Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Hiện trạng chất lượng môi trường nông thôn

03/09/2015

   Nông thôn Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đem lại những thay đổi tích cực về đời sống, cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan môi trường nông thôn.Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và sự tác động từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị lân cận. Chất thải từ các hoạt động này đang làm cho môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm và có xu hướng gia tăng, đặc biệt vấn đề chất thải rắn nông thôn đã gióng lên hồi chuông báo động ở nhiều vùng và địa phương.

   Môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm

   Môi trường nước mặt tại hầu hết các vùng còn tương đối tốt, có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số nơi, nước mặt có dấu hiệu suy giảm về chất lượng và ô nhiễm cục bộ chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh. Khu vực có chất lượng nước mặt suy giảm chủ yếu là vùng hạ lưu các con sông, các khu vực ven đô, nơi tiếp nhận nước thải tổng hợp từ các khu đô thị và làng nghề...

   Tùy theo địa bàn và thành phần chất thải, mỗi con sông sẽ bị ảnh hưởng bởi các chất gây ô nhiễm khác nhau. Môi trường nước mặt tại khu vực Bắc Bộ và Đông Nam Bộ có mức độ ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.Đặc biệt, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nơi có mật độ dân cư đông và hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp phát triển, có những thông số như COD, BOD5, TSS, Coliform vượt QCVN.

   Tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc hay khu vực Tây Nguyên, cũng đã ghi nhận hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước mặt do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, điển hình như khu vực gần mỏ sắt tại xã Hưng Thịnh (Yên Bái), khai thác vàng, sa khoáng ở Đắc Lắc, Kon Tum...

Diễn biến hàm lượng COD trong nước sông một số khu vực nông thôn phía Bắc giai đoạn 2011-2014 (Nguồn: Trung tâm QTMT - TCMT, 2014)

   Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy hải sản là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt vùng Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặt khu vực nuôi trồng thủy sản có đặc trưng chứa hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh cao. Một số vùng nông thôn đã xuất hiện ô nhiễm do hoạt động nuôi thủy sản như các xã Thạch Phước, An Thủy, An Nhơn (Bến Tre), nuôi tôm trên cát ở các xã Cát Khánh, Mỹ Đức, Mỹ Thành (Bình Định)...

   Môi trường nước dưới đất tại một số khu vực nông thôn cũng đã có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh, tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Môi trường nước dưới đất tại nhiều làng nghề cũng đã bị ô nhiễm kim loại nặng và có xu hướng gia tăng. Tại làng nghề Phong Khê, hàm lượng mangan trong nước dưới đất cao hơn QCVN 5,9 lần, NH4+ cao hơn QCVN 6,1 lần; tại làng nghề Đồng Kỵ, hàm lượng sắt cao hơn QCVN 3,5 lần, NH4+ cao hơn QCVN 7,6 lần.

   Môi trường không khí ô nhiễm cục bộ

   Chất lượng môi trường không khí khu vực nông thôn còn khá tốt, nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm như khu vực miền núi và khu vực thuần nông, nơi hầu như chưa chịu tác động của các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi tập trung. Hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ mới chỉ được ghi nhận tại một số làng nghề, khu vực có cụm điểm công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, xung quanh điểm khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng hay tại một số khu vực đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.

   Ô nhiễm không khí xung quanh các khu vực làng nghề là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay.Với đặc thù làng nghề ở nước ta chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên ô nhiễm không khí mang tính cục bộ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.Thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm phụ thuộc vào loại hình sản xuất. Ô nhiễm mùi tập trung tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; ô nhiễm bụi phổ biến tại các làng nghề gốm sứ, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ hay ô nhiễm khí độc hại tập trung nhiều ở các làng nghề tái chế.

   Tại một số vùng nông thôn có hoạt động chăn nuôi tập trung, chế biến nông-lâm-thủy sản cũng đã và đang có hiện tượng ô nhiễm không khí như ô nhiễm bụi tại vùng chế biến cà phê của Đắc Lắc, Lâm Đồng; ô nhiễm mùi tại khu vực chăn nuôi tập trung vùng nông thôn của Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

   Trong những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, thực chất là xu hướng dịch chuyển ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí ở nông thôn. Một vài khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ với nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao, một số nơi đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN.

   Môi trường đất bị thoái hóa

   Nhìn chung, chất lượng môi trường đất tại các vùng nông thôn hiện nay vẫn đáp ứng tốt cho các nhu cầu sử dụng, đặc biệt là hoạt động canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàm lượng các kim loại nặng cũng như dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ở khu vực nông thôn đã có sự gia tăng nhẹ.

   Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc BVTV và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ các hóa chất BVTV tồn lưu là nguyên nhân chính dẫn tới hàm lượng các kim loại nặng cũng như dư lượng hóa chất BVTV trong đất ở khu vực nông thôn đã có sự gia tăng.

   Hiện tượng thoái hóa đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở các khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng như rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, phèn hóa, mặn hóa, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất. Các hiện tượng này có sự tác động từ cả tự nhiên và nhân tạo, trong đó biến đổi khí hậu và sử dụng đất bất hợp lý là yếu tố dẫn đến hiện tượng thoái hóa đất trên cả nước.

Nồng độ TSP trong không khí xung quanh một số làng nghề khu vực phía Bắc (Nguồn: Sở TN&MT các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định và TP. Hà Nội, 2014)

   Thoái hóa đất do xói mòn, rửa trôi xảy ra nhiều ở các vùng đồi núi, có độ dốc và mạng lưới sông suối dày đặc. Biểu hiện rõ nhất ở Tây Nguyên với hơn 30% tổng diện tích bị thoái hóa nặng, trong khi đó, ở vùng đồng bằng (sông Hồng, sông Cửu Long) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4-14%. Tình trạng xâm nhập mặn sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao và thời gian duy trì dài xảy ra phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.Trong những năm qua, hạn hán đã xảy ra và gây thiệt hại về mọi mặt cho các khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, ngập úng và sạt lở đất cũng xảy ra khá phổ biến ở các vùng trũng, đồng bằng, khu vực ven sông...

   Chất thải rắn gia tăng

   Chất thải rắn không chỉ là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị và thành phố lớn mà còn của các vùng nông thôn trong toàn quốc.Cùng với sự phát triển ngành nghề ở nông thôn, chất thải rắn gia tăng về thành phần và tính chất độc hại. Nổi cộm là vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng đồng bằng, vùng ven các khu đô thị; quản lý bao bì thuốc BVTV trong trồng trọt và chất thải rắn làng nghề.

Mặc dù bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng nước ở các con sông để sinh hoạt hàng ngày

   Hiện nay, ở các vùng nông thôn ven đô và đồng bằng tập trung đông dân cư, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt hầu hết được giao cho các tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện. Chất thải rắn được thu gom tập trung về các bãi chôn lấp lộ thiên, hầu hết không có hệ thống xử lý nước rỉ rác hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả đã và đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều nơi vẫn còn tình trạng chất thải rắn đổ bừa bãi ven các trục giao thông, đầu làng, dọc các kênh mương... gây ô nhiễm môi trường cảnh quan và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.Để giải quyết vấn đề này, một số mô hình lò đốt rác công suất nhỏ đã được áp dụng thí điểm tại một số địa phương, bước đầu góp phần giảm thiểu lượng rác thải tồn đọng.Tuy nhiên, mô hình này cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm định công nghệ, thiết bị và kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình vận hành để đảm bảo loại bỏ nguy cơ ô nhiễm thứ cấp.

   Công tác thu gom, xử lý bao bì, chai lọ chứa hóa chất BVTV cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, các loại chất thải này thường bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù, một số địa phương đã có kế hoạch thu gom xử lý nhưng việc triển khai chưa phát huy hiệu quả do hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện.

   Vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn từ các làng nghề cũng chưa có những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Tình trạng chất thải sản xuất được thu gom chung với rác thải sinh hoạt còn khá phổ biến. Một số làng nghề bước đầu đã thực hiện phân loại để tái sử dụng làm nguyên nhiên liệu, phần còn lại được thu gom tập trung, chuyển đi chôn lấp hoặc xử lý theo phương pháp đốt lộ thiên và đốt thủ công. Một số làng nghề sản xuất gạch gốm, cơ khí cũng đã nghiên cứu áp dụng thử nghiệm quy trình sản xuất sạch hơn mang lại hiệu quả về kinh tế và giảm lượng rác phát sinh... Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng các mô hình cũng còn gặp nhiều khó khăn.

   Có thể thấy rằng, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Tuy nhiên, môi trường nông thôn cũng đã xuất hiện những khu vực có dấu hiệu ô nhiễm hoặc ô nhiễm cục bộ. Chính vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn cần được các cấp, các ngành chức năng có sự quan tâm đúng mức, đồng thời có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn vấn đề này trước khi trở nên nghiêm trọng.

 

ThS. Lê Hoàng Anh, Nguyễn Thị Bích Loan, Nguyễn Thu Trang

Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn