Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Kết quả thực hiện Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

06/11/2013

     Ngày 22/4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (sau đây gọi là Kế hoạch). Bản Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2007, tiến hành xử lý điểm đối với 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) được phê duyệt tại Phụ lục 1 và 2 kèm theo với mục tiêu cơ bản là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, tạo dựng hành lang pháp lý cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2 (2008 - 2012), các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhân rộng, tiến hành xử lý triệt để đối với 3.856 cơ sở gây ÔNMTNT còn lại và các cơ sở khác mới phát sinh. Bài viết tập trung nêu bật một số kết quả đạt được qua 10 năm triển khai Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và một số giải pháp định hướng trong thời gian tới.

 

                                                              

 

     1. Các kết quả đạt được

     Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đã đạt được những kết quả quan trọng:

     Hoàn thiện cơ chế, chính sách

     Việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT là mục tiêu cơ bản được đặt ra trong giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch, đã được Bộ TN&MT đặc biệt quan tâm. Cho đến nay, về cơ bản đã xây dựng được một hành lang pháp lý khá đồng bộ từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đến các chế tài xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước.

     Về hỗ trợ vốn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích có tên trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 5/7/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg theo nguyên tắc hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án xử lý ô nhiễm triệt để thuộc khu vực công ích.

     Về chế tài xử lý, lần đầu tiên nội dung xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đã được quy định tại Luật BVMT 2005, trong đó ngoài các biện pháp xử lý hành chính, các cơ sở này còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; cấm hoạt động. Đối với các cơ sở thực hiện không đúng nội dung, tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, với mức tiền phạt vi phạm từ 50 - 70 triệu đồng. Đây là quy định có tính chất răn đe buộc các cơ sở gây ÔNMTNT phải thực hiện biện pháp xử lý triệt để.

     Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách hay của các địa phương cũng đã được nhân rộng như: chính sách thưởng đối với các cơ sở di dời trước và đúng tiến độ của TP. Hà Nội, hỗ trợ đào tạo người lao động của TP. Đà Nẵng, hỗ trợ tài chính về đất đai của TP. Hồ Chí Minh.

     Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xử lý ô nhiễm

     Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, vốn đầu tư cho công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bao gồm: vốn từ ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương, vốn vay ODA, vốn vay Quỹ BVMT Việt Nam, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn tự có của doanh nghiệp.

     Theo số liệu thống kê, cho đến nay, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ có mục tiêu cho 305 dự án xử lý ô nhiễm triệt để với tổng số kinh phí khoảng 3.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương đã hỗ trợ 57 dự án xử lý ô nhiễm triệt để với tổng kinh phí hơn 282 tỷ đồng và có 108 cơ sở tự đầu tư với tổng số kinh phí gần 1.865 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ BVMT Việt Nam cũng đã hỗ trợ 13 dự án xử lý ÔNMTNT được vay ưu đãi với tổng số kinh phí gần 43 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí tự đầu tư của cơ sở, một số địa phương đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế với tổng kinh phí hơn 607 tỷ đồng.

     Nhìn chung, việc bố trí kinh phí từ ngân sách cho các dự án xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg từ nguồn sự nghiệp môi trường mới chỉ có chuyển biến tích cực kể từ khi Quốc hội phê chuẩn quyết định hàng năm ngân sách nhà nước dành chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế, một trong những nguyên nhân chủ yếu là các dự án này mới chỉ được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chứ chưa được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, chưa có dự án xử lý ô nhiễm triệt để nào được bố trí hỗ trợ từ nguồn kinh phí này.

     Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để

     Được coi là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT, hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành đã luôn được Bộ TN&MT đẩy mạnh triển khai trong thời gian vừa qua. Tính đến nay, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập hơn 40 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg trên phạm vi cả nước; phối hợp với các địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới trên 10 tỷ đồng và thực hiện công khai thông tin các cơ sở gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/2008/CT-TTg ngày 5/6/2008 về một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT.

     Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát liên ngành đã được Bộ TN&MT, các địa phương triển khai hàng năm khá đồng bộ tại các cơ sở gây ÔNMTNT, tạo sự răn đe, buộc các cơ sở này phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý triệt để. Qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT.

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

     Bộ TN&MT đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các trang điện tử thực hiện chương trình truyền thông chuyên đề về các hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg trên phạm vi cả nước; trong đó, tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc, các giải pháp thực thi có hiệu quả Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; tuyên truyền về tình hình triển khai thực hiện Quyết định tại các bộ, ngành, địa phương; công khai danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT cố tình chây ỳ, không thực hiện đúng tiến độ xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuyên truyền, đẩy mạnh công tác giám sát của cộng đồng dân cư xung quanh các cơ sở gây ÔNMTNT,... Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các bộ, ngành và địa phương đã có sự quan tâm và nhận thức đầy đủ hơn về công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn.

     Tiến độ xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT có nhiều chuyển biến tích cực

     Với các cơ chế, chính sách đã được ban hành, các giải pháp đã và đang được đẩy mạnh trong thời gian qua, tiến độ xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ÔNMTNT có tên tại Phụ lục 1 và 2 của Kế hoạch phải xử lý trong giai đoạn 1, đến nay có 378 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ÔNMTNT (chiếm 86,1%) và 61 cơ sở đang triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm (chiếm 13,9%).

     Bên cạnh việc tập trung xử lý đối với 439 cơ sở gây ÔNMTNT nêu trên, nhiều địa phương đã tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ÔNMTNT khác, điển hình như: UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch di dời 1.402 cơ sở sản xuất kinh doanh, kết quả đã hoàn thành di dời đối với 1.261 cơ sở. UBND TP. Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch di dời gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành.

     Như vậy, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đã đem lại những hiệu ứng nhân rộng không chỉ đối với các cơ sở có tên trong Kế hoạch được xử lý mà còn đối với các cơ sở nằm ngoài Kế hoạch. Xét về chỉ tiêu các cơ sở xử lý hoàn thành theo Kế hoạch đạt được 86,1%, song nếu xét cả các cơ sở gây ÔNMTNT khác đã được xử lý trong thời gian qua, số lượng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý đã lớn hơn nhiều.

     2. Các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

     Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và kết quả rà soát, phân loại theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT, đến nay vẫn còn 376 cơ sở gây ÔNMTNT chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng phát sinh các cơ sở gây ÔNMTNT mới. Một số Bộ, ngành và địa phương chậm rà soát, phát hiện các cơ sở này để đưa vào danh mục cần phải xử lý. Để dẫn đến tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

     Nguyên nhân khách quan

     Thứ nhất, suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm cuối của thập kỷ trước cũng như tình trạng lạm phát tăng cao ở nước ta trong một vài năm trở lại đây đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như việc đầu tư của các doanh nghiệp. Phần lớn, các doanh nghiệp phải tập trung đối phó với những khó khăn về nguồn vốn, tình hình giá cả bất ổn, nhiên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, đặc biệt là thị trường bị thu hẹp. Do đó, đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, dẫn đến tiến độ xử lý còn chậm.

     Thứ hai, nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích mới chỉ được tăng cường trong một vài năm gần đây và vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ cho 305 dự án xử lý ô nhiễm triệt để với tổng số kinh phí khoảng 3.300 tỷ tỷ đồng, song số kinh phí này được phân bổ tập trung chủ yếu trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011 và năm 2012.

     Thứ ba, năng lực và mạng lưới các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ về môi trường ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được đối với nhu cầu của các cơ sở gây ÔNMTNT khi tiến hành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Trên thực tế có nhiều cơ sở rất khó khăn trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn để thiết kế, lắp đặt công trình xử lý chất thải. Một số công trình xử lý chất thải sau khi được lắp đặt, vận hành có chất lượng kém, tiêu hao nhiều nguyên liệu, nhanh chóng bị xuống cấp dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở bị tái diễn.

     Thứ tư, trong thời gian qua, cùng với việc Quốc hội đã thông qua Luật BVMT 2005, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật đã nhanh chóng được ban hành, tạo một hệ thống pháp luật khá đồng bộ về BVMT. Tuy nhiên, với việc nhiều quy định mới về trách nhiệm của cơ sở về BVMT (quản lý chất thải nguy hại, đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT...) được ban hành dẫn đến nhiều cơ sở gây ÔNMTNT tuy cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để nhưng chưa đáp ứng được các quy định trên nên chưa được chứng nhận hoàn thành.

     Nguyên nhân chủ quan

     Thứ nhất, một số địa phương chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong xử lý cơ sở gây ÔNMTNT, còn có tư tưởng xem nhẹ vấn đề BVMT, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT.

     Thứ hai, mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho xử lý ô nhiễm triệt để còn thiếu, song việc sử dụng nguồn kinh phí này cũng chưa thực sự hiệu quả, việc phân bổ kinh phí còn dàn trải, chưa tập trung ưu tiên cho các cơ sở có tên trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; một số trường hợp sử dụng kinh phí sai mục đích, năng lực nhà thầu hạn chế, tuổi thọ của công trình xử lý chất thải không cao do thiếu kinh phí vận hành hoặc vận hành không đúng quy trình công nghệ. Một số địa phương thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, các cơ sở gây ÔNMTNT vẫn còn khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Việc thành lập Quỹ BVMT của các địa phương còn chậm, đến nay mới có 10 tỉnh/TP thành lập.

     Thứ ba, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành song còn chậm được triển khai; việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả. Các quy định trong các hệ thống pháp luật về BVMT và hệ thống pháp luật khác có liên quan đến việc di dời, xử lý cơ sở ÔNMTNT như: đất đai, tài chính, quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều bất cập làm hạn chế công tác xử lý ô nhiễm triệt để.  

     Thứ tư, nhận thức về BVMT của người dân nói chung và các nhà quản lý, các doanh nghiệp nói riêng còn nhiều bất cập. Vẫn còn diễn ra tình trạng cơ sở chây ỳ, không tích cực xử lý ô nhiễm mà có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Đến nay, có 2 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để[1]. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng trong giám sát công tác BVMT chưa được quan tâm đúng mức, hiện chưa có cơ chế giám sát của cộng đồng trong việc xử lý cơ sở gây ÔNMTNT.

     Thứ năm, việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Đối với các bệnh viện, phần lớn có nguồn thu không đủ chi, không chủ động được kinh phí đầu tư xử lý chất thải dẫn đến việc gây ô nhiễm kéo dài; một số bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải song khó khăn trong việc bố trí kinh phí để duy trì, vận hành thường xuyên. Đối với các bãi rác, việc đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm phải đi đôi với việc xây dựng bãi chôn lấp mới hợp vệ sinh, kéo theo yêu cầu về nguồn vốn cũng như khó khăn trong việc quy hoạch địa điểm[2]. Đối với các làng nghề, chủ yếu hoạt động sản xuất tại các hộ gia đình, phân tán, gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để. Bên cạnh đó, các hộ dân trong làng nghề đa phần có thu nhập thấp và không ổn định, do đó việc đầu tư cho xử lý ô nhiễm hầu như không được quan tâm.

     3. Định hướng giải pháp trong thời gian tới

     Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT, phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây:

     Giải pháp về cơ chế, chính sách: Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT giai đoạn đến năm 2020 với lộ trình và các biện pháp triển khai cụ thể; Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở gây ÔNMTNT tiến hành xử lý ô nhiễm triệt để; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý cơ sở gây ÔNMTNT tại Chương III Nghị định số 117/2009/NĐ-CP theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục rà soát, phát hiện và lập danh mục cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh phải xử lý; Rà soát, đánh giá và kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT như: đất đai, tài chính, quy hoạch xây dựng nhằm hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả cho cơ sở khi xử lý ô nhiễm.

     Giải pháp về hỗ trợ nguồn vốn: Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ xử lý triệt để vào Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các làng nghề gây ÔNMTNT; Hướng dẫn, đôn đốc việc thành lập Quỹ BVMT ngành, Quỹ BVMT địa phương, tạo nguồn lực hỗ trợ có hiệu quả cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ÔNMTNT đầu tư xử lý, khắc phục ô nhiễm; Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng dự án xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Thông tư liên Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ có mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng đầu tư hỗ trợ xử lý ô nhiễm dàn trải, hiệu quả chưa cao.

      Giải pháp về thanh tra, kiểm tra: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các cơ sở gây ÔNMTNT chậm tiến độ xử lý triệt để; Thanh tra trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước có liên quan đối với công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT; Xây dựng và triển khai Đề án tăng cường năng lực thực thi pháp luật và hệ thống thanh tra môi trường từ Trung ương đến địa phương nhằm ngăn ngừa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.

     Giải pháp về truyền thông, công bố thông tin: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và bản thân từng cơ sở gây ÔNMTNT đối với công tác xử lý triệt để trên các phương tiện thông tin đại chúng; Công bố công khai thông tin về các cơ sở gây ÔNMTNT, qua đó tạo sức ép của dư luận, buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.

     Giải pháp về chuyển giao công nghệ: Tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở gây ÔNMTNT có nhu cầu; Đẩy mạnh công tác thẩm định, giới thiệu, quảng bá các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam để các cơ sở có điều kiện lựa chọn mô hình công nghệ xử lý phù hợp với khả năng đầu tư của mình; Kiến nghị Chính phủ giao Bộ TN&MT làm đầu mối thẩm định công nghệ về môi trường.

     Giải pháp về tăng cường kêu gọi hỗ trợ đầu tư quốc tế: Xây dựng và thực hiện kế hoạch kêu gọi hỗ trợ của các Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ ở nước ngoài vào lĩnh vực xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trên các mặt: tài chính, công nghệ, kỹ thuật, chuyên gia xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những cơ sở phức tạp như xử lý ô nhiễm tồn lưu tại các kho hóa chất tồn đọng trong chiến tranh, kho thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải của cơ sở chế biến cà phê, cao su.

 

PGS.TS. Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

TS. Hoàng Văn Thức

Chánh Văn phòng

Th.S. Vũ Đình Nam

Tỏng cục Môi trường


Ý kiến của bạn