Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Hà Nội kiên quyết nói không với bếp than tổ ong

02/01/2020

     Trong thời gian gần dây, người dân Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe do tình trạng ô nhiễm không khí (ÔNKK) ngày càng gia tăng. Trước thách thức đó, TP. Hà Nội đã có một số chủ trương, chính sách quan trọng nhằm giảm thiểu ÔNKK, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND TP ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.

     Có thể nói, việc sử dụng bếp than tổ ong là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân không chỉ trên địa bàn TP. Hà Nội, mà còn ở nhiều địa phương khác do chí phí sinh hoạt đắt đỏ, giá gas, điện tăng cao. Than tổ ong được làm bằng than tạp chất (loại kém chất lượng có hàm lượng lưu huỳnh cao); bùn (dùng để trộn với than) và một số các chất khác. Qua tìm hiểu được biết, giá thành của than tổ ong khá rẻ, chỉ 3.000 đồng/viên, một bếp than từ 100 - 200 nghìn đồng. Sử dụng bếp than tổ ong vừa tiện lợi, dễ sử dụng, lại tiết kiệm kinh tế, nên từ nhiều năm nay, các hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng ở Thủ đô vẫn lựa chọn cách thức này để đun nấu, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

     Theo một nghiên cứu của Sở TN&MT Hà Nội vào năm 2017, trên toàn địa bàn Thành phố (TP) có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng, tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang được sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63%, 37% ở các huyện ngoại thành. Mỗi ngày, trung bình TP. Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt chiếm 53%; trong kinh doanh hàng ăn chiếm 31%, quán nước: 10% và 6% là đun thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi đốt, than tổ ong cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thời phát thải một số chất độc hại ra môi trường như bụi mịn PM 2.5, khí CO, CO2, SO2, NOx. Điều đó có nghĩa, bên cạnh những tác động tiêu cực đến môi trường, việc đun bếp than tổ ong còn gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người.

 

Đến hết ngày 31/12/2020, Hà Nội chấm dứt tình trạng sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ

 

     TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc đốt than tổ ong trong thời gian dài có thể gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi, bệnh về mắt, tim mạch… Nếu người sử dụng đun nấu bằng than tổ ong trong nhà kín, không khí không được lưu thông có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, đau nhức đầu, rối loạn thần kinh cảm giác và điều nhiệt. Tình trạng này kéo dài không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong; phụ nữ mang thai nếu thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than có nguy cơ bị sẩy thai. Mặc dù, việc sử dụng bếp than tổ ong tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người, cũng như ô nhiễm môi trường và an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng nhiều hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn vẫn hàng ngày sử dụng. Nguyên dân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu quyết liệt.

     Trước sự cấp thiết phải giảm thiểu ÔNKK và bảo vệ sức khỏe của người dân, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh hàng ngày của người dân TP, bao gồm: Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội ngày 3/8/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hạn chế và tiến tới không sử dụng than tổ ong, không đốt rơm rạ nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường; Nghị quyết số 11/NQ-TU của Thành ủy ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 160/KH-UBND của UBND TP ngày 3/7/2017 về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-TU, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu lộ trình, giải pháp hạn chế, thay thế và loại bỏ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ gây ÔNKK.

     Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ bếp than tổ ong, trong những năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, viện nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường; tìm kiếm các giải pháp thay thế than tổ ong đảm bảo an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường; thí điểm sử dụng bếp và nhiên liệu thân thiện với môi trường tại 2 Quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình. Tuy nhiên, đến nay, số lượng bếp than tổ ong tại các quận, huyện mới giảm được khoảng 59,8% so với năm 2017.

     Nhận thấy tình trạng ÔNKK tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, ngày 30/10/2019, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể lộ trình, giải pháp quản lý, quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ, đảm bảo đến hết ngày 31/12/2020 trên địa bàn TP chấm dứt tình trạng sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ. Theo lộ trình, từ ngày 31/10/2019 - 31/12/2020, TP sẽ phải thực hiện các biện pháp chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý, kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Tuy nhiên, để đạt được kết quả theo đúng lộ trình đã đề ra, các cơ quan quản lý của TP cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân để người dân hiểu rõ được những tác hại từ việc sử dụng than tổ ong hàng ngày. Các quận, huyện cần phải tổ chức phổ biến, thông báo  đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm về chủ trương của TP thông qua nhiều hình thức như tổ chức ngày hội đổi bếp, thăm khám bệnh cho người dân đang sử dụng bếp than trên địa bàn các quận, huyện; phát tờ rơi cảnh báo tác hại của bếp than tổ ong, lộ trình xóa bỏ bếp than tổ ong; đưa nội dung không sử dụng bếp than tổ ong là tiêu chí đánh giá thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa; phối hợp với đơn vị quản lý chợ (Ban quản lý, Tổ quản lý, Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ) xây dựng nội quy, quy ước không sử dụng than tổ ong trong phạm vi chợ; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong.

     Theo ý kiến của một số chuyên gia môi trường, hiện nay, trên địa bàn TP, nhất là các huyện ngoại thành vẫn còn nhiều hộ dân còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để chuyển sang các loại bếp điện, bếp từ và bếp gas. Mặt khác, đối với các hộ kinh doanh, dịch vụ nhỏ, lẻ, bình dân, việc cấm không dùng bếp than tổ ong cũng ít, nhiều ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của họ. Vì thế, để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn TP, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để người dân dần chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.  

 

Bình Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

Ý kiến của bạn