Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội góp phần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường

05/10/2015

   Toàn dân tham gia BVMT là một trong 36 Chương trình thuộc Chiến lược BVMT của Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/12/2003 tại Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg và giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì thực hiện. Đây là chương trình có phạm vi tác động rộng lớn, thời gian thực hiện dài, được Chính phủ ưu tiên. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong lĩnh vực BVMT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) các cấp đã góp phần thực hiện nghiêm các quy định về BVMT trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng. Để tìm hiểu về nội dung này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN.

TS. Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

   Những năm qua, Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” đã được MTTQVN chủ trì thực hiện rất hiệu quả, vậy xin ông cho biết một số kết quả của Chương trình này?

   TS. Lê Bá Trình: Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” có nhiều nội dung, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện trong hệ thống UBMTTQVN các cấp từ Trung ương đến cơ sở, trong đó hai nhiệm vụ tập trung là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư BVMT.

   Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư BVMT với phương thức: Ở mỗi tỉnh/TP tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư (vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo) để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm BVMT, sau này nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước. Đến nay, 63/63 tỉnh/TP trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng với các loại hình “Lồng ghép nhiệm vụ BVMT trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Khu dân cư tự quản BVMT” và “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT”. Năm 2013, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN tổ chức Hội nghị tổng kết việc xây dựng các mô hình điểm và hướng dẫn nhân rộng trong phạm vi toàn quốc với kết quả rất đáng khích lệ. Từ 126 mô hình điểm được Ban Chủ nhiệm Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” đầu tư xây dựng ở 63 tỉnh/TP, đến nay đã có hàng nghìn mô hình khu dân cư BVMT được nhân rộng trong cả nước.

   Thông qua các mô hình, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường đi vào nền nếp. Việc tổng vệ sinh ở khu dân cư vào sáng thứ 7, hoặc ngày Chủ nhật xanh - sạch, giữ gìn cảnh quan khu dân cư... được duy trì đều đặn. Qua đó, đã hình thành nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đa dạng, thiết thực về BVMT tại địa bàn dân cư.

   Với hiệu quả của việc xây dựng các mô hình điểm đã tạo sự phối hợp sâu rộng giữa công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận và công tác quản lý nhà nước về BVMT. Bên cạnh kinh phí xây dựng mô hình điểm do Mặt trận Trung ương hỗ trợ, UBND, Sở TN&MT các tỉnh/TP đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí để Ban Công tác Mặt trận khu dân cư triển khai nhiệm vụ. Nhiều địa phương đã có nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động BVMT tại khu dân cư, có điều kiện mua sắm trang thiết bị thu gom rác thải, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT... Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã vận động nhân dân ủng hộ nhiều tỷ đồng, hàng nghìn ngày công để cùng địa phương xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân ở khu dân cư. Hiệu quả của các mô hình khu dân cư BVMT đã góp phần tích cực để các địa phương hoàn thành tiêu chí về BVMT trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

   Với tư cách là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi nhất của mọi đối tượng, tầng lớp dân cư trong xã hội, MTTQVN có trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia phản biện xã hội. Vậy công tác giám sát và phản biện xã hội về BVMT đã được MTTQVN và các tổ chức thành viên thực hiện như thế nào, thưa ông?

   TS. Lê Bá Trình: Về thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN các cấp thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực TN&MT để báo cáo trước các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT như: Luật BVMT năm 2014; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn… Từ năm 2013 - 2015, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất ở các địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên vận động các tầng lớp nhân dân tham gia
thực hiện BVMT

   Xin ông cho biết, những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình Toàn dân tham gia BVMT và thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội về BVMT?

   TS. Lê Bá Trình: Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống Mặt trận triển khai xây dựng các mô hình chưa đồng bộ, có nơi còn giao khoán công việc cho cán bộ Mặt trận. Trong khi đó, hoạt động của UBTƯMTTQVN ở cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở một số khu dân cư chưa được đồng đều, có nơi còn hạn chế. Năng lực, trình độ của các thành viên trong Ban vận động ở một số mô hình nhân rộng còn yếu, lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ được phân công nên thụ động trong theo dõi tiến độ, kiểm tra chất lượng xây dựng mô hình.

   Một bộ phận không nhỏ người dân ở các khu dân cư chưa hiểu đúng về mục đích, yêu cầu của việc đầu tư xây dựng mô hình. Sau khi mô hình thành công, dưới sự chủ trì của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, người dân tự duy trì, tiếp tục bổ sung các tiêu chí, giải pháp phù hợp để đem lại lợi ích chính đáng cho mỗi người dân và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi còn tâm lý ỷ lại, trông chờ cấp trên đầu tư kinh phí cho các hoạt động, trong khi đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp môi trường ở Trung ương để đầu tư duy trì, nhân rộng các mô hình điểm cho các địa phương ngày càng khó khăn.

   Bên cạnh đó, do thói quen, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, đặc biệt là tâm lý chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt nên ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự chuyển biến, gây khó khăn cho việc nhân rộng các mô hình. Biểu hiện là không ít vùng nông thôn, tình trạng xả rác thải, xác gia súc, gia cầm, nước thải... ra kênh mương còn diễn ra phổ biến; việc sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và nuôi trồng chưa được chấm dứt; trong khi đó hoạt động tự quản chủ yếu là đôn đốc nhắc nhở, chưa có hình thức, cơ chế xử phạt cụ thể để răn đe. Tại các khu dân cư trong thành phố, thị xã có nhiều hộ kinh doanh về sắt thép, hàn, sửa chữa điện lạnh, sơn xì, kinh doanh phế liệu cũ, không có các biện pháp xử lý chất thải gây ra ô nhiễm môi trường như khói bụi, tiếng ồn và phát tán mùi...

   Một số nơi còn thiếu các giải pháp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thu gom rác thải như không bố trí được khu đất tập trung làm bãi chứa rác thải, thiếu phương tiện thu gom, kinh phí duy trì, sửa chữa không đủ… nên công tác BVMT vẫn chưa được giải quyết triệt để.

   Sự phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯMTTQVN một số tỉnh/TP với ngành TN&MT cùng cấp còn chưa chặt chẽ nên gặp khó khăn trong hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm tra, sơ, tổng kết, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm đã triển khai.

   Nhân Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, ông có ý kiến đề xuất gì nhằm bổ sung, hoàn thiện công tác quản lý BVMT ở nước ta hiện nay?

   TS. Lê Bá Trình: Cần xác định việc huy động toàn dân tham gia BVMT cùng với các giải pháp của công tác quản lý nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó, phát huy vai trò của UBTƯMTTQVN và các tổ chức thành viên các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực để BVMT. Từ đó, có sự đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, giải pháp phối hợp cho việc triển khai thực hiện.

   Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng quy hoạch, kế hoạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp ở các xã, phường, thị trấn và khu dân cư, nhất là quy hoạch các làng nghề, xưởng sản xuất, gia công hàng hóa, tư liệu sản xuất; các công trình xử lý nước thải, rác thải để giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT ở cơ sở, nhất là kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tăng cường chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tạo nên sự đồng bộ giữa công tác tuyên truyền, vận động và tự giác thực hiện của người dân với hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

   Tăng cường sự phối hợp và thống nhất trong hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận, đặc biệt các cơ quan thông tin, tuyên truyền của các tổ chức thành viên trong Mặt trận cần đưa ra những kế hoạch, nội dung phối hợp cụ thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung vận động, giám sát của MTTQVN về nhiệm vụ BVMT đi vào đời sống xã hội.

   Kịp thời phát hiện, tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tổ chức, đơn vị là điển hình tiên tiến về BVMT để quảng bá, tuyên truyền... Đồng thời có tiếng nói phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu... gây ô nhiễm môi trường cần phải khắc phục; giám sát, kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên môi trường.

   Tập trung tuyên truyền đến các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào là tín đồ các tôn giáo có tính đặc thù về phong tục, tập quán sinh hoạt, về tín ngưỡng, tôn giáo; khắc phục việc thông tin, tuyên truyền mang tính chung chung, không sát đối tượng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen, tập quán trong sinh hoạt của mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Đình Tuyên
(Thực hiện)

Ý kiến của bạn