Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP

07/05/2015

     Trong thời gian qua, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả và là công cụ hữu hiệu trong công tác BVMT. Với mức tiền phạt cao và các hình thức xử phạt nghiêm khắc, Nghị định có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác BVMT từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, do có sự thay đổi của Luật BVMT năm 2014, một số quy định mới về BVMT đã thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện có một số vướng mắc phát sinh như: Thiếu quy định điều chỉnh các hành vi đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Các hành vi liên quan đến quản lý chất thải và phế liệu, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, phương án cải tạo và phục hồi môi trường... Hơn nữa, một số quy định về hành vi vi phạm còn rộng, chưa có tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng nên không đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”… Vì vậy, việc xây dựng Nghị định mới để thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP là cần thiết và hiện nay, Bộ TN&MT đang Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, thay thế cho Nghị định này.

 

 

     Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT do Bộ TN&MT soạn thảo gồm 5 Chương, 74 Điều. Bên cạnh những quy định chung, Dự thảo đã nêu rõ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Trong đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT được chia rõ thành 2 mục: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm các điều từ Điều 8 - Điều 49 (Mục này phân rõ các nhóm hành vi vi phạm đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức là 2 tỷ đồng); Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm các điều từ 50 - 56, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp, Công an nhân dân, Thanh tra chuyên ngành và các lực lượng khác; Phân định rõ thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm.

 

Uyên Hoàng

Ý kiến của bạn