sáu Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy,

nhiệm kỳ II diễn ra tại tỉnh Hà Nam vào tháng 11/2014

 

     Bên cạnh đó, Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đã kiểm tra tình hình triển khai Đề án và khảo sát thực tế CCN Ngọc Hồi (TP. Hà Nội); Công ty CP Bất động sản An Thịnh và DNTN Sản xuất dịch vụ - Thương mại Minh Đức (Hòa Bình); Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam (Ninh Bình); Khu Công nghiệp Đồng Văn II và Công ty TNHH Mavin (Hà Nam); Khu Công nghiệp Hòa Xá (Nam Định).

     Trong giai đoạn 2013 - 2014, Bộ TN&MT đã tập trung thanh tra, kiểm tra đối với 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào LV sông Nhuệ - sông Đáy với tổng số tiền phạt hơn 6,7 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công An đã phát hiện, điều tra xử lý nhiều vi phạm pháp luật về BVMT trên LV sông Nhuệ - sông Đáy, trong đó đã phát hiện và xử lý 91 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT với tổng số tiền phạt là 2,5 tỷ đồng.

 

 

Đoàn công tác kiểm tra tình hình BVMT tại Công ty An Thịnh, tỉnh Hòa Bình,

doanh nghiệp nằm trên LV sông Nhuệ - sông Đáy

 

Các địa phương trên LV đã xử lý được 38/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, 5 cơ sở vẫn trong giai đoạn triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, hiện nay chỉ có tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội đã hoàn thành công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

     Bảng 1. Tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng tại các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2014

Tỉnh, thành phố

Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg

Theo QĐ 1788

Cơ sở mới phát sinh

Số cơ sở đã xử lý

Tổng số

Số cơ sở đã xử lý

Tổng số

Số cơ sở đã xử lý

Tổng số

Hòa Bình

1

2

 

 

 

25

Hà Nội

23

23

0

3

 

3

Hà Nam

2

4

2

7

 

 

Nam Định

4

6

15

16

 

 

Ninh Bình

8

8

1

2

 

3

 

     Đối với các nhiệm vụ, dự án liên vùng cấp Trung ương, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường triển khai nhiệm vụ “Phân vùng môi trường phục vụ quản lý và cải thiện chất lượng nước các đoạn sông thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy”; Phối hợp với Sở TN&MT TP. Hà Nội xây dựng 2 Trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt trên sông Nhuệ - sông Đáy tại cầu Tó, Tả Thanh Oai và Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), hiện 2 trạm đã đi vào vận hành thử nghiệm; Dự án thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Nhuệ công suất 400 m3/ngày, đêm, tại 2 thôn Phú Hà, Phú Thứ, quận Nam Từ Liêm đang tiến hành thi công… Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 cũng đã dành nguồn lực ưu tiên xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường trên các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình với tổng kinh phí phân bổ đến năm 2014 là 58,4 tỷ đồng.

     Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã lập Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương trong LV sông Nhuệ - sông Đáy triển khai các dự án trồng và bảo vệ rừng, đã khoán bảo vệ 117.808 ha rừng; triển khai dự án trạm bơm Ngoại Độ II tiêu úng cho 9.000 ha; dự án tiếp nước sông Tích; dự án nạo vét dòng chính sông Đáy; xây dựng trạm bơm tiêu Yên Nghĩa giai đoạn I.

     Mặt khác, các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy đã triển khai hơn 100 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong LV như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; Mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và TP. Hà Nội; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện tại các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy; Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải của TP. Hà Nội, Khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Tô Lịch; Cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ trên địa bàn TP. Hà Nội để quản lý đất đai, đê điều, trật tự xây dựng, chống lấn chiếm hành lang sông trên toàn LV sông… Đây là sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LV sông.

     Triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra LV sông Nhuệ - sông Đáy là nội dung trọng tâm và triển khai đồng thời cả ở cấp Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2013 - 2014.

     Ở cấp Trung ương: Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy”, Tổng cục Môi trường cũng đang phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra, bổ sung nguồn thải trên LV. Theo số liệu thống kê, ước tính sơ bộ của Tổng cục Môi trường, tính đến tháng 10/2014 có khoảng 1.942 nguồn thải lỏng, trong đó: 1.639 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSX. KD); 28 nguồn thải là KCN, CCN; 132 cơ sở y tế (bệnh viện); 143 làng nghề.

     Tại tỉnh Hà Nam: Tiến hành điều tra, thống kê bổ sung nguồn thải tại địa phương, tổng nguồn thải được thống kê gồm 23 đơn vị, cơ sở với tổng lưu lượng nước thải khoảng 3.789,2 m3/ngày, đêm.

     Tại tỉnh Hòa Bình: Triển khai nhiệm vụ “Điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường vùng LV sông Nhuệ - sông Đáy tỉnh Hòa Bình, xây dựng kế hoạch BVMT giai đoạn 2012 - 2020”. Có khoảng 56/150 cơ sở, doanh nghiệp có phát sinh nước thải với tổng số lưu lượng thải khoảng 2.500 m3/ngày, đêm.

     Tại tỉnh Nam Định: Đang xây dựng kế hoạch điều tra thống kê các nguồn thải (nước thải) ra LV sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn tỉnh.

     Tại tỉnh Ninh Bình: Tổng lượng nước thải công nghiệp ước tính tại 4 khu công nghiệp khoảng 10.150 m3/ngày, đêm; Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước khoảng 58.540m3/ngày, đêm (21.367.100m3/năm); Nước thải y tế phát sinh chủ yếu từ các bệnh viện, trung tâm y trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 577.612 m3/năm, đã được xử lý cơ bản.

     Bảng 2. Phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương LV sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2013 - 2014

      Đơn vị: triệu đồng

TT

Địa phương

Năm 2013

Năm 2014

NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho ĐP

Số Bộ TC giao chỉ tiêu hướng dẫn

Số HĐND giao

Số Bộ TC giao chỉ tiêu hướng dẫn

Số HĐND giao

Năm 2013

Năm 2014

1

Hà Nội

1.255.940

2.231.280

1.127.550

1.808.988

 

 

2

Hà Nam

46.150

48.301

46.150

49.483

24.784

10.000

3

Nam Định

134.000

134.000

135.340

135.340

29.131

1.000

4

Hòa Bình

35.780

 

36.140

59.524

 

4.000

5

Ninh Bình

48.400

73.645

48.400

80.856

 

2.500

 

Tổng

1.520.270

2.487.226

1.393.580

2.134.191

53.915

17.500

 

     Tại Thành phố Hà Nội: Tiến hành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào LV sông Nhuệ - sông Đáy.

     Nói chung, công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra LV sông Nhuệ - sông Đáy đều đã được triển khai. Tuy nhiên, công tác này không được thực hiện thường xuyên hàng năm, phần lớn do ngân sách hạn hẹp; cách thức triển khai thống kê, điều tra nguồn thải lỏng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập bản đồ nguồn ô nhiễm trên mỗi địa phương khác nhau, không thống nhất dẫn đến chia sẻ, tổng hợp và đánh giá trên toàn LV khó khăn.

     3. Kế hoạch triển khai Đề án BVMT sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2015 - 2016

     Trong nhiệm kỳ III, giai đoạn 2015 - 2016, Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy và các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

     Cấp Trung ương

     Bộ TN&MT: Thành lập Chi cục BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy theo chỉ đạo tại Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải trên LV sông Nhuệ - sông Đáy; thúc đẩy và giám sát thực thi quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy trên cổng thông tin điện tử theo Quyết định số 2/QĐ-UBSNĐ…

     Bộ Xây dựng: Chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các khu vực dân cư, khu công nghiệp trên LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013 và khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự thảo Quy hoạch quản lý chất thải rắn tại các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.

     Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn cụ thể về tài chính và xây dựng cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm.

     Bộ Công thương: Tiếp tục ban hành các chế tài quy định và chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng ISO 14001, để đạt được mục tiêu mà Đề án đã đề ra.

     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với UBND các tỉnh, TP trong LV triển khai các dự án đầu tư theo lộ trình tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 1/7/2009 về việc Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ.

     Bộ Khoa học và Công nghệ: Triển khai việc giới thiệu các công nghệ về môi trường như xử lý chất thải rắn, nước thải trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện Việt Nam...

     Cấp địa phương

     UBND các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy: Chỉ đạo rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được UBND tỉnh, TP phê duyệt tại Kế hoạch triển khai Đề án và đề xuất Kế hoạch triển khai Đề án đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg; Xác định các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo trình tự ưu tiên giải quyết; Rà soát toàn bộ các nguồn thải gây ô nhiễm LV sông Nhuệ - sông Đáy; Xây dựng danh mục các điểm nóng ô nhiễm môi trường…

 

Nguyễn Thượng Hiền, Phó Chánh Văn phòng

Trần Thị Lệ Anh, Nguyễn Thái Quang

Văn phòng Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

Ý kiến của bạn